Bên bờ hạnh phúc

Với ước muốn đứng trong hàng ngũ các siêu thành phố trên thế giới, Abu Dhabi đã và đang thực hiện công cuộc thay đổi dáng vẻ bề ngoài trên diện rộng với những công trình kiến trúc đỉnh cao.

 

Một trong những ví dụ không thể không nhắc đến là tòa nhà chọc trời lạ thường mang tên Aldar HQ. Từ trước đến nay, chưa từng có công trình nào giống như thế cả. Liệu siêu cấu trúc này có đưa Abu Dhabi đến đỉnh cao trong thế giới xây dựng hay không?

Abu Dhabi hiện đang trong quá trình phát triển bùng nổ về xây dựng. Lãnh đạo Abu Dhabi – Sheikh Khalifa – với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ – đã vạch ra chiến lược chi tiêu táo bạo với ước muốn thay đổi hẳn diện mạo của thành phố Abu Dhabi và cạnh tranh với những thành phố tầm cỡ khác như Luân Đôn, New York, Hong Kong.

 

Chỉ cách đây vài thập niên, Abu Dhabi hãy còn là vùng đất hoang mạc khô cằn. Cho đến khi dầu mỏ được phát hiện vào năm 1958, Abu Dhabi trở nên cực kỳ giàu có. Khi những đồng đôla dầu mỏ chảy tràn vào ngân khố quốc gia, lãnh đạo Abu Dhabi khi đó là Sheikh Zayed đã dùng chúng để biến những ngôi nhà tồi tàn thành những tòa nhà cao tầng, và lối sống truyền thống cũng dần thay đổi. Ngày nay, Abu Dhabi, với trữ lượng dầu lớn thứ 5 thế giới, vẫn đang phát triển không ngừng. Nhưng chỉ một mình “vàng đen” thì chưa đủ để đưa Abu Dhabi đứng trong hàng ngũ các siêu thành phố trên thế giới. 

 

Nhằm đưa Abu Dhabi lên bản đồ kiến trúc của thế giới, Aldar – tập đoàn đầu tư, quản lý, và phát triển bất động sản có trụ sở ở Abu Dhabi – đã có kế hoạch xây dựng một thành phố mới mang tên gọi Al Raha Beach. Đây là dự án đầy tham vọng. Với chiều dài 11 km và chiều rộng gần 1 km, thành phố trên biển này sẽ là dự án lớn nhất của Abu Dhabi vào thời điểm nó hoàn thành. Mohamed Al Mubarak là người chịu trách nhiệm mang đến sự phát triển táo bạo này.

Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư, Al Mubarak phải cho họ thấy, Al Raha Beach có khả năng thành công mỹ mãn. Vì vậy, để khởi động dự án này, ông đã đặt hàng xây dựng một tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng của Al Raha Beach. 

 

Al Mubarak đã giao phó sứ mệnh thiết kế công trình mang tính biểu tượng này cho kiến trúc sư người Libăng Marwan Zgheib. Tòa nhà sẽ trở thành trụ sở của Aldar và nằm ngay giữa dự án phát triển khổng lồ. Tuy nhiên, việc tạo ra công trình gì đó mới mẻ ở vùng đất với vô vàn công trình đặc sắc quả là điều không dễ dàng chút nào. Tiểu vương quốc láng giềng Dubai đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế với hàng loạt công trình đồ sộ như tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới Burj Khalifa, đảo cọ nhân tạo lớn nhất thế giới The Palm, quần đảo The World, khách sạn 7 sao đầu tiên của thế giới Burj Al Arab…

Để trở nên nổi bật nhất trong số những công trình đỉnh cao như thế, thiết kế của Zgheib phải trông đơn giản nhưng vô cùng táo bạo. Đó là tòa nhà chọc trời hình tròn với lớp kính uốn cong bao phủ một diện tích bằng 4 sân bóng đá, tòa nhà này cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do đặt trên đảo Liberty trong cảng New York của Mỹ.

 

Thiết kế của Zgheib mang nguồn cảm hứng của tự nhiên. Hai bức tường bằng kính uốn cong hình vòng tròn khổng lồ trông như thể vỏ sò đang rộng mở. Vỏ sò mang ý nghĩa rất sâu đậm đối với Abu Dhabi khi vùng đất này có di sản là nghề đi biển. Nhưng thiết kế mang hình vòng tròn lại đặt ra lắm thách thức. Không khác gì một đồng xu được đặt đứng trên cạnh của mình, nó đối mặt với nguy cơ mất ổn định. 

Bản thân tòa nhà không phải là yếu tố thách thức chủ yếu mà vấn đề chính là khu vực xây dựng – biển cả và không có gì ngoài nước với nước. Vị trí xây dựng theo ước muốn của chủ đầu tư nằm cách Vịnh Ba Tư 700 m, nước biển sâu 8 m. Trước thực tế này, một vùng đất mới cần phải được tạo ra và người ta phải cần tìm hơn 3 triệu met khối cát. 

Với hình dáng khác lạ của mình, Aldar HQ sẽ liên tục đón những luồng gió mạnh mẽ như cánh buồm trên chiếc du thuyền vậy.

 

 

Abu Dhabi luôn tràn ngập ánh nắng mặt trời. Trong suốt những tháng mùa xuân, sức nóng của mặt trời hun nóng không khí ẩm, tạo nên các cơn bão sấm dữ dội cùng những cơn gió mạnh, có lúc tốc độ lên đến 137 km/h. Đối với các tòa nhà cực cao, điều đó không quá quan trọng do gió giật xuất hiện ở dưới thấp, nhưng đối với Aldar HQ, câu chuyện lại khác đi hoàn toàn. Các cơn gió giật trở nên mạnh mẽ nhất khi xuất hiện cách mặt đất khoảng 50 – 150 m. Aldar HQ nằm ngay trong vùng nguy hiểm đó.

 

Aldar HQ cần không gian thoáng đãng và khi ở bên trong, người ta có thể nhìn toàn cảnh Vịnh Ba Tư. Ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, lớp vỏ của các tòa nhà chọc trời hình chữ nhật được xây bằng bêtông. Tuy nhiên, lớp vỏ của Aldar HQ lại có hình dáng quá phức tạp, nó phải được xây dựng với độ chính xác cao để các bộ phận vừa khít nhau một cách hoàn hảo. Diagrid – khung thép mạnh mẽ nhưng mảnh khảnh – sẽ giúp hình thành nên hình dáng có một không hai của Aldar HQ. 

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *