Bên bờ hạnh phúc

Sông Niger là một trong những con sông quan trọng ở phía Tây Châu Phi với chiều dài 4470 km. Khu vực sinh sống của bộ tộc Dogon nằm cách lưu vực sông Niger không xa lắm. Giống như các tộc người khác, họ từng sở hữu một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc với vô số câu chuyện thần thoại thú vị. Từ xưa, những câu chuyện thần thoại của bộ tộc Dogon không hề chịu sự ảnh hưởng từ các nền văn minh khác, nhờ vậy chúng luôn giữ được nét riêng và màu sắc bí ẩn.

Trong thần thoại của bộ tộc Dogon có nhắc đến một thần rắn tên là Libi và họ tin rằng tổ tiên nguyên thủy từng là một con rắn thần tinh khiết về linh hồn và thể xác. Mỗi ngôi làng Dogon đều phụng thờ thần rắn Libi. Cứ mỗi 3 năm, người ta tiến hành cắt da qui đầu cho bé trai ở độ tuổi 15 – 16. Nghi thức này được tổ chức khá long trọng tại nơi đây. 
 
Vách đá sa thạch là nơi lưu giữ nhiều bức tranh trừu tượng của tổ tiên bộ tộc Dogon, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh những chiếc mặt nạ.

Với chiều dài 150km, cao hơn 500m, vách đá Bandiagara là một trong những vách đá hùng vĩ nhất ở châu Phi. Nó trải dài đến tận khu vực sinh sống của bộ tộc Dogon. Tuy vách đá Bandiagara thuộc quốc gia Mali, nhưng nhiều cư dân địa phương vẫn xem nó thuộc vùng đất của bộ tộc Dogon. Vách đá Bandiagara nằm ở vùng phía Nam sa mạc Sahara, đây là một khu vực khô cằn với lượng mưa trung bình mỗi năm chỉ khoảng 580 mm. Theo nhiều người, khi sống trên những vách đá sa thạch khô hạn và khắc nghiệt như thế, người Dogon sẽ khó có thể tồn tại. Nhưng thực tế, nền kinh tế của bộ tộc này lại khá phát triển, dựa vào các hoạt động nông nghiệp. Người Dogon rất giỏi trong việc canh tác, họ chủ yếu trồng cây kê, lúa, đậu, cây me chua, thuốc lá và hành. Bên cạnh đó, họ cũng chăn nuôi thêm cừu, dê, bò và một số loại gia cầm. 

Cũng như nhiều bộ tộc khác ở lục địa đen, bộ tộc Dogon có vô số nghi lễ, hoạt động giải trí đặc sắc thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới. Trong đó có điệu múa truyền thống với những chiếc mặt nạ gỗ vô cùng ấn tượng và kỳ bí. Khi một người nào đó của làng qua đời, người Dogon đeo những chiếc mặt nạ gỗ nhảy múa trong nhà người chết. Bởi họ tin rằng linh hồn sẽ hợp nhất với điệu múa và rời khỏi cơ thể để tìm kiếm một thân thể khác nhập vào.

Bộ tộc Dogon lưu truyền nhiều câu chuyện thần thoại thú vị, trong đó có chuyện một phụ nữ đánh bại một vị thần trong rừng sâu và được sở hữu một chiếc mặt nạ linh hồn. Một nhóm thanh niên nọ đã đánh cắp chiếc mặt nạ đó, rồi thành lập một tổ chức bí mật và chỉ thu nhận những phụ nữ vào nhóm và cho họ đeo mặt nạ. Từ đó, nhiều cuộc chiến giành lại chiếc mặt nạ linh hồn đã không ngừng xảy ra.

Những chiếc mặt nạ gỗ không thể thiếu trong các lễ hội đầy màu sắc ở vùng đá sa thạch này, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến nghi lễ Sigui. Sự kiện này cứ 60 năm được diễn ra một lần. Người Dogon tổ chức hoạt động quan trọng này để tưởng nhớ và biết ơn nguồn gốc tổ tiên của họ. 

Cũng theo thần thoại Dogon, nghi lễ Sigui có liên hệ mật thiết với sao Sirius trong chòm sao Đại Khuyển. Họ tin rằng có hai ngôi sao Sirius song sinh cùng tồn tại và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà thiên văn học trên thế giới đã phát hiện ra sao Sirius không phải là ngôi sao đơn lẻ mà thực chất đó là một hệ thống sao kép là Sirius A và Sirius B. Người thời nay rất khâm phục khả năng hiểu biết kỳ lạ về thiên văn, vũ trụ của người Dogon xưa.

Mặt nạ được đục đẽo từ cành của một thân cây to được thiết kế theo một đường thẳng, nhằm thể hiện sự kết nối ánh mặt trời với trái đất. Mặt nạ của người Dogon có hơn 70 loại khác nhau, chẳng hạn như mặt nạ hình chữ nhật, mặt nạ thẳng đứng hay mặt nạ có mắt hình tam giác với hai chiếc sừng dài…

Mỗi loại mặt nạ đã tái hiện sinh động nguồn gốc và lịch sử của bộ tộc Dogon. Động tác múa mặt nạ của họ nhanh và giàu cảm xúc hơn bất cứ điệu múa nào. Mặt nạ của người Dogon còn mang ý nghĩa linh thiêng tương tự như nghi thức múa mặt nạ. Đặc biệt, khi kết thúc mùa lễ hội và các nghi lễ, những chiếc mặt nạ được bảo quản và cất giữ cẩn thận trên những hang động nằm tít cao trên vách đá, tránh để người khác nhìn thấy hay chạm tay vào.

Điệu múa với mặt nạ gỗ thường do một nhóm thanh niên trai tráng của bộ tộc Dogon đảm nhận. Những người lớn tuổi trong làng phụ trách việc truyền dạy những điệu múa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Trong các lễ hội truyền thống hay nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như cầu mưa, cầu cho mùa màng bội thu, những thanh niên sẽ đeo mặt nạ nhảy múa còn những cụ già lớn tuổi biểu diễn nhạc cụ và ca hát, tạo nên một bầu không khí vô cùng sôi động.

Khu vực sinh sống của bộ tộc Dogon được chia làm ba vùng địa lý khác nhau là đồng bằng, cao nguyên và trên các vách đá cheo leo. Cả bộ tộc có khoảng vài trăm ngôi làng, mỗi làng có khoảng 500 cư dân. Tuy sống ở ba vùng địa lý khác nhau nhưng các ngôi làng ở đây có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Nhà của người Dogon được xây đấp bằng một loại bùn đặc quánh. Chúng có kiến trúc rất độc đáo với mái lá, nhìn như những túp lều tranh mọc san sát nhau. Phía trước mỗi nhà có đặt một số bức tượng được chạm trỗ khá tinh xảo. Chúng đã phần nào thể hiện được cuộc sống, hoạt động nghệ thuật, sự khéo léo của nghệ nhân Dogon.

Pháp sư được gọi là Hogon, là người có quyền hành tối cao trong văn hóa người Dogon. Nhà của pháp sư được xây dựng đẹp và kiên cố hơn so với các ngôi nhà khác trong làng. Pháp sư là người được chọn lựa từ các vị trưởng bối có uy tín của làng. Theo quy định, sau khi trở thành Hogon, người được chọn chỉ mặt trang phục màu trắng, không được cạo râu, tắm gội và không tiếp xúc với mọi người trong khoảng vài tháng.

Pháp sư có quyền hành cao nhất ở mỗi ngôi làng và có vai trò như một người cầm cân nảy mực mang lại sự công bằng giữa các thành viên trong bộ tộc. Ông ấy được cho là người có khả năng cầu mưa, gọi gió khi mùa màng khô hạn.

Ngày nay, nhiều du khách đến đây luôn tự hỏi tại sao người Dogon phải xây dựng nhà ở những vị trí chênh vênh, cao chót vót như thế và làm cách nào mà họ làm được điều đó. Nhìn từ xa, những ngôi nhà của người dân nơi đây như một bức tranh điêu khắc tuyệt đẹp trên nền đá sa thạch. Từng bị cô lập khỏi thế giới văn minh do nằm trọn vẹn trên một cao nguyên đá hẻo lánh, nhưng xã hội, kiến trúc nhà cửa và cuộc sống tinh thần của cư dân ở đây vẫn phát triển một cách độc đáo.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới, các loại mặt nạ của bộ tộc Dogon tuy nay không còn mang tính chất linh liêng như xưa, nhưng những điều bí ẩn sau chiếc mặt nạ truyền thống của người Dogon vẫn luôn là một đề tài nghiên cứu thú vị đối với các nhà khoa học và nó đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân loại.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *