Bên bờ hạnh phúc

Trung tâm bách hóa đầu tiên ra đời tại Nhật Bản vào năm 1904. Nó được phát triển từ một cửa hàng chuyên kinh doanh vải may quần áo có từ thời Edo.

Đầu thế kỷ 20 cũng là lúc Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng công nghiệp, chính quyền Minh Trị chủ trương hiện đại hóa đất nước sau thời gian dài bế quan toả cảng dưới thời Mạc phủ. Lúc bấy giờ, không chỉ công nghiệp mà thương nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ, các ngành nghề truyền thống thời Edo dần thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Kết quả là các cửa hàng vải, chủ yếu là vải dùng để may áo kimono, được cải tạo để trở thành trung tâm mua sắm mang phong cách Âu Mỹ. Theo đó, khách hàng đến các trung tâm bách hóa thỏa sức lựa chọn những món hàng mà họ ưng ý, trên đó có niêm yết giá sẵn mà không sợ bị mua nhầm hay mất thời gian kỳ kèo trả giá.

Dù thế nào đi nữa, người Nhật vẫn thích đi mua sắm ở các trung tâm bách hóa

Chính vì sự tiện lợi và thân thiện của kiểu kinh doanh mới nên nhanh chóng sau đó, nhiều cửa hàng vải ở các thành phố lớn của Nhật Bản lần lượt được thay thế bằng trung tâm bách hóa.

Vào những năm 1920, mạng lưới đường sắt được mở rộng trên khắp Nhật Bản đã thúc đẩy thương mại phát triển. Việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng và rộng khắp đã tạo điều kiện cho các trung tâm bách hóa lớn mạnh. Lúc bấy giờ, mua sắm tại trung tâm bách hóa trở thành một trong những sở thích của đại bộ phận dân chúng. Người dân đến đây không chỉ bởi lượng hàng hóa phong phú, yên tâm về giá cả mà còn bởi chất lượng của các mặt hàng.

Không dừng lại ở việc hấp dẫn khách hàng đơn lẻ, các trung tâm bách hóa đã nghĩ ra sáng kiến thu hút đối tượng khách hàng là gia đình và nhóm bạn bè. Thế là dịch vụ ăn uống được đưa vào hoạt động thông qua hình thức nhà ăn lớn, tiền thân của nhà hàng tại các trung tâm bách hóa hiện nay. Thực đơn có cả món Nhật và món phương Tây.

Không dừng lại ở đó, một số trung tâm bách hóa còn đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở khu vực sân thượng của tòa nhà.

Trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, nhiều trung tâm bách hóa ở Nhật Bản bị bom đạn phá hủy. Sau chiến tranh, nước Nhật bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, diện mạo của các thành phố lớn dần được khôi phục. Xây dựng lại trung tâm bách hóa là một trong những ưu tiên vào thời kỳ này. Chẳng bao lâu sau, hàng loạt trung tâm bách hóa trên khắp nước Nhật hoạt động trở lại, chúng tiếp tục vai trò là điểm mua sắm ưa thích của dân chúng.

Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, đến nay, trung tâm bách hóa vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân xứ sở này. Chất lượng hàng hóa mang đẳng cấp quốc tế cùng phong cách phục vụ ân cần của đội ngũ nhân viên chính là yếu tố mang lại sức sống mãnh liệt cho các trung tâm bách hóa.

Vào thời điểm cuối năm, các trung tâm bách hóa thường áp dụng chương trình giảm giá đặc biệt, nhiều mặt hàng giảm đến hơn 50%. Đây là dịp để khách hàng tha hồ tận hưởng mùa mua sắm khuyến mãi, và cũng là lúc các trung tâm bách hóa thu về nguồn lợi khổng lồ.

Xuất phát từ nhu cầu của xã hội, các trung tâm bách hóa liên tục cải tiến để phù hợp với một xã hội năng động và hiện đại. Những năm gần đây, hình thức kinh doanh này trải qua một giai đoạn khó khăn khi ngày càng có nhiều dịch vụ mua sắm để khách hàng lựa chọn. Thị phần của trung tâm bách hóa đang chia sẻ cho các siêu thị mới mọc lên bề thế ở khu vực ngoại ô, nơi có bãi đậu xe rộng lớn. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm thành phố, khách hàng trẻ tuổi bị cuốn hút bởi những cửa hàng của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, một số trung tâm bách hóa không tránh khỏi qui luật đào thải. So với con số 350 trung tâm bách hóa trên cả nước vào thời hưng thịnh thì hiện nay chỉ còn lại khoảng 250 trung tâm đang hoạt động.

Như thế không có nghĩa là người Nhật không còn mặn mà với trung tâm bách hóa. Thói quen mua sắm truyền thống này vẫn được nhiều Nhật ưa chuộng. Bên cạnh số đông trung tâm bách hóa nhắm đến đối tượng khách hàng là nữ giới thì cũng có mộtg số trung tâm bách hóa chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang nam.

Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến vai trò của đội ngũ nhân viên làm việc tại các trung tâm bách hóa. Sự nhã nhặn và cung cách phục vụ khách hàng nhiệt tình của họ được cả thế giới biết đến.

Trung tâm bách hóa thường mở cửa hoạt động vào lúc 9h30 phút sáng hàng ngày, trước đó 30 phút, tất cả các nhân viên phải có mặt để chuẩn bị mọi thứ. Nhiều người tự hỏi “Phải chăng tư thế gập người kèm theo những câu mời chào thể hiện sự kính trọng dành cho khách hàng của đội ngũ nhân viên phục vụ đã góp phần mang lại danh tiếng cho các trung tâm bách hóa?.” Điều này hoàn toàn đúng, bởi lẽ, thể hiện sự tôn trọng người khác cũng đồng nghĩa với việc mình sẽ được đối xử lại một cách tương tự. Và hơn thế, trong lĩnh vực dịch vụ, thái độ nhã nhặn với khách hàng là một trong những chìa khóa mang lại sự thành công.

Thanh Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *