Bên bờ hạnh phúc

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và hầm binh mã dũng được xem là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Việc xây dựng kéo dài trong 40 năm và khi Tần Thủy Hoàng qua đời, công trình vẫn chưa hoàn tất.

Bên cạnh tượng binh sĩ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy bức tượng cởi trần, đóng khố và được gọi là tượng lực sĩ. Cơ bắp và ngực của tượng rất rắn chắc, phần bụng hơi to. Phần thắt lưng của tượng có dây buộc để giữ chiếc khố bên dưới tựa như các võ sĩ sumo Nhật Bản. Bức tượng đã mất phần đầu, nhưng theo ước tính của các nhà nghiên cứu, chiều cao của tượng lực sĩ có thể đạt đến 2 met.

"Nếu như binh mã dũng dùng để bảo vệ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng thì tượng lực sĩ có mục đích giúp mua vui cho nhà vua ở thế giới bên kia". Đó là nhận định của các nhà khoa học.

Bên cạnh tượng lực sĩ, người ta còn tìm thấy các bức tượng của mồng két – một loại chim nước trong khu mộ Tần Thủy Hoàng. Sự hiện diện của chúng có thể khiến cho khu vườn thượng uyển của nhà vua sinh động hơn.

Sử ký của Tư Mã Thiên có đề cập đến việc khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng thường xuyên sử dụng cỗ xe tứ mã để chu du nhiều nơi của Trung Quốc. Việc khai quật được những cỗ xe tứ mã bằng kim loại được thiết kế rất công phu đã chứng tỏ những dữ liệu ghi chép của Tư Mã Thiên là có thật.

Cỗ xe tứ mã được khai quật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được trưng bày cho khách tham quan chiêm ngưỡng

Với tư tưởng duy trì quyền lực và cuộc sống vương giả ở thế giới bên kia, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh chôn theo lăng mộ tất cả những gì ông từng sở hữu khi còn sống. Các di vật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được trau chuốt rất tinh tế, đường nét y như thật, chứng tỏ tài năng của các nghệ nhân Trung Quốc cổ đại đã đạt đến đỉnh cao.

Hoàng đế nhà Tần đã tự trang bị cho cuộc sống kiếp sau của ông một cách chu đáo và tốn kém. Ngoài những tượng đất nung, tượng đồng mô phỏng còn có rất nhiều châu báu, của cải được chôn cất bên trong lăng mộ. Ông đã tái hiện cuộc sống vương giả nơi suối vàng thông qua khu lăng mộ này.

Cùng với việc nghiên cứu binh mã dũng và nhiều di vật khác bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khoa học không thể bỏ qua phần quan trọng không kém. Đó là vị trí và những quy tắc về thiên văn, địa lý liên quan đến khu lăng mộ.

Dù đã trải qua rất nhiều năm kể từ lần đầu tiên được phát hiện, nhưng cho đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc chỉ khai quật được một phần rất nhỏ trong toàn bộ khu lăng mộ. Điều gì đã khiến công việc trở nên chậm chạp như thế?

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng hội đủ các điều kiện của một vương quốc nhỏ, trên có thiên văn, dưới có địa lý.

Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh dùng thủy ngân tạo nên 100 con sông, trong đó có nhiều sông lớn và biển cả. Sau đó, những người thợ xây dựng dùng thiết bị máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Đây cũng là cách ngăn cản những ai muốn xâm nhập vào lăng mộ.

Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thăm dò lăng mộ Tần Thủy Hoàng bằng những biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Họ nhận thấy rằng, trong hầm mộ có những phản ứng hóa học khác thường, chứng tỏ tại đây tồn tại hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều so với khu vực xung quanh. Thực tế này chứng minh rằng, những ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên về quy trình xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng là hoàn toàn có căn cứ.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *