Bên bờ hạnh phúc

Chỉ cần một tách Earl Grey đã là đủ để thực khách bị quyến rũ đến độ “quên lối về”…

Còn gì tuyệt hơn buổi chiều ngồi bên tách trà Bá tước, nhấp nháp từng ngụm trà ấm thơm nồng mùi hương Bergamot và mỉm cười thầm nghĩ: Ta đang thưởng thức những gì tinh túy nhất của xứ mù sương…

Một set menu cơ bản với trà đen, bánh ngọt, sữa và đường.

Quốc hồn quốc túy

Nhiều người quả quyết, muốn tận hưởng phong vị nước Anh, phải thử những loại trà mà người dân Ăng lê đặc biệt yêu thích như trà lá Assam, Darjeeling và tất nhiên không thể thiếu Earl Grey- Trà Bá tước Anh Quốc.

Từ lâu nhiều người dân xứ sở sương mù đã coi Earl Grey như một trong những biểu tượng quốc hồn quốc túy của đất nước mình. Các chuyên gia về trà cũng đều nhất trí, dòng trà tẩm ướp tinh chất Bergamot như Earl Grey hay English No.1 không chỉ là tinh hoa nước Anh mà còn là loại trà ngon nhất thế giới.

Tên gọi đặc biệt của thứ quốc hồn quốc túy này được đặt theo tên Bá tước Charles Grey đệ nhị, vị Thủ tướng Anh trong giai đoạn 1830-1834. Theo truyền thuyết, Earl Grey được khám phá bởi Charles Grey khi ông làm đại sứ tại Trung Quốc. Ông đã bổ sung tinh chất quả Bergamot vào trà, tạo nên mùi thơm sang trọng, trầm lắng đúng như tên gọi “Bá tước” của nó.

Nhưng sự thật là Charles Grey chưa bao giờ đặt chân tới Trung Quốc và người Trung Quốc cũng hoàn toàn không biết tới thứ quả lai giữa cam và chanh vốn phát triển chủ yếu tại Italia này. Theo một giả thiết khác thì đây chỉ là một thủ thuật marketing trong đó các chuyên gia đã kết hợp trà đen với tinh dầu Bergamot nổi tiếng hiệu quả trong cân bằng tinh thần và sức khỏe để tạo ra loại trà mới đặt tên là Earl Grey vì ở Anh, Earl Grey là người nổi tiếng và có công với đất nước.

Nhưng có lẽ việc được sáng tạo bởi ai cũng chẳng còn quan trọng khi chỉ cần một tách Earl Grey đã là đủ để thực khách bị quyến rũ đến độ “quên lối về”…

Nào hãy uống một tách trà đã

Ở Pháp, Napoleon Bonaparte tuyên bố: “Khi thắng trận, ta uống champagne ăn mừng. Khi thua trận, ta uống champagne để an ủi”. Còn ở Anh, khi có chuyện gì không hay xảy ra sẽ không lạ nếu bạn được nhắc nhở “Nào hãy uống một tách trà đã, anh sẽ thấy tốt hơn sau đó”.

Người dân Anh yêu thích trà đến mức họ còn nói đùa với nhau rằng nước Anh có thể thiếu Nữ hoàng chứ không thể thiếu Trà được. Trong 500 triệu tách trà được tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thế giới riêng dân Anh đã chiếm ¼ số này.

Tuy là tinh hoa văn hóa ẩm thực nhưng trà xuất hiện ở xứ sở sương mù khá muộn. Trong khi người Trung Quốc đã bắt đầu dùng trà từ trước Công nguyên thì người Anh lại chỉ biết đến thứ đồ uống thiên nhiên nào vào thế kỷ XVII. Mãi đến thế kỷ XIX các loại trà mới trở nên phổ biến tại Anh Quốc. Và cũng thời gian này tục trà chiều – nét độc đáo nhưng không kém phần thi vị của ẩm thực Anh đã ra đời.

Người có công trong việc tạo ra phong trào uống trà chiều là nữ Công tước đời thứ bảy của Bedford, Anna Maria Russel, người phải chịu đựng “lời nguyền đói khát” vì khoảng thời gian quá dài giữa bữa trưa và bữa tối. Bà lấp đầy nó bằng một khay trà, bánh mỳ, bơ và bánh ngọt. Thậm chí công tước còn mời bạn bè của mình tới nhà riêng để thưởng trà và bách bộ quanh những cánh đồng bát ngát. Từ đó, tục uống trà chiều dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng vô cùng đẹp trong phong cách Anh quốc.

Cho tới tận bây giờ nhiều du khách nước ngoài khi nghĩ về xứ Ăng lê vẫn nhớ đến câu: “at haft past three, everything stops for tea” (tạm dịch: Lúc ba rưỡi chiều, mọi thứ dừng lại hết để thưởng trà).

Mặt trời giờ thi thoảng vẫn lặn trên đế quốc xưa, nhiều điều cũng đã đổi thay nhưng cốt cách thanh lịch và lối sống vương giả trong từng bữa tiệc trà của người Anh dường như vẫn còn nguyên vẹn. Để rồi gác lại những mệt mỏi của đời sống ngoài kia, mùa xuân này ta lại gật gù bảo nhau: Nào hãy làm một tách trà (Earl Grey) đã…

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *