Một hóa thạch sọ người có niên đại khoảng 400.000 năm tuổi phát hiện tại Bồ Đào Nha đang khiến giới khoa học tranh cãi về tổ tiên của người hiện đại và quá trình tiến hóa của con người.

Theo tạp chí chuyên ngành của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, hóa thạch trên được tìm thấy trong một dự án khảo cổ năm 2014 tại khu vực hang động Aroeira. Đây là hóa thạch xương cổ nhất của con người từng được tìm thấy tại Bồ Đào Nha.

Nhà nhân chủng học Rolf Quam của Đại học Binghamton, đồng thời là một tác giả của nghiên cứu, cho biết hiện đang có nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc của xương sọ này.

Hóa thạch hộp sọ 400.000 năm tuổi được tìm thấy tại khu vực hang động Aroeira.

Dựa theo một số đặc điểm xương, nhóm nghiên cứu của ông Quam cho rằng hộp sọ này không phải của người Neanderthals – một loài trong chi Người đã tuyệt chủng, nhưng có thể thuộc về tổ tiên của Neanderthals. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chưa thể xác định được hộp sọ là của nam hay nữ cũng như nguyên nhân gây tử vong.

Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm bề mặt của các mỏm đá và trầm tích xung quanh, nhóm nghiên cứu xác định hóa thạch này có niên đại khoảng 400.000 năm tuổi. Trong khi đó, cấu trúc xương cho thấy đây là hộp sọ của một người trưởng thành.

Theo nhà khảo cổ học người Bồ Đào Nha Joao Zilhao, hóa thạch sọ người tại hang động Aroeira là một phát hiện hiếm có và có ý nghĩa quan trọng với ngành khảo cổ. Trong thời gian tới, các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu chi tiết về hộp sọ và môi trường khu vực hang động Aroeira để từ đó xây dựng một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống thời cổ đại cũng như sự tiến hóa của loài người tại khu vực này.

Hóa thạch 400.000 năm tuổi này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia ở Lisbon vào tháng 10 năm nay.

Theo TTXVN/Vietnam+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *