Bên bờ hạnh phúc

8/08, 8:57 am Thành phố Teheran của Iran

Trước đây, Iran là một quốc gia hùng mạnh nhất khu vực Trung Đông, bị Tây phương hóa cho đến khi cuộc cách mạng của lãnh tụ Hồi giáo Khommeni thắng lợi năm 1979. Kể từ đó, người dân Iran sống trong sự bảo vệ của nhà cách mạng Hồi giáo này.



Thủ đô của Iran là Teheran. Bất kỳ nơi nào trên thành phố Teheran cũng có người cầu nguyện cùng quyển kinh Koran và một hòn đá. Iran là cái nôi của đạo Hồi. Người dân cầu nguyện 3 lần trong một ngày. Đàn ông và đàn bà được bố trí nơi cầu nguyện riêng: đàn ông ngồi bên phải, còn đàn bà ngồi bên trái của Thánh đường.

Đạo Hồi chi phối mọi mặt trong đời sống người dân Iran, từ nhịp sống hàng ngày cho đến từng giai đoạn trong cuộc đời. Người ta không cảm thấy gò bó khi phải sống chung với các quy luật khắt khe của đạo.

Đường phố mang đậm nét đạo Hồi độc đáo. Mọi người khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Các hộp quyên góp được đặt ở khắp nơi. Sau một ngày, các nhân viên sẽ thu gom tiền từ các hộp. Số tiền thu gom được dùng để giúp những người thật sự khó khăn. Hoạt động này bắt nguồn từ tinh thần tôn giáo, và đã ăn sâu vào trong cuộc sống của người dân.

Khi một thành viên trong gia đình đi hành hương hay thực hiện một chuyến đi xa, nhiều phụ nữ trong thành phố sẽ tập trung lại để nấu cháo yến, nhằm cầu cho người đi được nhiều may mắn. Món cháo yến được nấu từ các loại đậu và lúa mạch, có vị ngọt và rất dễ tiêu hóa, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Họ nấu rất nhiều vì sau đó, họ sẽ mang chia cho hàng xóm. Văn hóa ẩm thực của Iran cũng thể hiện phong tục tốt đẹp của đạo Hồi là “nhường cơm xẻ áo” cho nhau. Trẻ em sẽ là những người được đi phân phát cháo yến, vì người Iran cho rằng, tâm hồn thơ ngây, trong trắng của trẻ em sẽ xua đi mọi điều xấu.


Món Kebab phổ biến của người Iran

Khi đêm đến, thành phố Teheran rực sáng ánh đèn tỏa ra từ các thánh đường. Mọi người đổ ra đường vui chơi và cầu nguyện. Các gia đình thường đưa cả nhà ra ngoài dùng cơm tối để tận hưởng bầu không khí về đêm. Món ăn phổ biến nhất là món Kebab. Đây là món ăn được chế biến từ cà chua, thịt cừu non hay thịt gà, là món ăn đường phố rất nổi tiếng. Ở đây, luật pháp nghiêm cấm tất cả các loại rượu. Người nào sử dụng rượu hay nước có cồn đều bị coi là phạm pháp và sẽ bị bắt.


Khu chợ Bazar có sự kết hợp giữa Đông và Tây

Nói đến đất nước Iran, người ta không thể không nhắc đến thảm. Người dân nơi đây rất hãnh diện về nghề dệt thảm thủ công có lịch sử hơn 2000 năm. Khu chợ Bazar có sự kết hợp giữa Đông và Tây, là khu chợ lâu đời nhất và lớn nhất Teheran. Thảm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Có rất nhiều loại thảm với đủ kích cỡ, hoa văn và chất liệu cũng khác nhau. Thảm từng được xem là sản phẩm của các bà nội trợ, nhưng ngày nay, nó được xem là tác phẩm nghệ thuật, được lồng vào khung để treo ở những nơi sang trọng và thưởng thức như một bức tranh.


Trang phục hijabs của phụ nữ Iran

Trên đường phố, phụ nữ mặc những trang phục gọi là hijabs. Do thế giới có nhiều thay đổi nên phụ nữ ở đây cũng dần tiến bộ. Phụ nữ thích trùm lên đầu những chiếc khăn có màu sắc rực rỡ vì muốn mình xinh đẹp hơn, mặc dù pháp luật có quy định về trang phục rất cụ thể.

Đối với người dân Iran, âm nhạc không thể tách rời khỏi tôn giáo. Đáp là một loại nhạc cụ truyền thống của người dân Iran, giờ được trình diễn theo phong cách mới. Nhạc cụ này được dùng trong các buổi lễ tôn giáo hay thưởng thức tại gia đình. Đáp phát ra những âm thanh huyền bí và trầm lắng, là loại nhạc cụ được mọi người yêu thích vì khi thưởng thức loại nhạc cụ này, họ có cảm giác như đang đến gần Thượng đế.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *