Bên bờ hạnh phúc

Từ các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, chúng ta hướng tầm mắt về phía Thái Bình Dương là có thể nhìn thấy vịnh Tokyo. Vịnh Tokyo nổi tiếng với sự đa dạng sinh học, trong lòng vịnh có vô số loài sinh vật biển cư ngụ. Nguồn hải sản dồi dào ở đây đã góp phần quan trọng nuôi sống cư dân thủ đô, góp phần tạo nên sự phong phú cho nền ẩm thực của thủ đô Tokyo và cả Nhật Bản.

Vịnh Tokyo nằm ở phía nam vùng Kanto của Nhật Bản. Vịnh biển này có 1 vị trí địa lý rất quan trọng, là cửa ngõ giao thương duy nhất bằng đường thủy giữa thủ đô Tokyo với thế giới bên ngoài.

Vịnh Tokyo là cửa ngõ giao thương duy nhất bằng đường thủy giữa thủ đô Tokyo với thế giới bên ngoài

Vịnh có độ dài 70 km từ Bắc xuống Nam. Tổng diện tích của vịnh Tokyo, bao gồm cả eo biển Uraga là 1.400 km vuông. Vịnh được bao bọc bởi thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa và tỉnh Chiba. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, người ta ước tính có đến 30 triệu người sống dựa vào vùng vịnh này.

Về cấu tạo địa chất, phần đáy vịnh được chia ra làm 2 khu vực rõ rệt. Phía nam tồn tại những thung lũng trong lòng biển với độ sâu trung bình 45 mét.

Bên trong các thung lũng là 1 thế giới sinh vật đa sắc màu. Rất nhiều loài cá có hình dáng và màu sắc đẹp mắt cư ngụ ở đây. Vùng nước ấm áp này là nơi thích hợp cho lũ cá hề, cá damselfish, cá sọc vằn sinh sống.

Đi về hướng bắc, vào sâu bên trong vịnh là khu vực biển cạn, đáy vịnh tương đối bằng phẳng, độ sâu trung bình chỉ khoảng 15 mét. Khu vực này có nhiều hòn đảo nhân tạo được xây dựng để phục vụ các mục đích kinh tế, quân sự.

Vịnh Tokyo còn là nơi cung cấp nguồn hải sản phong phú, gần đây, mỗi năm, sản lượng cá đánh bắt được vào khoảng 20 ngàn tấn. Con số này đã sụt giảm rất nhiều so với những năm 1960, giai đoạn vịnh Tokyo chưa bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhiều loài cá đánh bắt từ vịnh có giá trị kinh tế rất cao như cá nhồng, cá tráp biển, cá chình.

Không chỉ có tôm cá, vịnh Tokyo còn ban tặng cho con người nhiều sản vật biển khác. Ngay từ thời Edo, các ngư dân ở tỉnh Chiba đã ra khơi khai thác nguồn rong biển dồi dào bằng phương pháp thủ công. Ngày nay, chỉ cần 1 chiếc thuyền chuyên dụng và 2 người trên thuyền là họ có thể thu hoạch hàng trăm kg rong biển tươi mỗi ngày. Rong biển là thực phẩm quan trọng trong đời sống của người Nhật. Những miếng rong biển khô là nguyên liệu không thể thiếu trong món sushi. Rong biển khai thác từ vịnh Tokyo nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon và nhiều dưỡng chất.

Hàng năm, từ mùa xuân đến mùa hè, vịnh Tokyo trở thành địa điểm thu hút rất đông khách du lịch. Khi thủy triều xuống, nước rút dần ra biển để lộ 1 khu vực bờ vịnh đầy cát và đá. Đây là lúc người ta đổ ra vịnh. Bờ vịnh thuộc địa phận của thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, hấp dẫn nhiều người nhất. Họ đến đây để bắt nghêu, sò, những loại hải sản rất phổ biến của vịnh Tokyo.

Những lúc thủy triều rút cạn, người dân rất thích đi bắt nghêu, sò ở vịnh Tokyo.

Năm 1603, Tokugawa Ieyasu trở thành Tướng quân, đứng đầu chế độ Mạc phủ tại Nhật Bản. Tướng quân Ieyasu chọn Edo là thủ đô, nay là Tokyo.

Tướng quân Ieyasu đã ra lệnh xây dựng nhiều công trình lấn biển ra vịnh Edo (tên gọi cũ của vịnh Tokyo) nhằm tăng cường hoạt động lưu thông đường thủy của 1 đô thị lớn.
Người dân từ khắp nơi trên cả nước đổ về Edo, để giải quyết chỗ ở cho 1 lượng lớn dân cư tăng đột biến, tướng quân Ieyasu đã cho xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên vịnh.

Chính quyền Mạc phủ Tokugawa cũng tạo điều kiện và khuyến khích ngư dân ra khơi khai thác nguồn tài nguyên biển dồi dào ở vịnh Edo để cung cấp thực phẩm cho cư dân kinh thành.

Kết quả là một lượng khổng lồ tôm cá tươi được đưa về Edo mỗi ngày. Những khu chợ mua bán hải sản mọc lên khắp nơi, chúng là tiền thân của chợ cá ngày nay ở Nhật Bản.

Nguồn nguyên liệu tươi ngon, phong phú là điều kiện thuận lợi để giới đầu bếp chế biến nhiều món ăn mới. Thời kỳ Edo được xem là giai đoạn hoàng kim trong ẩm thực Nhật Bản.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *