Salzburg là địa hạt của các Tổng Giám mục trong nhiều thế kỷ. Vùng đất này khá nhỏ hẹp, vì vậy, Công tước của Công quốc Bayern đã tặng một phần đất cho Giám mục Rupert để phát triển Salzburg.

Trải qua 1000 năm, thành phố Salzburg vẫn tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những trung tâm phát triển thịnh vượng của Châu Âu

Ngay từ thời Trung Cổ, thành phố đã phát triển rất nhanh và có sức ảnh hưởng rộng rãi trong khu vực. Trải qua 1.000 năm, thành phố nhỏ bé này vẫn tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những trung tâm phát triển thịnh vượng của Châu Âu.

Bánh mì muối là đặc sản của thành phố Salzburg. Ngoài ra, muối còn mang một ý nghĩa rất lớn đối với người dân vùng đất này. Danh từ Salzburg được ghép từ chữ “salz” – có nghĩa là muối và “burg” – có nghĩa là thành trì.

Xung quanh thị trấn Hallein được bao bọc bởi những ngọn núi. Đó cũng chính là những mỏ muối có trữ lượng rất lớn

Thị trấn Hallien, cách nội ô thành phố Salzburg khoảng 200 km về hướng Đông, có lịch sử tồn tại từ thời Trung Cổ. Xung quanh thị trấn được bao bọc bởi những ngọn núi. Đó cũng chính là những mỏ muối có trữ lượng rất lớn. Các cư dân Salzburg đã khai thác muối ở Hellien từ rất lâu. Ngày nay, những mỏ muối ở Hellien nằm trong số những mỏ muối lâu đời nhất Thế giới mở cửa cho công chúng tham quan.

Muối đã được tìm thấy và khai thác tại vùng đất này cách đây 3.500 năm. Trong các cuộc khai quật, những nhà khảo cổ đã phát hiện hầm mộ của bộ tộc Xen-tơ gần khu vực mỏ muối. Từ rất lâu, vào khoảng giai đoạn trước Công Nguyên, tộc người này trong quá trình tìm kiếm nguồn tài nguyên, khoáng sản và thức ăn đã di cư từ khu vực Trung Á đến Châu Âu. Sau khi tìm được nguồn muối dồi dào, họ đã định cư tại Salzburg và bắt đầu phát triển ngành muối. Cho đến nay, các mỏ muối vẫn tiếp tục tạo nên sự thịnh vượng cho thành phố.

Lối vào mỏ muối

Ngày xưa, muối được xem là nguồn tài nguyên quý giá tương đương với vàng. Muối còn được ví như “vàng trắng”. Muối giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Ngoài công dụng dùng để bảo quản thịt cá, muối còn biểu tượng cho sự giàu có. Trong xã hội Châu Âu ngày xưa, chỉ những người có thế lực mới có thể đảm trách việc khai thác và buôn bán muối. Chính nguồn muối phong phú đã mang lại sự thịnh vượng lâu dài cho thành phố Salzburg.

Quang cảnh bên trong mỏ muối. Muối chiếm hơn 90% thành phần cấu tạo của các khối đá.

Vào thời kỳ đó, mỗi năm, Salzburg sản xuất khoảng 37.000 tấn muối. Công nhân hầm mỏ sử dụng mũi máy khoan để tách những tảng đá ra khỏi núi đá. Muối chiếm hơn 90% thành phần cấu tạo của các khối đá. Ngày nay, những hình vẽ và tư liệu về quá trình sản xuất muối được lưu trữ tại bảo tàng của thành phố.

Muối ở Salzburg rất đặc biệt. Nó được đúc thành một khối rắn chắc dài đến 1 met, được gọi là fut – một đơn vị tính trọng lượng của địa phương. Mỗi fut muối nặng 60 kg.

Bức tượng một công nhân mỏ muối vác trên vai một fut muối

Thành phố Salzburg có được khối tài sản khổng lồ chủ yếu nhờ vào nguồn tài nguyên muối. Một trong những công trình còn bảo quản rất tốt cho đến ngày nay của thành phố Salzburg là pháo đài Hohensalzburg. Bên trong lâu đài Hohensalzburg có một gian phòng nhỏ được dát vàng.

Vào đầu thế kỷ XVI, Giám mục cai quản Salzburg lúc bấy giờ đã ra lệnh xây dựng gian phòng này. Từ tường cho đến trần của gian phòng được trang trí bằng những họa tiết sinh động. Tất cả đều được làm từ nguồn nguyên liệu chính là vàng. Mục đích của việc tạo dựng công trình này là nhằm phô trương sự giàu có và thế lực của Salzburg.

Một khi đã trở nên hùng mạnh với khối lượng của cải dồi dào, chính quyền thành phố Salzburg nghĩ đến việc củng cố hệ thống phòng thủ nhằm ngăn chặn sự tấn công của kẻ thù bên ngoài.

Salzburg trở thành một khu đô thị sung túc nằm bên dòng sông Salzach. Kiến trúc của đô thị được quy hoạch rất ngăn nắp với những ngôi nhà kiên cố. Toàn bộ thành phố được bao bọc bằng hệ thống tường thành vững chắc. Hiện nay, tại một số khu vực trung tâm Salzburg vẫn còn tồn tại một phần tường thành ngày xưa.

Hệ thống tường thành bao bọc thành phố Salzburg được xây dựng cách nay khoảng 400 năm. Vào thế kỷ XVII, nhờ chính sách trung lập thận trọng và khéo léo của giới lãnh đạo nên Salzburg đứng ngoài cuộc chiến tranh 30 năm vốn đã lôi kéo hầu hết các cường quốc Châu Âu lúc bấy giờ tham chiến. Tuy không tham gia cuộc chiến nhưng cư dân Salzburg rất coi trọng việc phòng thủ.

Ngay trước mặt thành phố là con sông Salzach, đóng vai trò như một hào nước bảo vệ

Ngay trước mặt thành phố là con sông Salzach, đóng vai trò như một hào nước bảo vệ. Sau lưng Salzburg là những dãy núi hiểm trở. Những đặc điểm tự nhiên đó đã biến nơi đây thành một cứ điểm chiến lược trọng yếu.

Chiến tranh kéo dài 30 năm đã tàn phá Châu Âu một cách nặng nề, gây ra nạn đói, dịch bệnh, dân số giảm sút, đồng thời khiến nhiều cường quốc Châu Âu suy sụp. Song, Salzburg vẫn phát triển. sự hưng thịnh đó kéo dài đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thành phố này cũng bình yên. Vào năm 1800, danh tướng Napoleon của Pháp đã thân chinh cầm quân tiến đánh một số nước Châu Âu, trong đó có Salzburg. Hệ thống tường thành vững chắc cùng tính hiệu quả của pháo đài Hohensalzburg đã giúp bảo vệ thành phố trước sự công phá của quân lính Napolenon.

Vào năm 1816, Salzburg trở thành một đơn vị hành chính của Áo và bước vào công cuộc tái thiết.

Truyền thống âm nhạc của Salzburg đã được hình thành từ rất lâu đời. Ngay từ thế kỷ thứ IX, danh tiếng của thành phố âm nhạc Salzburg đã vang dội với sự góp mặt của nhiều dàn nhạc trong cung điện và các đội đồng ca nhà thờ. Chính cái nôi âm nhạc đó đã sản sinh ra một thiên tài Mozart.

Khuôn viên bên trong trường Đại học Mozarteum

Trường Đại học Âm nhạc Mozarteum, được xây dựng vào năm 1841, được xem là một trong những công trình tiêu biểu của Salzburg nhằm tôn vinh người con ưu tú của thành phố – thiên tài âm nhạc Mozart.

Ngày nay, nơi đây không chỉ dành cho các sinh viên yêu thích âm nhạc theo học, mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Mozarteum là nơi hội tụ của văn hóa âm nhạc, nơi người biểu diễn và khán thính giả cùng chia sẻ niềm đam mê.

Một khán phòng trình diễn âm nhạc bên trong trường Đại học Mozarteum

Salzburg trở thành Di sản Văn hóa Thế giới và chính Mozart đã góp phần lớn tạo nên thành tựu đó. Âm nhạc của Mozart đã và đang hiện diện trong mọi mặt của đời sống của thành phố Salzburg. Những thế hệ lớn tuổi cảm thấy hãnh diện về thiên tài này, còn các thế hệ trẻ lại xem ông là hình ảnh họ cần vươn tới.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *