Bên bờ hạnh phúc

Có lẽ Việt Nam là một trong số những nước đứng đầu về số món ăn chế biến từ hoa. Ở nhiều nước trên thế giới, món ăn từ hoa được coi là cao lương mỹ vị dành cho những vị khách đặc biệt nhưng ở xứ Việt, hoa là món ăn khá phổ biến, thân thuộc trong những bữa ăn hàng ngày. Hoa hóa thân vào ẩm thực tao nhã, tạo nên những món ăn tinh tế và bổ dưỡng.

Hoa để ăn có nhiều loại, từ hoa nuôi trồng trong nhà đến hoa mọc dại bên đường mà ta vẫn thường gọi bằng cái tên mĩ miều: hoa đồng nội. Hoa có ở cả 3 miền bắc, trung, nam. Miền Bắc gọi là hoa, miền trung miền nam thì kêu tiếng “bông” giản dị. Những loại hoa được dùng để chế biến món ăn nhiều nhất có thể kể đến hoa súng, hoa thiên lý, hoa bí, hoa mướp, bông điên điển, bông so đũa, bông sầu đâu…Từ những loại hoa này có hàng chục món ăn đặc trưng mà người dân ba miền sáng tạo nên mang hương vị rất đặc trưng, tinh tế mà nồng đượm như hương hoa.

Hoa sen

Nếu những loại hoa khác có thể dùng để chế biến những món ăn dân dã, hoa sen lại là loại hoa đặc biệt thích hợp với những món ăn có tính chất vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen đều ăn được như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen. Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó là rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen. Tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.

Hoa chuối

Một loại hoa chế biến không thể không nhắc tới là hoa chuối. Hoa chuối đồng bằng có màu tím, khác với sen, hoa chuối như được sinh ra để gắn với những món ăn bình dị mà không kém phần ngon miệng. Hoa chuối thường được dùng để chế biến các món nộm, nấu canh chua, hoặc dùng làm rau ăn kèm đều rất ngon. Những món ăn chế biến từ hoa chuối đều rất dân dã, quen thuộc mà đa dạng nhiều biến tấu.

Hoa artiso

Một món hoa khác không kém phần thanh tao là những món ăn chế biến từ hoa actiso. Khi nhắc đến loại hoa này, mọi người thường có ấn tượng về một vị thuốc, một loại trà thanh nhiệt mà không biết chúng còn có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon. Actiso nấu canh kèm xương heo, actiso hấp thịt… đều là những món ăn dễ chế biến lại có lợi cho sức khỏe.

Hoa ban

Những du khách lên Tây Bắc vào mùa tháng 3 sẽ thấy một cả rừng hoa ban nở trắng trời. Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường, chỉ nở sau khi mùa hoa đào, hoa mận đã tàn lụi theo thời gian.

Ngoài vẻ đẹp đến nao lòng, hoa ban tím còn chế biến thành nhiều món ngon

Hoa đẹp mong manh là vậy, nhưng ít ai biết được những cánh hoa ban trắng tinh khôi hoặc phơn phớt tím ấy lại có thể chế biến thành những món ăn rất ngon, hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân lên Tây Bắc. Thường những người phụ nữ Thái hay hái hoa về nấu hoặc đem bán ở chợ như một thứ rau sạch được nhiều người ưa thích.

Hoa ban xào măng đắng có vị đắng của măng, nhưng lại có cái ngọt, bùi của hoa ban. Những phụ nữ Thái sau khi hái hoa hoa ban về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng, đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị nhồi cá. Ngoài ra người ta thường nấu canh, làm nộm, hoa ban hầm móng giò, xào thịt lợn rừng, ban đồ… rất hấp dẫn.

Hoa thiên lý

Vào mùa hè, hoa thiên lý nở tỏa hương thơm ngát làm mát dịu không gian. Hoa còn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thường được chế biến thành nhiều món ăn, có tác dụng giải nhiệt, giúp ngủ ngon giấc.

Hoa thiên lý có thể nấu được nhiều món như nấu canh tôm, canh cá hú hay xào với các loại thực phẩm khác như thịt bò, xào hải sản, xào lòng gà… rất hấp dẫn. Nhưng món ăn đơn giản thường được nhiều người nấu vào mùa hè là thiên lý nấu với cua đồng, món ăn thật thanh, ngọt và thơm. Những bông hoa tươi còn e ấp nụ, được ngâm trong chậu nước rửa sạch bụi, khi cho vào nồi canh cua phải khéo léo để thịt không bị nát, gạch không bị vỡ, khi canh sôi cho hoa thiên lý vào rồi bắc ra ngay để hoa giữ nguyên sắc xanh. Thưởng thức một bữa ăn với tô canh hấp dẫn bởi màu sắc xanh rờn của những búp hoa, những tảng thịt cua điểm thêm chút gạch cua vàng óng trong mùa nắng thì không gì tuyệt bằng.

Hoa so đũa

Xuôi xuống phía Nam, ta dễ dàng bắt gặp các món ăn từ bông so đũa. Bông so đũa có vị hơi đắng nhưng lạ miệng, có thể dùng ăn kèm lẩu mắm với cá lóc hoặc dùng nấu canh chua với cá rô sẽ cho ra đời một món ăn giải nhiệt rất hấp dẫn. Loài hoa trắng xóa hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12 vừa có thể làm cây cảnh, nhưng lại vừa có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông hoa tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất ngon.

Đơn giản hơn, người ta thường luộc bông so đũa, chấm với nước mắm kho quẹt hoặc luộc chung với các loài rau khác ăn giải nhiệt trong mùa hè oi bức, là món khoái khẩu của nhiều người.

Hoa bí

Thường thì nhiều người chỉ biết đến các món ăn được chế biến từ quả bí hoặc rau bí chứ ít ai biết được hoa bí cũng là một món ăn rất ngon. Hoa được cắt cả cuống, thường là hoa bí đực, thường được nấu canh, rất ngọt, thanh và mát. Khi cắt hoa bí về, người ta thường bỏ nhụy bên trong vì đắng, sau đó dùng luộc, xào hấp hay nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn.

Đơn giản nhất là đem luộc. Hoa bí chỉ cần luộc qua trong nồi nước sôi là đủ chín, vớt ra để nguội, vắt bớt nước chấm cùng với nước kho thịt, kho cá đều rất tuyệt.

Hoa điên điển

Ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long còn có thứ hoa mà dân vùng trũng rất yêu thích: bông điên điển. Đây được coi là loại hoa đặc sản của miền sông nước. Mỗi năm, vào mùa lũ tháng 9 tháng 10, bông điên điển nở rộ trên cánh đồng mênh mông nước. Hoa đẹp là vậy nhưng ngoài để ngắm, chúng còn được dùng chế biến các món ăn đậm bản sắc vùng miền. Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm hoa… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua hoa điên điển nấu cá linh. Cái chua chua của me, vị ngòn ngọt của cá và cái thơm, giòn, đăng đắng của bông điên điển làm tăng thêm đặc trưng của món ăn vùng sông nước.

Hoa súng

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hoa súng. Cả hoa và nhị súng đều có thể ăn được nhưng chỉ ăn phần cuống nên hay được gọi là bông súng. Bông súng tước vỏ, cắt khúc 2 đốt ngón tay làm rau sống cho món lẩu mắm hay trộn gỏi tôm thịt, nấu canh chua với cá đồng, ngâm giấm làm dưa. Món nào cũng ngon và hấp dẫn.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *