Bên bờ hạnh phúc

Nếu như ở các vùng đất khác, những bảo tàng, những lâu đài hay các nhà thờ luôn đề cập đến văn hóa và lịch sử khu vực một cách chi tiết thì ở Sedlec, lịch sử của nhà thờ cũng như của cả ngôi làng cùng tên Sedlec chỉ được nói một cách chung chung chưa đầy nửa mặt giấy.

Du khách đến và tự khám phá, hỏi chuyện dân làng xung quanh mới biết, nhà thờ Sedlec không phải tự nhiên mà được xây lên. Nó được xây lên bởi khi đó, những nấm mồ quanh làng cứ ngày một nhiều lên và từ một nhà thờ được dựng lên để cầu chúc cho những người đã khuất, Sedlec trở thành một hầm mộ rồi lại được thiết kế lại như một nhà thờ.

Trước thế kỷ XIII, vùng đất xây nhà thờ là một khu nghĩa trang đơn sơ của làng. Vào năm 1278, ngài tu viện trưởng Henry, người Sedlec, viễn chinh đến miền đất thánh (ngày nay ở Palestine) theo lệnh của nhà vua Bohemia lúc bấy giờ là Otakar II. Khi trở về, ngài đã mang theo mình một nhúm đất Golgotha và rắc lên nghĩa trang các tu sĩ. Kể từ đó, tính ra có đến hàng ngàn người dân đã đổ xô đến vùng đất này để an táng cho người thân. Và đây hẳn là điều mà ngài tu viện trưởng chẳng thể ngờ được về những tình cờ diễn ra trong tương lai kết hợp với nhúm đất của ngài lại tạo nên hình ảnh "xương" cho ngôi làng quê bé nhỏ.

Quay lại thời điểm vào những năm cuối thế kỷ XIV đầu XV, chỉ khoảng 1 thế kỷ sau đó, do nạn dịch hoành hành và cuộc nội chiến tôn giáo Hussite mà số người được an táng ở Sedlec đã tăng vọt. Hậu quả của chiến tranh và bệnh dịch đã "đem lại" cho ngôi làng này lượng lớn hài cốt và đây cũng có thể coi là những "tình cờ đầu tiên".

Theo đó, vì một lý do nào đó mà ta coi như "tình cờ thứ hai". Rất nhiều người ở các làng xung quanh cũng đồng thời tìm đến làng Sedlec thuộc thành phố Kutna Hora vào những ngày cuối đời của họ và gửi xác nơi này. Số lượng nấm mồ cứ tăng lên và từ đó, nhà thờ nhỏ Sedlec, mang kiến trúc Gothic cổ, đã được xây nên với một gian thờ như một hầm chứa để lưu giữ những bộ xương được khai quật từ nghĩa trang và dành chỗ cho những “cư dân” mới.

Rồi đến lúc cả hầm chứa cũng đầy. Khi mà nó được coi như một hầm mộ chứ không phải một nhà thờ thì vào năm 1870, một dòng họ có quyền thế ở địa phương là Schwartzenberg đã thuê nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng František Rint làm công việc kỳ quái là đưa những bộ xương từ hầm chứa lên, tạo thành các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà bây giờ chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng.
Quyết định này, theo một cách nhìn nào đó, thực sự đã đem lại một cuộc sống mới cho người dân quanh vùng ngày nay bởi họ có thể khai thác du lịch và hy vọng vào một mức sống cao hơn, tốt hơn, từ hài cốt của những người đã khuất. Nếu ai đó đặt ra một câu hỏi thì hẳn đó là việc những lời phản đối trước quyết định của dòng họ này trong quá khứ là đúng hay sai ?

Nhà thờ Sedlec và ngôi làng cùng tên đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 7 năm 2008.

Liên hệ với một điều kì bí khác, từ bao lâu nay, nhiều người vẫn luôn nhắc đến một nghĩa địa voi nào đó cho loài voi – nơi mà những con voi tìm đến khi chúng biết chúng sắp chết. Những bộ xương khổng lồ nằm la liệt khắp nơi, những tấm ngà voi với số lượng lên đến hàng nghìn hàng triệu được lưu giữ bao lâu nay đã làm nên truyền thuyết cho nghĩa địa voi.

Nhưng nghĩa địa vẫn chỉ có trong truyền thuyết. Một lý do để người ta đề cập đến nghĩa địa này xuất phát từ việc con người xưa nay hiếm khi tìm thấy xác những con voi hoang dã chết tự nhiên và việc đã có những thổ dân nói rằng, họ từng đặt chân đến một thung lũng toàn xương voi mà sau đó chẳng thể tìm lại được. Đề cập đến voi, nhiều nhà khoa học cho rằng, chúng có thể biết chính xác thời điểm chết của mình và đã tự tìm đến Nghĩa địa voi như một bản năng. Nhà thờ Sedlec trong trường hợp này đã được đưa ra so sánh với nghĩa địa voi – nơi những người quanh đó tìm đến khi họ cảm thấy rằng, sức sống trong họ đang tàn lụi dần.

Liệu có hay không chuyện con người và động vật biết trước ngày chết và cụ thể giờ chết của họ? Nhiều người sẽ nói có và nhiều người sẽ nói không. Nhưng tại sao người dân xung quanh thời đó cứ phải đổ về Sedlec và tại sao những con voi lại tìm đến Nghĩa địa voi ? Người sắp chết tìm đến đây hay ngược lại, họ chết vì đến đây ? Cần lưu ý rằng người dân nơi đây vẫn sống và sinh hoạt bình thường.

Những cuốn sách như "256 trường hợp kì bí trên thế giới" cũng đã từng nhắc đến một vài địa danh "hãi hùng" khác như "Tam giác quỷ Béc-mu-đa" và chúng ta cũng chưa có được những lời giải thích hợp lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể khám phá Nghĩa địa voi hay việc du lịch đến vùng Tam giác là không thể thì nhà thờ Sedlec là một sự thay thế an toàn đã hấp dẫn và kích thích trí tò mò của nhiều du khách.

Đối với Việt Nam, tiếc rằng hành trình đến đó chẳng đơn giản để một lần tận mắt chứng kiến và cảm nhận không khí của nhà thờ nhưng nếu nói là đáng nhắc đến hay không, thì nhà thờ độc đáo này rất xứng đáng.

Sảnh lớn ngay sau cánh cửa bước vào nhà thờ, khu vực này có chiếc đèn chùm treo rất lớn được tạo thành bởi đủ lọai xương trên cơ thể. Xung quanh bộ đèn là bốn chiếc tháp làm từ đầu lâu và xương cẳng tay với tượng hài đồng bằng vàng trên đỉnh tháp. Các chi tiết nội thất khác như những chiếc chân nến, đường viền mái, đường cong vòm nhà… đều được trang trí bằng những bộ phận xương khác nhau

Ánh sáng chiều phần nào làm tan bớt đi không khí và cảm giác lạnh gáy của nhà thờ. Theo thiết kế của František Rint, bộ đèn chùm, điểm ấn tượng của nhà thờ đã được đặt ở ví trí đón nhận ánh sáng từ nhiều góc cạnh

Bên trong nhà thờ còn rất nhiều những tác phẩm khác rất công phu và được bài trí cẩn thận. Tuy nhìn bên ngoài, nhà thờ Sedlec trông không "dài" lắm nhưng khi đi vào trong sẽ có cảm giác khá sâu. Ảnh là hai tác phẩm, chiếc thập giá và hai chén thánh

Những tác phẩm được nhiều du khách quan tâm là chiếc vương miện và biểu tượng của nhà Schwartzenberg, chữ ký của nhà điêu khắc Rint, chiếc thập giá và chiếc chén thánh. Ngoài ra, những hình ảnh về những con quạ đang rỉa xác chết, hay những con rắn chui ra từ hốc mắt đầu lâu… cũng thu hút người xem không kém

Phía sau gia huy nhà Schwartzenberg là một tác phẩm sử dụng lượng lớn hài cốt có hình dáng giống một căn nhà nhỏ. Ước tính có đến 40.000 – 70.000 hài cốt đang hiện diện trong nhà thờ xương thành phố Kutna Hora. Điều kỳ lạ là các du khách và người dân khi đặt chân vào nhà thờ thường tỏ ra rất thích thú với các đồ vật, chụp ảnh và bàn tán nhiều về những tác phẩm nghệ thuật có một không hai này

Theo Vzone, Chudu24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *