Bên bờ hạnh phúc

Hoàng đế Napoleon từng gọi lâu đài Fontainebleau là “nơi ở thật sự của các vị vua”. Cách Paris khoảng 60km, đây là điểm tham quan độc đáo mà bạn không thể bỏ qua khi đến Pháp.

Sân trước và cung điện Fontainebleau nhìn từ cổng chính

Trong chuyến du lịch bụi kéo dài gần một tháng ở châu Âu, Fontainebleau – một địa danh ở nước Pháp xa xôi được nhắc đến trong lịch sử Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi tìm đến lâu đài xa hoa này của các triều đại vua chúa Pháp.

Những hàng cây thơ mộng trong khu vườn dù sau cơn bão tháng 12 năm 1999, có gần 800 cây bị bật gốc

Biểu tượng của cung điện vẫn là cầu thang nổi tiếng hình móng ngựa của kiến trúc sư Jean Androuet du Cerceau

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1981, lâu đài Fontainebleau của nước Pháp nằm cách hơn sáu mươi cây số về phía đông nam Paris, đã chứng kiến tám thế kỷ cai trị của các triều đại: Capétiens, Valois, Bourbons, Bonaparte và Orléans.

Để đến chơi Fontainebleau trọn một ngày, sáng sớm từ trung tâm Paris bạn phải đi theo metro số 14 để đến trạm Lyon, sau đó mua vé xe lửa từ đây đến ga Fontainebleau. Các chuyến xe lửa chạy liên tục trong ngày. Khi xuống ga Fontainebleau, bạn ra trước cổng để đón xe buýt số 1 không mất tiền vì vé xe lửa đã bao gồm cả xe buýt đi về trong ngày. Xe buýt này có trạm dừng ngay cổng lâu đài Fontainebleau.

Nhà thủy tạ được xây dựng dưới thời Louis XIV

Lâu đài Fontainebleau gồm hai phần kiến trúc: kiến trúc cung điện và kiến trúc công viên. Cung điện Fontainebleau được kết hợp giữa trường phái Phục hưng và truyền thống nghệ thuật Pháp. Đây là nơi khai sinh của trường phái Fontainebleau – một trường phái đã thể hiện và thống trị nghệ thuật Pháp cho đến giữa thế kỷ 18.

Bao quanh cung điện là công viên rộng lớn đến 115 mẫu và những hồ nước rộng mênh mang với những chú thiên nga thong thả lượn lờ.

Vào thế kỷ thứ XII, Fontainebleau ban đầu chỉ là một khu vực rộng lớn, nằm giữa một khu rừng rộng tới 17.000 héc ta dùng để săn bắn nghỉ ngơi của hoàng gia. Sang đến thế kỷ XVI dưới thời François I, ông muốn biến Fontainebleau thành một “New Rome” nên cung điện được mở rộng, tôn tạo thêm theo thời gian. Có thể nói đây là một kiệt tác kiến trúc kết hợp phong cách của hai quốc gia Pháp và Ý lúc bấy giờ.

Một góc lâu đài Fontainebleau

Trong thời gian Cách mạng Pháp diễn ra, toàn bộ đồ đạc của cung điện Fontainebleau bị mang đi, lâu đài trở thành trại lính và sau đó là nhà tù. Năm 1804 hoàng đế Napoléon đã khôi phục lại vị thế của Fontainebleau khi trang bị lại đồ đạc, thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc hoặc diễn kịch và cũng tiến hành các công việc cai trị nước Pháp từ lâu đài. Chính tại lâu đài này Napoléon đã ký tuyên bố thoái vị năm 1814.

Năm 1946 tại lâu đài này đã diễn ra Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình cho Đông Dương giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vườn ngự uyển

Đến đây vào mùa thu sẽ có những cơn mưa lất phất để rồi lại xen vào những ánh nắng vàng nhạt như tô điểm thêm cho lâu đài một nét cổ kính huyền thoại và thêm chút lãng mạn mùa lá rụng cho những khu vườn bát ngát bao quanh.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *