Bên bờ hạnh phúc

Những món mứt truyền thống đôi khi tưởng chừng như đã bị lãng quên nhưng hóa ra chưa bao giờ vắng mặt trong ngày Tết của người Việt.

Với tôi, chuẩn bị mứt Tết luôn là công đoạn hào hứng nhất trong quy trình mua sắm Tết rườm rà bởi nó gắn với nhiều kỉ niệm khi còn thơ bé, lúc tôi cùng mẹ và chị gái vẫn còn tự tay chuẩn làm nhiều món mứt cho gia đình. Ngày nay các loại mứt mới ngày càng nhiều, hình thức và hương vị cũng đa dạng hơn, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi vẫn không khỏi nhớ nhưng đến những loại mứt truyền thống như mứt dừa, mứt khế… đã theo mình từ thưở còn là một cô bé con.

Khay mứt Tết được đánh giá là đạt chuẩn khi có màu sắc bắt mắt, vị có đủ cả chua, cả ngọt.

Kể đến chuyện mứt Tết, chẳng ai bỏ quên được mứt dừa thơm bùi, dễ chế biến. Có lẽ bởi thế mà vài năm gần đây, thay vì mua sẵn nhiều người đã tự tay “xào nấu” món này cho gia đình hoặc đem biếu bạn bè. Ai thích miếng mứt rắn, bùi thì chọn dừa già, ai thích dẻo dẻo thơm thơm thì chọn dừa non. Mứt dừa chiều lòng những cô nàng hảo ngọt và lưu giữ được lâu ngày nên mỗi lần làm đều rất bõ công.

Thanh đạm nhưng cao sang là những gì người ta nhắc đến khi gọi tên món mứt sen trần truyền thống. Khác với các loại mứt khác, để chế biến món mứt hạt sen thường rất kỳ công. Mứt sen có vị ngọt lịm, nên một ly trà ấm nóng đi cùng sẽ khiến cho vị mứt thêm phần hài hòa. 

Bàn khách ngày Tết vẫn thường lấp ló những sắc màu quen thuộc. Bên cạnh màu trắng của những sợi mứt dừa là màu vàng nhạt hay màu vàng cam sậm của những lát mứt gừng và mứt cà rốt. Hai loại mứt này có cách làm khá giống nhau, nhưng một loại cay nhẹ và ấm, một ngọt ngào và có vị bùi.

Mứt gừng dẻo thơm

Vui mắt sắc màu mứt cà rốt

Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, cùng chị gái lượm những quả khế chua, cắt bỏ diềm, loay hoay làm mứt khế. Những quả khế chua ngắt là thế, chỉ cần khéo léo một chút là có ngay món mứt ngọt thanh, chua nhẹ là món ăn nhâm nhi thích thú của tôi mỗi dịp Tết về. Có những lần hì hụi mãi mới xong mẻ mứt, ấy thế mà ở công đoạn nào đó lỡ tay ép khế khô hay bỏ quá chút đường, quên vài miếng gừng là coi như thất bại nguyên mẻ.

Một người bạn quen thuộc trong “họ nhà mứt truyền thống” nữa chính là mứt quất. Mứt quất thường được chế biến nguyên quả, và luôn “bóng bẩy”. Dẻo, thơm, có vị chua nhẹ và hơi the the khiến mứt quất trở nên hấp dẫn hơn. Giống như mứt khế, mứt quất luôn nhận được sự ưu ái của các bà, các mẹ 

Món dứa chua chua cũng được ưu tiên trở thành một “anh hùng” trong danh sách những loài mứt. Mứt dứa dẻo ngọt, xen lẫn vị chua, dùng thêm cùng tách trà nóng hấp dẫn vô cùng. 

Mâm bánh ngày Tết dường như đa dạng và mới lạ hơn nhiều với sự xuất hiện của những lát mứt vỏ bưởi, cùi bưởi. Bùi bùi, thơm thơm, hương vị độc đáo khiến cho món này nhanh chóng được lòng những bà nội trợ và góp mặt trong ngày Tết âm lịch. 

Mỗi năm mỗi dịp Tết, mọi người trong nhà ai nấy đều trở nên tất bật, bận rộn, ai cũng mong một cái Tết an lành, vui vầy bên gia đình. Mỗi lúc ấy, miếng mứt chén trà lại góp phần làm câu chuyện ngày Tết thêm rôm rả, tình gia đình thêm đầm ấm, lòng người như gần nhau hơn.   

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *