Bên bờ hạnh phúc

Putrajaya – thành phố hành chính mới của Malaysia, cách Kuala Lumpur chỉ 25 km về phía Nam là mô hình kiểu mẫu của một thành phố hiện đại, duyên dáng với các công trình kiến trúc được phủ một màu xanh tươi mát, thanh bình.

Nếu thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia làm bạn mệt mỏi bởi sự chật chội và náo nhiệt, thì Putrajaya sẽ mang vào thế giới cảm xúc của bạn sự thư thái tuyệt vời. Cách Kuala Lumpur khoảng 30 phút đi xe buýt, Putrajaya mở ra một không gian hoàn toàn khác với thủ đô náo nhiệt.

Được xây dựng theo mô hình thành phố vườn kiểu mẫu, chỉ 25% diện tích Putrajaya dành cho nhà cửa và các công trình xây dựng. 75% diện tích còn lại dành cho hồ nước, công viên, vườn thiên nhiên… Còn gì tuyệt vời hơn khi dạo chơi trong một thành phố hiện đại mà xung quanh là màu xanh tươi mát trải dài.

Tòa nhà Perdana Putra, trụ sở cơ quan hành pháp và văn phòng của Thủ tướng

Chính phủ Malaysia

Ở giữa lòng thành phố, hồ Putrajaya – một hồ nước nhân tạo rộng đến 650 ha, vừa tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, vừa như “lá phổi” điều hòa không khí cho thành phố.

Bắc qua hồ Putrajaya là cây cầu duyên dáng Putra, nối liền khu hành chính quốc gia với khu dân cư. Cầu Putra dài 435m, có kiến trúc lộng lẫy đến kinh ngạc. Cầu vững chãi, bề thế mà vẫn vô cùng duyên dáng yêu kiều với những đường cong uốn lượn hai bên thành. Hàng đèn chiếu sáng hai bên cầu và dọc theo các đại lộ chính cũng thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời trong thiết kế với kiểu dáng thanh lịch và sang trọng, trẻ trung.

Cầu Putra có kiến trúc lộng lẫy đến kinh ngạc

Trong thành phố, du khách dễ dàng thấy hình ảnh những vườn hoa râm bụt, loài quốc hoa của Malaysia, điểm tô một màu hồng đỏ đặc trưng. Hoa dâm bụt xứ này nở suốt bốn mùa, làm sáng bừng cảnh quan thành phố.

Kiến trúc đầu tiên của Putrajaya thu hút sự chú ý của bạn chắc hẳn sẽ là tòa nhà Perdana Putra. Tòa nhà có kiến trúc phức hợp, hiện đại mà vẫn đậm nét truyền thống. Những bức tường điểm tô những ô cửa xinh xắn, mái hình củ hành – kiểu kiến trúc tiêu biểu của Malaysia. Nằm trên một ngọn đồi giữa lòng thành phố, đây là cơ quan hành pháp và văn phòng làm việc của Thủ tướng Malaysia. Vị trí tòa nhà quả thật rất lý tưởng, bởi từ đây có thể phòng tầm mắt bao quát toàn thành phố, ngay bên cạnh lại là hồ Putrajaya xanh mát.

Nhà thờ Hồi giáo Masjid Putra

Cũng trong khu quy hoạch này và soi bóng xuống hồ Putrajaya là nhà thờ Hồi giáo Masjid Putra. Đây là nhà thờ chính của thành phố, được hoàn thành vào năm 1999. Nhà thờ có mái củ hành truyền thống màu hồng, nổi bật trên nền trời. Nếu đi thuyền tham quan hồ Putrajaya, du khách có thể chiêm ngưỡng nhà thờ Masjid từ xa, với hình ảnh ngọn tháp soi bóng xuống hồ nước lung linh, tạo nên cảnh sắc vô cùng kỳ ảo.

Hồ Putrajaya như lá phổi xanh giữa lòng thành phố

Các công trình kiến trúc khác cũng được chọn vị trí phù hợp để xây dựng, sao cho không che mất màu xanh của các khu vườn mà vẫn toát ra vẻ đẹp tráng lệ của những tòa nhà hiện đại. Tòa nhà Bộ Tài chính, trung tâm thương mại… đều là những công trình tiện nghi, sang trọng mà vẫn rất hài hòa với môi trường thiên nhiên bao phủ xung quanh.

Dù là một thành phố mới và hiện đại, Putrajaya vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Phụ nữ thành phố vẫn chú trọng các nghề truyền thống thủ công, đặc biệt là nghề trang trí vải bằng tay. Chỉ với những vật dụng truyền thống, phụ nữ Malaysia có thể khéo léo trang trí cho những họa tiết sinh động, bắt mắt trên mặt vải.

Phụ nữ Malaysia với nghề trang trí vải cổ truyền

Nếu dạo trên phố, bạn có thể thấy thấp thoáng nụ cười của phụ nữ Malaysia sau nếp khăn duyên dáng che kín tóc và một phần gương mặt. Người Malay sống kín đáo, nhẹ nhàng và hiền hòa, khá thân thiện với du khách nên bạn sẽ cảm thấy thoải mái, bình yên khi đến đây.

Bạn cũng sẽ dễ dàng thưởng thức ẩm thực Malaysia trong các trung tâm mua sắm sầm uất, với những món ăn đặc trưng, có hương vị và sự đậm đà riêng.

Putrajaya là một thành phố công nghệ phát triển, hiện đại và tiện nghi, lại được bao bọc bởi một màu xanh thiên nhiên lý tưởng. Đây không chỉ là một điểm đến thú vị, mà còn là một bài học quý báu về kiến thiết thành phố kết hợp với gìn giữ môi trường. 

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *