Bên bờ hạnh phúc

Từ thời xưa, cư dân thành phố Tono đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những câu chuyện về các vị thần. Cách đây khoảng 100 năm, các câu chuyện này được thu thập và xuất bản thành sách có tên gọi “Các truyền thuyết của Tono”. Ngày nay, du khách vẫn cảm nhận được thế giới của các truyền thuyết dân gian tại vùng đất này.

Cách nay khoảng 100 năm, có một học giả người Nhật đến thung lũng Tono để tìm hiểu văn hóa dân gian tại đây. Đó là ông Kunio Yanagita (1875-1962). Ông đã thu thập các câu chuyện được truyền qua bao thế hệ ở vùng đất Tono và xuất bản thành sách “Các truyền thuyết của Tono”. Các câu chuyện truyền miệng đó nói lên niềm tin sâu sắc đối với các vị thần của cư dân địa phương sống tại miền Bắc nước Nhật.

Đền Unedori nằm tĩnh lặng bên thung lũng Tono được dựng lên nhằm thờ thần tình yêu – một trong các vị thần được đề cập trong quyển sách của học giả Yanagita. Khi đến đây, du khách buộc những tấm vải lụa nhỏ màu đỏ có ghi lời nguyện ước của mình về tình yêu lên sợi dây. Tấm vải lụa đỏ chỉ được buộc lên sợi dây bằng tay trái. Cách làm đầy khó khăn này được tin là sẽ giúp cho các đôi tình nhân có mối quan hệ bền chặt với nhau.

Đền Unedori nằm tĩnh lặng bên thung lũng Tono

Trong quyển sách nói về các truyền thuyết của Tono, ông Yanagita viết rằng, Tono là nơi có nhiều tấm bia kỷ niệm bằng đá hơn so với bất kỳ nơi nào khác ở Nhật Bản. Nhiều tấm bia bằng đá được dựng lên nằm dọc đường đi xuyên qua những cánh đồng lúa. Mỗi tấm bia đá có ý nghĩa riêng. Một số nói về niềm tin của cư dân địa phương đối với thần núi, thần nông. Một số bày tỏ sự tưởng nhớ của người thân đối với những người đã khuất.

Các tấm bia được dựng lên thể hiện một sự trang nghiêm. Trải qua bao năm tháng, chúng vẫn đứng vững. Nhiều tấm bia đá càng đẹp hơn khi người ta trồng hoa quanh đó. Điều này thể hiện sự quan tâm của người còn sống đối với tổ tiên cũng như các vị thần đã mang đến cuộc sống ấm no cho họ.

Tono là nơi có nhiều tấm bia kỷ niệm bằng đá

Làng Furusato có nhiều cánh đồng lúa trải rộng cùng với nhiều ngôi nhà có kiến trúc độc đáo. Tham quan Furusato, du khách như đắm mình vào một bầu không gian cổ kính để tìm hiểu các truyền thuyết của Tono.

Nhà truyền thống của Tono có hình chữ L. Gian chính của nó dùng làm nơi ở của con người và một phần dùng làm nơi nuôi ngựa. Ngày xưa, loài ngựa đóng vai trò quan trọng đối với cư dân địa phương. Chúng được sử dụng làm phương tiện vận tải cũng như hỗ trợ việc đồng áng.

Làng Furusato

Khi đến thăm làng, du khách sẽ được nghe kể rất nhiều câu chuyện dân gian, trong đó có truyền thuyết về Oshira-sama – vị thần canh giữ nhà theo tín ngưỡng của nhiều người Nhật.

Ngày xửa ngày xưa, một gia đình nghèo nọ có một cô con gái rất xinh đẹp. Gia đình đó còn có một con ngựa…Chuyện kể rằng cô con gái đó yêu quý con ngựa và muốn làm vợ của nó. Không lâu sau, người cha phát hiện ra điều này, ông đã rất giận dữ và giết chết con ngựa bằng cách treo nó lên một cành cây dâu tằm. Khi người con gái ôm chầm lấy đầu con ngựa, người cha dùng búa chặt đầu của con ngựa. Bỗng nhiên, chiếc đầu đó bay lên trời, mang theo cô gái rồi mất hút. Người cha đau buồn khóc thương cô con gái. Một hôm, cô xuất hiện trong giấc mơ của ông và cho biết cô đã được hóa kiếp. Người cha tỉnh giấc và phát hiện ra một vài con tằm đang nhả tơ làm kén có màu trắng như tuyết. Hai vợ chồng đã dùng tơ đó để làm chỉ và đan thành vải. Loại vải đó bán rất chạy do được làm từ tơ. Dần dần, cuộc sống của cặp vợ chồng này trở nên khấm khá hơn.

Ngày nay, câu chuyện về vị thần giữ nhà Oshira-sama vẫn được lưu truyền trong lòng và cuộc sống của các thế hệ cư dân Tono. Một số hộ gia đình làm bàn thờ có tượng thần Oshira-sama, vốn được xem như thần bảo hộ cho việc nuôi tằm làm tơ, nuôi ngựa và mang đến hạnh phúc.

Từ xưa, hầu như mọi gia đình ở vùng Tohoku, phía Bắc Nhật Bản đều thờ thần Oshira-sama. Vị thần này được thờ rộng rãi do người ta tin rằng thần mang đến sự an toàn và vụ mùa bội thu cho họ.

Anh Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *