Bên bờ hạnh phúc

Những phụ kiện đi kèm khi mặc kimono cũng phong phú không kém. Trước tiên là dây vải dùng để buộc eo. Sau khi mặc kimono bên ngoài áo lót, người Nhật dùng những dây vải này thắt chặt phần eo để cố định trang phục. Vì kimono không có nút áo nên dây vải buộc eo giữ vai trò như một chiếc nút vững chắc.

Đối với những người có hình thể ốm, chiếc khăn tắm sẽ được dùng để lót thêm bên trong áo kimono, tác dụng của nó là giúp người mặc nhìn có vẻ đầy đặn hơn. Khăn lót chỉ dùng trong vài trường hợp cá biệt, không phổ biến.

Miếng lót dùng cho thắt lưng obi của kimono có ưu điểm là giúp phần obi phía trước bụng người mặc kimono được phẳng phiu, không nhăn nhúm.

Thông thường, một chiếc obi có chiều rộng 30cm, dài 4,2 mét. Đó là một tấm vải lụa dài được trang trí hoa văn cầu kỳ, lộng lẫy. Obi là niềm tự hào của các nghệ nhân trong ngành may mặc truyền thống Nhật Bản.

Nếu nhìn thoáng qua, nhiều người lầm tưởng obi là sản phẩm thêu thủ công nhưng thực chất, nó là tấm vải dệt. Khi dệt, người thợ phải sử dụng đến 4.100 sợi chỉ dọc trên khung dệt còn chỉ ngang là loại chỉ nhiều màu sắc và chúng giữ vai trò quyết định làm nổi bật các họa tiết trên tấm obi. Kỹ năng của người thợ dệt là khéo léo pha trộn các màu của sợi chỉ để cho ra hoa văn theo yêu cầu.

Tạo ra chiếc obi là sự kỳ công, và khi buộc nó trên kimono cũng công phu không kém. Người Nhật có nhiều cách buộc obi. Có hơn 100 cách buộc obi khác nhau.

Đặc trưng của kiểu buộc Bunko musubi là nhìn giống như bươm bướm đang rủ cánh. Bunko musubi là một trong những cách buộc obi phức tạp, người mặc kimono không thể tự làm được.

Bunko musubi có hình dạng một chú bướm đang rũ cánh

Trong khi đó, kiểu buộc Tateyanoji musubi lại mang hình dáng của một chiếc nơ lớn. Kiểu buộc này thường đi kèm với furisode, một loại kimono dành cho các thiếu nữ. Thông thường, cách buộc obi của các cô gái trẻ rất cầu kỳ.

Kiểu obi mang hình một chiếc nơ lớn

Kiểu buộc có tên gọi Fukura suzume lại thích hợp với thiếu nữ chưa có gia đình. Kiểu buộc obi của người Nhật phản ánh sự vật trong tự nhiên, ví dụ như hoa bướm hay chim chóc.

Taiko musubi là kiểu buộc obi được ưa chuộng nhất, nó đơn giản, phù hợp với phụ nữ đứng tuổi và cả các cô gái trẻ. Ngoài việc không kén tuổi tác, kiểu buộc obi này cũng không kén chọn kimono, nó có thể được kết hợp với bất kỳ loại kimono nào.

Trước khi phổ biến rộng rãi trong xã hội, taiko musubi là kiểu buộc obi do một số kỹ nữ Geisha nghĩ ra vào thế kỷ 19. Hình dáng ban đầu của nó giống như một lá bài ichimai karuta. Sau đó, nó được cải tiến, phần đuôi dài của obi được cuộn lên gọn gàng. Lúc này, taiko musubi có dáng dấp của một chiếc trống.

Taiko musubi

Hiện nay, giới Maiko, tức những cô gái học việc để trở thành geisha, sử dụng kiểu buộc obi đặc thù Darari musubi. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết kiểu buộc obi này qua 2 tấm lụa dài phía sau lưng các cô. Trong quá khứ, darari musubi là kiểu buộc obi thịnh hành của các cô con gái của giới thương nhân giàu có. Thắt lưng obi không đơn giản dùng để trang điểm cho chiếc áo kimono, mà qua đó, người ta ngầm hiểu chủ nhân của chúng thuộc thành phần nào trong xã hội.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *