Bên bờ hạnh phúc

Trong một chuyến du ngoạn Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, chúng tôi có dịp nghe các lão nông ở đây kể về một loài chim lạ có cái tên cũng lạ: điên điển. Chẳng ai biết vì sao tên chim lại trùng với một loài hoa hay nở rộ vào mùa nước nổi, chỉ biết loài chim này đã nổi tiếng từ lâu với vụ án “ao cá trê, ao cá lóc”.

Lão nông phá án

Ở vùng này, mỗi nhà thường nuôi một vài ao cá. Mỗi loài cá đều được nuôi ở những ao riêng biệt để chúng khỏi đánh nhau và dễ dàng phân loại khi mua bán. Vậy mà, khi các lão nông tát ao lên thì ôi thôi: ao cá lóc lẫn đầy cá trê, ao cá trê lẫn đầy cá lóc… Tức mình, họ quyết định thả lứa cá con khác và cẩn thận canh chừng xem ai đã đến đổi cá ở ao mình. Canh mãi chỉ thấy mấy loài chim bói cá, cồng cộc và điên điển hay lui tới bắt trộm cá. Đối tượng đã được khoanh vùng, tiếp tục theo dõi thì người ta phát hiện nhiều lần chim điên điển bắt được cá nhưng không ăn, chúng bay sang ao khác thả cá rồi lại đi bắt tiếp.

Hoá ra, vì là loài chim có biệt tài săn bắt cá thứ thiệt, nay cá tôm ngày càng ít, thức ăn thiếu trầm trọng, chim điên điển nghĩ ra chiêu thức kiếm mồi mới: lẻn ngay vào ao nhà bắt lấy cá nuôi.

Chim đang bay đi tìm mồi

Như chúng ta đã biết, hầu hết các loài động vật thường có tập tính dự trữ thức ăn. Nhiều loài thú chọn cách tích trữ mỡ để sống qua mùa đói kém, các loài chim thường khó sử dụng được cách này vì quá trình chuyển hoá năng lượng ở chim diễn ra với tốc độ chóng mặt và chim phải giữ trọng lượng cơ thể lúc nào cũng phải gọn nhẹ để bay nhảy cho tiện. Cách duy nhất để dự trữ năng lượng ở chim là tích trữ thức ăn. Chim điên điển thường bắt cá thả vào ao để dự trữ thức ăn cho những tháng mùa khô đói kém. Thế tại sao chim không thả cá vào sông, hồ? Đơn giản vì ao nhỏ, cá không chạy đâu được. Mỗi chú chim điên điển chọn cho mình một cái ao để thả cá, thế là mỗi lần tát ao, các lão nông bắt được đủ thứ cá!

Nhận diện chim điên điển

Chim điên điển có tên khoa học là Anhinga melanogaster thuộc họ Anhingidae, bộ cò Ciconiiformes. Do có cái cổ dài quá khổ nên chúng còn có tên là cổ rắn, mỏ chim cũng khá dài và sắc nhọn sẵn sàng đâm thủng thân thể của bất kỳ chú cá ngờ nghệch nào. Bộ lông chim gần như nâu đen và đặc biệt không thấm nước. Chân chim có mái chèo như chân vịt, giúp chim trở thành một trong những vận động viên bơi lặn cừ khôi nhất trong thế giới loài chim.

Chim điên điển sống ở những vùng đất ngập nước mênh mông nhiều tôm nhiều cá, phân bố khắp Đông Nam Á nhưng số lượng không nhiều. Ở Việt Nam, chỉ còn một số nơi như khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước láng Sen, lung Ngọc Hoàng, sân chim Bạc Liêu, vườn quốc gia Tràm Chim, U Minh là còn khá dễ gặp loài này. Ngày nay, đất ngập nước nhường chỗ dần cho ruộng lúa, ao tôm nên chim cũng ít dần. Để bảo vệ loài chim này, các nhà khoa học đã đưa chim vào danh sách những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Theo Nguyễn Hào Quang (SGTT) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *