Bên bờ hạnh phúc

Nghệ thuật làm vườn Thiền phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản vào thế kỷ 14. Trong những khu vườn này, đá và sỏi là vật liệu chủ yếu, vì vậy, người ta còn gọi vườn thiền là vườn cảnh khô.

Rêu cũng là một thành phần không thể thiếu trong vườn Thiền. Những mảng rêu xanh mang lại cảm giác tươi mát cho không gian khô khan với đa phần là sỏi và đá của vườn Thiền. Rêu mọc trên đá còn toát lên sức sống tràn trề cho cảnh vật, giúp tăng hiệu quả thưởng ngoạn.

Tại Thiền viện Zuihoin ở Kyoto có khu vườn Thiền bằng đá nổi tiếng Dokuzatei. Cũng giống những vườn Thiền đá khác, vườn Dokuzatei có thảm sỏi tạo thành những đường uốn lượn minh họa cho mặt biển đang gợn sóng. Giữa khu vườn là các khối đá tượng trưng cho núi. Điểm nổi bật của khu vườn này là khối đá cao sừng sững ở trung tâm, tái hiện ngọn núi Horai hùng vĩ.

Khu vườn Thiền bằng đá nổi tiếng Dokuzatei

Một khu vườn Thiền đá khác ở Kyoto cũng thu hút khá đông du khách tham quan – vườn Hojo-teien ở chùa Tofukuji. Lấy ý tưởng về dòng chảy của nước, những đường sỏi uốn lượn của khu vườn được ví như tác phẩm nghệ thuật. Sỏi tượng trưng cho biển, nổi lên giữa biển nước mênh mông là màu xanh của những gò đất đầy rêu tượng trưng cho núi.

Chỉ có rêu, sỏi và đá, nhưng nghệ thuật vườn Thiền Nhật Bản không tạo cảm giác đơn điệu mà trái lại nó gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về thế giới nhân sinh.

Bên cạnh nghệ thuật thiết kế vườn, Nhật Bản còn nổi tiếng với nghệ thuật thu nhỏ cây vào trong chậu hay còn được biết đến với tên gọi Bonsai. Hiện nay, Bonsai không chỉ là thú vui của riêng người dân Nhật Bản mà nó đã lan sang châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong nghệ thuật Bonsai, hình dáng và tuổi thọ của cây nói lên giá trị của chậu Bonsai. Tuy nhiên, giá trị cũng như vẻ hấp dẫn của Bonsai sẽ được nâng lên rất nhiều nếu có sự góp mặt của rêu. Rêu không có bộ rễ thật sự như các thực vật bậc cao khác nên rễ của nó không lấy chất dinh dưỡng hoặc làm xáo trộn sinh lý của cây bonsai. Ngược lại, nếu trồng rêu trong chậu Bonsai nó sẽ giúp giữ ẩm cho đất, chống xói mòn. Rêu còn có tác dụng mạnh mẽ về mặt nhãn quan, nó khiến chúng ta nghĩ về một gốc bonsai lâu năm. Rêu tạo cho bonsai vẻ tự nhiên, sống động và ấn tượng.

Rêu tạo cảm giác tự nhiên, sống động cho chậu bonsai

Trong thiên nhiên, rêu là nhà ở của nhiều sinh vật nhỏ bé. Gấu nước là sinh vật phổ biến nhất trong vườn rêu, chiều dài cơ thể của chúng không quá 1 mm. Hình thù kỳ lạ với thân mình có nhiều ngấn, mũm mỉm như gấu nên người ta gọi chúng là gấu nước.

Gấu nước là loài sinh vật nổi tiếng với khả năng chịu đựng dẻo dai. Chúng vẫn không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, thậm chí bị sấy khô. Khi bị mất nước, chúng chuyển sang trạng thái ngủ, khi đó cơ thể teo lại và hoạt động trao đổi chất tạm dừng. Mùa mưa đến, những giọt nước mát lành tưới lên đám rêu. Khi lá rêu hấp thụ hơi ẩm cũng là lúc gấu nước hồi sinh trở lại sau một thời gian dài toàn thân khô cứng.

Một cư dân khác sống dựa vào rêu mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là loài nhện. Các thảm rêu là nơi có nhiều loài côn trùng trú ẩn nên đây cũng chính là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho lũ nhện. Nhện giăng tơ trên các tán lá rêu để săn mồi, những sinh vật bé tí dễ dàng mắc vào cái bẫy tơ này, chúng dính chặt vào đó và chờ đến lúc bị xơi tái.

Là loài thực vật bé nhỏ nhưng rêu lại có vai trò không hề khiêm tốn trong cuộc sống của người Nhật. Chúng giúp khu vườn thêm xanh, tạo thêm vẻ cổ kính cho chậu cây cảnh, là nơi nương mình của một số loài sinh vật. Và hiện nay, trên thế giới đã có những cuộc nghiên cứu dùng rêu để làm nhiên liệu sinh học thay thế dầu hỏa. Và một ngày nào đó, rêu sẽ làm nên một cuộc cách mạng trên lĩnh vực năng lượng.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *