Bên bờ hạnh phúc

Cách thủ đô Bắc Kinh 50 km về phía Tây Bắc là nơi yên nghỉ của 13 vị hoàng đế Trung Quốc đời Minh. Công trình được xây dựng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII với tên gọi Thập Tam Lăng. Thập Tam Lăng triều Minh là quần thể lăng mộ hoàng đế lớn nhất thế giới được bảo tồn nguyên vẹn.

Sơ đồ tổng thể Thập Tam Lăng với lăng mộ Chu Đệ nằm ở trung tâm

Trường Lăng là ngôi mộ đầu tiên và cũng là ngôi mộ có qui mô lớn nhất trong Thập Tam Lăng. Chủ nhân lăng mộ chính là hoàng đế thứ 3 của triều Minh tên Chu Đệ.

Tượng bằng đồng của Chu Đệ

Trải qua một cuộc chính biến hoàng cung, Chu Đệ đã đoạt lấy ngôi vị từ trong tay cháu ruột Chu Doãn Văn. Ông được xem là vị vua kiệt xuất của nhà Minh và là một trong những hoàng đế nổi bật trong lịch sử Trung Hoa. Trong lúc xây dựng Tử Cấm Thành với qui mô lớn, ông cũng bắt đầu xây dựng một cung điện khác cho riêng mình. Đó chính là lăng tẩm.

Lăng tẩm của hoàng đế cần phải chọn địa điểm tốt. Người Trung Quốc cổ đại tin tưởng vào phong thủy. Một thầy phong thủy tên Liêu Quân Khanh đã được hoàng đế Chu Đệ triệu vào hoàng cung, chọn mảnh đất tốt để xây dựng lăng tẩm. Liêu Quân Khanh đã thăm dò tất cả vùng đất xung quanh thành Bắc Kinh. Cuối cùng, ông chọn một ngọn núi phía Tây Bắc. Thế núi nơi đây giống như con phụng hoàng bay lượn, địa hình đạt đến sự tôn quý đỉnh điểm, có thể gánh vác cơ nghiệp thiên thu của vương triều Đại Minh.

Hoàng đế Chu Đệ hạ lệnh xây dựng lăng tẩm cho riêng mình dưới chân núi và đặt tên là Thiên Thọ Sơn. Người thời nay muốn viếng thăm hoàng đế Chu Đệ phải đi qua lối đi vào mộ rất dài, được gọi là ‘thần đạo’.

Thần đạo

Tượng kỳ lân trên thần Đạo

Khởi điểm thần đạo là cổng vọng bằng đá. Nó là cửa vào Trường Lăng và cũng là cửa vào của toàn bộ khu lăng mộ. Cổng đá được tạo thành từ sáu cây trụ đá to lớn, sừng sững giữa trời xanh, toát lên vẻ khí thế ngất trời.

Cổng vào Thập Tam Lăng

Điểm nổi bật nhất của cổng đá này là bốn mặt phía dưới các trụ đá có chạm trổ hoa văn hình thú sinh động. Từ cổng đá tiến về phía trước là một cánh cổng lớn, được quét sơn màu đỏ, nên được gọi là Đại Hồng Môn.

Đại Hồng Môn có 3 lối vào cửa, lối vào ở giữa dành riêng cho linh cửu hoàng đế đi qua. Lối vào ở phía Đông dành cho hoàng đế đang tại vị đi qua và những người khác phải đi qua lối vào cửa ở phía Tây.

Đại Hồng Môn với 3 lối vào

Tòa kiến trúc đầu tiên nằm trên đường vào mộ là toà bia đình. Bia đá trong bia đình ghi chép công trạng của hoàng đế Chu Đệ. Quái thú cõng bia đá là con bật hí – tên một loại rùa lớn trong truyền thuyết. Tương truyền, nó là con trai thứ chín của long vương, rất mạnh mẽ và hung tợn, từng nâng đỡ núi tiên ngoài biển cả.

Bia đá ghi công đức các vị vua được nâng đỡ bởi con bật hí

Phía sau bia đình là quần thể điêu khắc đá gồm 24 con thú bằng đá và 12 tượng người bằng đá hợp thành. Người Trung Quốc cổ đại gọi chúng là thạch tượng sinh. Các tượng người và quái thú bằng đá này xếp hàng hai bên đường vào mộ với nét mặt nghiêm trang, dường như đang cung kính chờ đợi linh hồn hoàng đế đi qua.

Trong số các động vật bằng đá có động vật trong đời sống hiện thực và có thần thú trong tưởng tượng. Chúng đều mang ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho hòa bình, điềm lành và uy quyền.

Minh Lâu, nơi đặt bia mộ của hoàng đế Chu Đệ và hoàng hậu

Khác với điêu khắc của chủ nghĩa tả thực phương Tây, thủ pháp điêu khắc những bức tượng này rất đơn giản, tự nhiên, chú trọng khí thế và giống như thật, đồng thời không yêu cầu tỉ mĩ về chi tiết. Tất cả tượng điêu khắc này được chạm trổ từ hòn đá thiên nhiên. Thể tích tượng đá lớn nhất là 30mét khối, trọng lượng 10 tấn.

Ở điểm cuối con đường vào mộ có một môn lầu cao lớn gọi là Thiên Môn. Từ nơi đây, linh hồn hoàng đế sẽ bay đến thiên cung.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *