Bên bờ hạnh phúc

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy và chụp được bức ảnh đầu tiên về culi Horton Plains, một trong những loài linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Hình ảnh đầu tiên về culi Horton Plains, loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất thế giới. Ảnh: Telegraph

Culi Horton Plains được xem là đã tuyệt chủng hơn 60 năm nay bởi các nhà khoa học không thể nhận thấy sự xuất hiện của chúng. Loài động vật với thân hình nhỏ bé và đôi mắt to này chỉ được nhìn thấy bốn lần kể từ năm 1937 cho đến nay.

Tuy nhiên, vào năm 2002, các nhà khoa học đã “thoáng” phát hiện ra culi Horton Plains bởi sự phản chiếu ánh sáng trong mắt loài động vật này. Nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của culi Horton Plains là việc chặt phá rừng tự nhiên để làm các đồn điền trồng chè.

Các nhà khoa học của Hội động vật học London trong quá trình tiến hành chụp hình của các động vật quý hiếm trên thế giới nhằm xác định số lượng còn tồn tại của chúng trong tự nhiên đã chụp được hình ảnh của loài culi Horton Plains này. Đó là hình ảnh của một con culi Horton Plains đực, đã trưởng thành có bộ lông dài, dày với đặc trưng là mắt to, tay chân ngắn đang ngồi trên một nhánh cây.

Các nhà nghiên cứu đã bắt gặp con culi này sau hơn 1.000 chuyến tìm kiếm với hơn 200 giờ chụp ảnh cần mẫn tại rừng Sri Lanka vào ban đêm. Nhóm nghiên cứu đã không chỉ chụp được hình ảnh của loài linh trưởng quý hiếm này mà còn bắt được ba con culi Horton Plains để tiến hành kiểm tra, lấy số liệu về chúng.

"Chúng tôi đã có bức ảnh đầu tiên về loài linh trưởng này và chứng minh được sự tồn tại của culi Horton Plains, nhất là khi chúng đã biến mất 65 năm qua”, Tiến sĩ Craig Turner, nhà sinh vật học thuộc nhóm nghiên cứu đã phát biểu.

Culi Horton Plains là loài linh trưởng nhỏ sống về đêm chỉ được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka. Chúng có chiều dài từ 15 – 25cm với một đôi mắt như “đĩa bay” giúp cho việc quan sát và bắt mồi vào ban đêm.

Theo ước tính của các nhà khoa học thì loài linh trưởng này chỉ còn khoảng 100 cá thể trên toàn thế giới, đặt nó vào tình trạng của sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng nguy cấp. Tuy nhiên, theo như các nhà khoa học thừa nhận thì rất hiếm để có thể thấy được loài culi Horton Plains. Do đó, số lượng còn lại của loài này chỉ vào khoảng 60 cá thể và trở thành loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất trên thế giới.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *