Bên bờ hạnh phúc

Đông đảo du khách leo lên đỉnh Phú Sĩ.
Ảnh: photopassjapan.com

Núi Phú Sĩ như một biểu tượng thiêng liêng mang linh hồn và văn hóa của dân tộc Nhật Bản. Bất kể xuân, hạ, thu hay đông thì đỉnh núi này đều có tuyết trắng phủ đầy, khí hậu mát mẻ. Du khách đến Nhật Bản không thể không tham quan Phú Sĩ.

Núi Phú Sĩ thuộc tỉnh Shizouka, cách Thủ đô Tokyo không đầy 100km về phía Tây Nam. Từ Tokyo, muốn đi Phú Sĩ, dễ nhất và phổ biến nhất là bằng xe buýt. Xe chạy từ ga Shinjuku Station đến Kawaguchiko Station mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Từ ga Kawaguchiko Station (dưới chân núi) sẽ có xe buýt chở mất khoảng 45 phút du khách lên trạm thứ 5 ở lưng núi có tên là Kawaguchiko Trail 5th Stage – là một trong 4 trạm leo núi nằm giữa lưng chừng, có độ cao 2.475m. Trong mùa leo núi cao điểm (mùa hè), có những chuyến xe buýt chạy thẳng từ ga Shinjuku ở Tokyo lên tận trạm Kawaguchiko Trail 5th Stage – mất 2 tiếng rưỡi.

Du khách cũng có thể đi xe lửa ở ga Shinkuju Station, đến ga Otsuki Station phải đổi qua tuyến xe lửa Fuji Kyuko Line để tới ga Kawaguchiko Station, tổng cộng mất hơn 2 tiếng. Từ ga Kawaguchiko Station, du khách phải mua vé xe buýt lên trạm Kawaguchiko Trail 5th Stage. Đi bằng xe lửa phải đổi nhiều chặng, vừa lâu vừa khó khăn cho một du khách xa lạ với địa phương.

Núi Phú Sĩ hùng vĩ, cao ngất, hiên ngang là niềm tự hào của đất nước con cháu Thái Dương Thần Nữ, của những kiếm sĩ samurai. Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc Nhật Bản, núi Phú Sĩ đã được tôn vinh như là vị thần. Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng, Phú Sĩ được xem là ngọn núi thiêng nên phụ nữ bị cấm không được lên.

Núi Phú Sĩ có dáng gần giống như chiếc nón, với chóp nón cao 3.776m so với mặt biển. Đường kính dưới chân núi rộng khoảng 39km. Có tất cả 4 con đường dẫn lên đỉnh Phú Sĩ từ chân núi từ phía bắc hay phía nam. Mỗi con đường có đến 10 chặng (hay còn gọi là trạm). Từ trạm 1 đến trạm 5, người ta thường đi bằng xe buýt. Người có xe nhà cũng có thể tự lái xe lên, vì đường đèo được trải nhựa. Trạm thứ 5 của mỗi con đường mòn nằm ở vị trí và độ cao khác nhau, cách biệt khoảng vài trăm mét và cũng vì vậy, đường lên đỉnh xa gần khác nhau. Đi ở trạm thứ 5 mang tên Kawaguchiko Trail, du khách còn phải vượt độ cao khoảng 1.300m nữa để tới đỉnh núi. Hành trình leo núi mất từ 5 – 7 giờ, thời gian hạ sơn thường nhanh hơn nhưng cũng mất từ 2 – 5 giờ.

Nói trèo núi nhưng quả thực, chỉ đi trên những con đường mòn bằng đất. Ở mỗi đoạn đường người ta đặt các trạm nghỉ, bán hàng giải khát, món ăn nhẹ với giá càng lên cao càng đắt. Càng đi xa và càng lên cao thì đường dốc hơn, cây cối ít hơn. Gần đỉnh núi có nhiều nhà trọ đủ chỗ cho hàng ngàn người có thể ở lại qua đêm. Có hai con đường đi vòng quanh miệng núi lửa. Vòng ngoài đi hết khoảng một tiếng rưỡi, vòng trong khoảng 70 phút ở đó có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, một miếu thờ Nữ Thần Núi, một trạm bưu điện hoạt động trong hai tháng hè. Vào năm 1955, bên cạnh điểm cao nhất, người ta xây dựng một radar khí tượng. Lòng chảo phía trong là dấu tích của miệng núi lửa rộng khoảng 500m, sâu 200m có hình dáng gần giống cái bát của nhà sư nên được gọi là “Ngự bát”. Trên đỉnh núi tuyết trắng xóa, du khách có thể nhìn thấy 8 đỉnh núi xung quanh là Kiếm, Bạch Sơn, Cửu Tu Chí, Đại Nhật, Y Đậu, Thành Tựu, Câu và Tam – được ví như 8 cánh hoa nở hướng lên trời cao. Do đó, chúng còn được gọi là “Tám cánh phù dung”.

Một trong những nét đẹp và sự hấp dẫn của Phú Sĩ nằm ở sự độc đáo của các quần thể thiên nhiên xung quanh núi. Từ đỉnh núi xuống đến độ cao 2.800 – 2.400m, chóp núi trơ trụi toàn nham thạch. Nhưng ở phía dưới, lưng núi lại được bao phủ bởi những tầng cây cối xanh tươi. Dưới chân núi, 5 hồ nước ngọt lớn, nổi tiếng giống như những viên ngọc gắn vào thân núi là Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu và Shoji. Cùng với hồ Ashi, 5 hồ này cùng các con suối, những khu rừng già rậm rạp và những động vật, cây cối hoang dã đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp – một phần của Công viên quốc gia Phú Sĩ Hakone – Izu. Thác Shiraito ở chân núi cũng là một địa điểm rất hấp dẫn du khách. Điểm độc đáo của thác này là dòng nước lao thẳng từ độ cao 20m dội xuống chân núi, khiến từ xa trông nó như một đường chỉ căng trên dãy núi. Những dải nước trắng quét trên vách đá phủ đầy rêu dưới chân núi Phú Sĩ. Rộng 130m, con thác hiền hòa này tạo nên bóng râm, sự tươi mát và độ ẩm cho đám thực vật xung quanh.

Núi Phú Sĩ hùng vĩ, tráng lệ và muôn hình muôn vẻ vào các mùa: mùa Xuân hoa lá xanh tươi, mùa Hè nước chảy rì rào, mùa Thu lá đỏ phủ khắp đồi núi, mùa Đông băng tuyết trắng xóa. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ không chỉ ở trong thơ ca, hội họa Nhật Bản mà còn cả ở trong đời thường.

Duyên Khánh (Báo Cần Thơ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *