Bên bờ hạnh phúc

Nhật Bản bắt đầu sản xuất đồng hồ đeo tay trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng vào thời điểm đó, ngành công nghiệp đồng hồ Nhật Bản rơi vào trạng thái ngủ đông, bởi lẽ sản phẩm chỉ cung cấp cho quân đội. Những chiếc đồng hồ đeo tay lúc bấy giờ là đồng hồ dây cót. Chúng là vật bất ly thân của binh sĩ dùng để nhận biết thời gian khi hành quân và tác chiến.

Sau chiến tranh, ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đeo tay Nhật Bản được chính phủ đầu tư mạnh mẽ và là một phần của chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Cùng thời điểm này, Thụy Sĩ được xem là vương quốc của đồng hồ.

Năm 1960, chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Grand Seiko của Nhật Bản ra đời

 

Vào những năm 1950, Thụy Sĩ sản xuất trung bình hàng năm khoảng 2,5 triệu chiếc đồng hồ, đứng đầu thế giới về sản lượng và chất lượng. Trong khi đó, số lượng đồng hồ sản xuất tại Nhật Bản rất khiêm tốn, chỉ 700.000 chiếc. Với mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp đồng hồ lớn và uy tín trên thế giới, chính phủ Nhật bản tích cực đầu tư cải thiện chất lượng của đồng hồ đeo tay và treo tường. Năm 1960, chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Grand Seiko của Nhật Bản ra đời, nó là sự chứng thực cho niềm tin rằng, đồng hồ Nhật Bản có thể xếp ngang hàng với đồng hồ Thụy Sĩ. Trước khi đồng hồ Grand Seiko của Nhật Bản ra đời, đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo và độ sai lệch mỗi ngày trong khoảng 10 giây.

Đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo và độ sai lệch mỗi ngày trong khoảng 10 giây

 

Để có được những thành tựu cùng danh tiếng trên thị trường thế giới, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ có trên 50 năm miệt mài nghiên cứu và cải tiến trong các nhà máy. Trong khi đó, với mục tiêu bắt kịp và thậm chí qua mặt Thụy Sĩ, các nhà sản xuất Nhật Bản chỉ mất khoảng 20 năm để ứng dụng kỹ thuật mới vào ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ của họ.

Kỹ thuật đó dựa trên sự cải tiến của bộ phận điều hòa gồm bánh cân bằng và bánh chuyển động đều. Bộ phận này quyết định vận tốc và tính chính xác chuyển động quay của trục kim. Khi chưa có sự đổi mới, trong vòng 1 giây, bộ cơ của đồng hồ Nhật Bản chuyển động từ 5 đến 6 lần, mỗi lần chuyển động trung bình 0.2 giây. Các nhà sản xuất đã tăng vận tốc của bộ cơ để trong vòng 1 giây nó chuyển động đến 10 lần. Như vậy, 1 giây trôi qua, bộ cơ di chuyển đến 10 lần, mỗi lần là 0.1 giây. Vận tốc này giúp rút ngắn độ sai lệch của đồng hồ trong ngày.

Độ sai lệch của chiếc đồng hồ sản xuất năm 1967 của Seiko không đến 10 giây mỗi ngày

 

Kết quả của sự cải tiến này là chiếc đồng hồ cơ tốc độ cao đầu tiên của Nhật Bản ra đời vào năm 1967. Đó cũng là một sản phẩm của Seiko, độ sai lệch của chiếc đồng hồ này không đến 10 giây mỗi ngày. Trong vòng 1 giờ, bộ cơ của nó chuyển động 36.000 lần, con số này cũng được hiển thị trên mặt đồng hồ như một điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, có một hạn chế là những chiếc đồng hồ này không thể hoạt động chính xác liên tục trong thời gian dài. Linh kiện của bộ cơ bị mài mòn quá nhanh dẫn đến độ sai lệch lớn. Nhà sản xuất lại cải tiến một lần nữa để bộ phận này trở nên cứng và bền vững hơn.

Hai năm sau, vào năm 1969, nghiên cứu mới được ứng dụng, một mẫu đồng hồ khác của Grand Seiko ra đời. Độ sai lệch hàng ngày của chiếc đồng hồ này là 2 giây, đồng thời, phải đến 2 năm, người sử dụng mới cần lên dây 1 lần. Đến thời điểm này, đồng hồ đeo tay của Nhật được chính thức công nhận có vị trí ngang hàng với đồng hồ danh tiếng Thụy Sĩ.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *