Bên bờ hạnh phúc

Từ thời Heian, thế kỷ thứ 8, giới quý tộc mặc kimono có rất nhiều lớp áo, có thể từ 10 đến 20 lớp, gọi là Juni hitoe. Khi mặc Juni hitoe, người ta phải mặc trang phục lót bên trong gọi là Kosode, hình dáng của bộ trang phục lót này trở thành kiểu mẫu của kimono ngày nay.

Đến triều đại Muromachi, thế kỷ 14, giai cấp võ sĩ samurai thắng thế, họ từ bỏ Juni hitoe của giới quý tộc, thay vào đó là loại kimono kosode có ống tay áo ngắn. Kosode nhanh chóng phổ biến trong tầng lớp võ sĩ và được xem là trang phục khẳng định địa vị của các samurai. Đến thời chiến quốc Sengoku, phong cách thời trang kosode bắt đầu nở rộ. Lúc này, xuất hiện những loại kosode dành cho phái nữ, chúng được trang trí hoa văn sinh động, đẹp mắt.

Cùng với trà đạo, Kimono đã trở thành nét văn hóa đặc trưng nhất của xứ sở

Mặt trời mọc

Từ chỗ chỉ dành riêng cho tầng lớp võ sĩ, kosode vào thời Sengoku đã phổ biến rộng rãi trong dân chúng, trở thành trang phục đời thường của họ. Một số kiểu kosode trong giai đoạn này còn lưu hành cho đến ngày nay. Điển hình là kiểu kimono có tên gọi Kanbun kosode, một phần hoa văn trên áo được trang trí bằng vàng. Kanbun kosode phản ánh sự giàu có của giới thương nhân.

Khi kimono trở nên thịnh hành, người ta bắt đầu nghĩ ra nhiều cách để buộc dây thắt lưng cố định áo và làm cho nó đẹp hơn. Đến đây thì obi lên ngôi. Nhiều loại obi ra đời, chúng được thiết kế công phu và có giá thành đắt chẳng kém gì một chiếc áo kimono.

Năm 1683, một sự kiện đã xảy ra, tạo nên sự thay đổi lớn trong lịch sử phát triển của kimono. Chính quyền Mạc phủ ban hành lệnh cấm sử dụng nguyên liệu quý để may trang phục. Họ cho rằng, dùng vàng để trang trí trên quần áo là một sự lãng phí. Việc dùng chỉ vàng để thêu bị cấm triệt để, thay vào đó là những loại chỉ thông thường. Ngoài ra, vải may kimono thời này chủ yếu sử dụng kỹ thuật nhuộm thắt nút kanoko shibori, kỹ thuật này không tạo ra hoa văn đa dạng.

Kimono dành cho giới thượng lưu lúc bấy giờ được thêu hoa văn bằng chỉ vàng hoặc bạc. Lệnh cấm đã tạo sự chuyển hướng trong nghề sản xuất kimono. Người thợ dần từ bỏ kỹ thuật thêu bằng sợi chỉ kim loại, họ tìm kiếm những cách trang trí khác đảm bảo cả yếu tố thẩm mỹ lẫn sự sang trọng. Nổi tiếng trong số đó là kỹ thuật nhuộm yuzen ra đời ở Kyoto.

Không phải dùng đến kỹ thuật thêu hay nhuộm kanoko shibori, hoa văn trên vải nhuộm yuzen chỉ được vẽ bằng tay, nhưng màu sắc của chúng tươi sáng, sinh động lạ thường. Trong kỹ thuật này, người ta sử dụng hồ để làm chất cản màu, chúng được vẽ ở phần viền của từng chi tiết hoa văn.

Công dụng của hồ là giúp màu vẽ không bị lem ra các phần khác của bức tranh. Khi công đoạn vẽ hoa văn hoàn tất, màu vẽ đã khô, người ta tiếp tục phủ hồ lên toàn bộ hoa văn và bắt đầu nhuộm vải. Người thợ tẩy hồ ra khỏi tấm vải nhuộm bằng cách đặt tấm vải trong dòng nước đang chảy mạnh. Nước cuốn hồ đi và để lại trên mặt vải các họa tiết đẹp mắt. Màu sắc trên hoa văn của vải nhuộm yuzen tươi sáng và bền màu chẳng khác gì kỹ thuật thêu truyền thống bị cấm trước đó. Lệnh cấm của chính quyền Mạc phủ đã tạo ra một cuộc cách mạng về trang phục không chỉ ở Kyoto, kinh thành Edo mà trên cả nước.

Các loại kimono thời này được cải tiến nhiều, kiểu dáng đơn giản, tạo sự thoải mái hơn cho người mặc. Đặc biệt là kimono dành cho nữ giới, người ta thấy các bà các cô khoác trên người những chiếc áo kimono màu sắc đa dạng, thiết kế hoa văn phong phú. Lệnh cấm không gây bất lợi mà trái lại nó giúp thúc đẩy ngành dệt may kimono phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, kimono được xem là lễ phục nhưng không vì thế mà người Nhật lãng quên trách nhiệm gìn giữ và phát triển giá trị văn hoá lâu đời này của họ. Bên cạnh những loại kimono đắt tiền được làm từ kỹ thuật thủ công cao, các nhà sản xuất không quên dòng sản phẩm bình dân mang tính phổ thông.

Loại kimono làm từ vải Meisen ra đời vào thời Taisho, đầu thế kỷ 20. Hoa văn của loại kimono này không tuân thủ những chuẩn mực truyền thống mô tả thiên nhiên 4 mùa. Đó có thể là hoa văn hình học hay những sự vật không mang tính đặc thù Nhật Bản. Ngay từ khi ra đời, kimono bằng vải meisen đã được người dân đặc biệt ưa chuộng bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng và tính thẩm mỹ của nó.

Vùng Chichibu thuộc tỉnh Saitama được xem là cái nôi sản sinh vải meisen. Vải meisen được dệt từ loại kén tằm có chất lượng xấu, kén bị dơ. Yếu tố này là một phần quyết định giá thành của sản phẩm. Sau công đoạn dệt, vải phải trải qua quá trình nhuộm màu, trang trí hoa văn rồi mới đến công đoạn may thành kimono. Hiện nay, vải meisen có trên 200 kiểu hoa văn. Mỗi kiểu hoa văn mang một dáng vẻ khác nhau.

Mặt sau của mỗi tấm vải có ghi xuất xứ của sản phẩm. Điều này tạo thuận lợi để khách hàng truy nguồn gốc và cũng là cách để nhà sản xuất quảng bá thương hiệu của họ. Giá thành hiện nay của 1 chiếc áo kimono bằng vải meisen là từ 20.000 – 30.000 yên, tương đương từ 5 – 7,5 triệu đồng Việt Nam. Mức giá này khá mềm đối với người dân Nhật.

Vào đầu thời Taisho, vải meisen từng tạo ra cơn sốt trong giới nữ Nhật Bản. Các cô gái đua nhau mua loại vải vừa đẹp vừa rẻ này để may kimono. Cho đến nay, kimono meisen vẫn được ưa chuộng.

Vào tháng 3/2012, một chương trình biểu diễn thời trang kimono meisen đã được tổ chức ở Tokyo. Sau 100 năm ra đời, vải meisen một lần nữa được tôn vinh vì những đóng góp của nó cho lịch sử phát triển của trang phục truyền thống. Kimono tượng trưng cho sự sáng tạo, óc thẫm mỹ và kỹ năng của người thợ thủ công xứ sở hoa anh đào.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *