Một chú rùa nước ngọt đã sống sót sau 15 phút nằm trong miệng cá sấu nhờ chiếc mai vô cùng cứng rắn của mình.
Sự việc xảy ra tại đầm lầy Okefenokee, bang Georgia, Mỹ. Con cá sấu Mỹ dài 1,8m với cặp hàm cứng như thép, đã chộp được chú rùa. Tuy nhiên, dù “mồi đã đến miệng” nhưng cá sấu vẫn phải.. nhả vì cú ngoạm với áp lực khoảng 1.315 kg của nó không tài nào phá vỡ được chiếc mai siêu cứng của chú rùa. Sau 15 phút tìm cách hạ sát chú rùa không thành công, con cá sấu đành ngậm ngùi bỏ đi tìm miếng mồi khác.
Chú rùa trong miệng cá sấu
Patrick Castleberry – nhiếp ảnh gia động vật hoang dã của Mỹ, là “nhân chứng” sự việc này. Ông đã nói rằng mình thực sự ngỡ ngàng khi nhận ra chú rùa vẫn sống sau khi nằm trong miệng cá sấu.
"Khi đang chụp ảnh một con diệc lớn, tôi bỗng thấy ở góc của tầm mắt như có một quả bóng nảy bên mép nước. Tôi nhanh chóng hiểu chuyện gì đang diễn ra và nghĩ con cá sấu sẽ phá được chiếc mai. Lúc con cá sấu bỏ đi, tôi tới chỗ con rùa và chắc mẩm là nó đã chết. Tôi thực sự ngạc nhiên khi chú rùa còn sống và đang nằm ngửa. Tôi lật nó lên và nó bò ra sông", Castleberry cho hay.
Con cá sấu cố gắng đập vỡ mai rùa
Chiếc mai rùa cấu tạo từ xương và được bao phủ bởi một tấm khiên bằng sừng. Những mảng xương này cũng chính là xương sườn, cột sống và một phần của vai và hông. Độ bền của mai rùa phụ thuộc vào kích thước của con vật. Các nhà khoa học cho rằng, chúng tiến hóa mai để tránh bị ăn thịt. Họ luôn thích thú với sự tiến hóa và cấu trúc của mai rùa.
15 phút sau, mai rùa vẫn còn nguyên
Từ trước đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành để tìm hiểu lực mà mai rùa có thể chịu được. Giới quân sự thậm chí còn tìm cách mô phỏng mai rùa để chế tạo áo giáp cho con người.
Cho dù chiếc mai bảo vệ rùa khỏi phần lớn kẻ săn mồi nhưng những động vật lớn như cá mập hổ có thể cắn xuyên qua "áo giáp" của rùa. Một số động vật ăn thịt khác thì dùng "chiêu" rỉa xung quanh các cạnh của mai để kéo con rùa ra.
Theo danviet