Bên bờ hạnh phúc

Hoa Thanh Trì là một nơi tập trung vui chơi giải trí có quần thể kiến trúc rộng lớn. Theo nhiều tài liệu ghi chép, kiến trúc Hoa Thanh Cung là cung thất bao quanh Li Sơn, đình, đài, lầu các nối tiếp nhau rất hoành tráng.

Ba cây thạch lựu cổ do Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, Cao Lực Sĩ trồng (từ trái sang phải) ở Hoa Thanh Trì

Hiện nay chỉ nhìn thấy phần nhỏ kiến trúc phục nguyên trong lâm viên Hoa Thanh Cung nhưng từ những đấu củng, trụ cột và nóc nhà đơn giản, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được khí thế hào hoa của cung điện đời Đường. Tuy bố cục chỉnh thể của Hoa Thanh Cung kế thừa thông lệ lễ chế cung đình đời Đường, nhưng trong viên cũng xuất hiện một kiến trúc nằm ở vị trí đặc biệt. Đó chính là lễ vật tình yêu Đường Huyền Tông tặng cho Dương Ngọc Hoàn – Hồ Hải Đường.

Hồ Hải Đường – Hồ tắm riêng của Dương Quý Phi mang hình dáng của một đóa hoa hải đường đang nở rộ

Vì sủng ái Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông đã phá bỏ sự phân biệt đẳng cấp lễ chế cung đình hoàng gia, xây dựng Hồ Hải Đường bên cạnh cung điện hồ nước của riêng mình khiến cho hồ nước thái tử trở nên cô độc. Như thế cho thấy rằng, địa vị của Dương Quý Phi lúc bấy giờ trên cả thái tử mà sánh ngang bằng với Hoàng đế.

Đời Đường lấy vẻ tròn trịa làm đẹp. Theo ghi chép, do thân thể đầy đặn nên Dương Quý Phi thường đổ mồ hôi. Để phòng tránh việc này và tạo mùi thơm cho cơ thể, Dương Quý Phi thường tắm gội và thích ngâm mình trong hồ nước với đầy hoa tươi.

Hồ Hải Đường có diện tích hơn chục mét vuông, được lát bằng 16 miếng ngọc đen. Hình dáng của hồ nước nóng Hải Đường giống như đóa hoa hải đường nở rộ, tạo hình rất tinh xảo. Năm xưa, dưới đáy hồ có một vòi phun giống như nhụy hoa hải đường. Mọi người có thể tưởng tượng khi nước suối ấm áp phun ra từ nhụy hoa, hơi nóng bao trùm, hình thành một lớp sương mù ảo. Sau khi tắm gội xong, Dương Quý Phi mặc chiếc áo the mỏng và được thị nữ dìu đi thoắt ẩn thoắt hiện trong làng khói mỏng, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Nhà thơ đời Đường Bạch cư Dị đã viết bài thơ Trường Hận Ca, trong đó có câu ‘Da mịn màng suối tắm người hoa, nữ tỳ đỡ nhẹ thân ngà’, để vẽ nên một bức tranh Dương Quý Phi kiều diễm ra khỏi hồ nước.

Tượng bằng bạch ngọc của Dương Ngọc Hoàn, tư thế quyến rũ và mềm mại, e ấp

Tạo hình chỉnh thể bể tắm nước nóng Hải Đường đã thể hiện đầy đủ quan niệm mỹ học hài hòa đối xứng trong nghệ thuật kiến trúc đời Đường. Hai bên có bậc cầu thang lên xuống. Cách xây dựng này thể hiện dụng ý rõ ràng: Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi cùng lúc bước vào bể tắm. Sau khi Dương Quý Phi tắm, làn da trắng như tuyết, nụ cười mỹ mãn, dung mạo xinh đẹp giống nhưng đóa phù dung nổi trên mặt nước khiến Đường Huyền Tông yêu say đắm, từ đó lãng quên nhiều phi tần hậu cung.

Di chỉ Hoa Thanh Cung có một nơi khí thế nhất và có tính tiêu biểu nhất chính là hồ Liên Hoa dành riêng cho Đường Huyền Tông.

Người Trung Quốc cổ đại lấy phương Đông thể hiện sự tôn quý nhất. Căn cứ theo quy tắc đế vương cổ đại, cần phải chọn phương vị lưng quay về hướng Bắc, mặt quay về phía Nam. Hồ Liên Hoa nằm ở phía Đông của quần thể kiến trúc cung điện suối nước nóng. Bên trong, hồ tắm của Hoàng đế lưng quay về hướng Bắc, mặt quay về phía Nam.

Hồ Liên Hoa

Hồ nước nóng Liên Hoa có diện tích 140 mét vuông, với chiều dài 20 mét, chiều rộng 7 mét. Đường dẫn nước vào và đường thoát nước được che dấu rất tinh xảo, dưới đáy hồ lát bằng miếng ngọc đen bóng mịn, thành hồ xây bằng đá cẩm thạch trắng. Theo ghi chép, trong hồ nước có một bông hoa sen điêu khắc bằng ngọc, phần đáy dính vào đáy hồ, phần bông hoa nổi trên mặt nước, tượng trưng mối quan hệ khắng khít giữa nước, đất và hoa. Đây là sự kết hợp giữa quan niệm tôn giáo và tự nhiên.

Người xưa xem việc tắm gội là sự giao lưu giữa con người và tự nhiên, nên thiết kế xây dựng này đã thể hiện quan niệm thiên, nhân hợp nhất. Phía dưới hồ nước là hình bát giác, đại diện cho 8 phương hướng, tượng trưng thiên hạ rộng lớn của Hoàng đế.

Lúc vừa xây dựng xong, hồ nước này có tên là hồ Cửu Long, bất luận từ kiến trúc và phương hướng hồ nước nóng thì kiểu xây dựng này thể hiện sự uy nghiêm, quyền lực tối cao của Hoàng đế.

Đường Huyền Tông tín ngưỡng Đạo giáo. Trong Đạo giáo, hoa sen tượng trưng cho sự tái sinh, thay đổi xương thịt nên về sau đã đổi tên thành hồ Liên Hoa.

Đài Lượng Phát là nơi Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ngắm cảnh chiều tà.

Trong khi hồ tắm nước nóng là nơi tận hưởng thú vui của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi trong Hoa Thanh Cung thì Phi Hà Các là nơi thăng hoa chuyện tình yêu của hai người. Để tăng thêm sắc thái lãng mạn, Đường Huyền Tông hạ lệnh xây dựng ngôi đình bên cạnh hồ tắm nước nóng. Sau khi tắm xong ông cùng Dương Quý Phi đến đây ngắm cảnh chiều tà, người xưa gọi tên là đài Lượng Phát.

Đây cũng là nơi Dương Quý Phi hong tóc sau khi tắm xong nên còn có tên gọi là Lầu Hong Tóc

Vào mùa đông, khí hậu ở Trường An giá lạnh, suối nước nóng ở Hoa Thanh Cung là nơi tránh giá lạnh lý tưởng nhất. Vào tháng 10 hằng năm, trước khi mùa đông đến, Đường Huyền Tông cùng Dương Quý Phi đến đây sinh sống đến khi tiết xuân ám áp, hoa cỏ nở rộ mới trở về Trường An. Vì thế, Hoa Thanh Cung còn được gọi là Đông Cung.

Các cung điện ở Hoa Thanh Trì
Hoa Thanh Trì có nhiều vườn hoa rực rỡ sắc màu

Theo ghi chép, trong 44 năm trị vì, Đường Huyền Tông đã đến Hoa Thanh Cung 42 lần để trú đông, mỗi lần ở đây khoảng nửa năm. Trên thực tế, nơi đây đã trở thành kinh đô thứ 2 của nhà Đường. Câu chuyện ở Hoa Thanh Cung đã mở ra bức màn mở đầu của một triều đại cường thịnh cho đến lúc suy thoái trong lịch sử Trung Quốc.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *