Bên bờ hạnh phúc

Đàn shamisen ra đời cách đây khoảng 500 năm. Nó có nguồn gốc từ loại nhạc cụ 3 dây của Trung Quốc được du nhập đến Vương quốc Ryukyu vào thế kỷ 16, ngày nay là tỉnh Okinawa, cực Nam Nhật Bản.

Tại Okinawa, đàn 3 dây của Trung Quốc có sự cải tiến và được gọi là Sanshin. Đàn shamisen và sanshin có cùng điểm chung là chúng đều có 3 dây.

Cũng trong thế kỷ 16, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động giao thương, chiếc đàn sanshin được đưa từ Okinawa đến Nhật Bản qua hải cảng Sakai. Tại đây, hình dáng của chiếc đàn sanshin tiếp tục được thay đổi. Mặt trước và sau của thân đàn sanshin được bọc bằng da trăn, trong khi đó, ở Nhật, trăn rất hiếm nên người ta dùng da mèo hoặc da chó để thay thế. Đây là một trong những cải tiến để tạo ra chiếc đàn shamisen ngày nay.

Đàn Shamisen có thể tháo rời từng bộ phận một cách dễ dàng

Lúc bấy giờ, trong dân chúng, hình thức nghệ thuật dân gian Katarimono rất được ưa chuộng, ở đó, những nghệ sĩ mù vừa chơi đàn Biwa vừa kể chuyện. Đàn biwa là nhạc cụ 5 dây được truyền bá từ Trung Quốc đến Nhật Bản vào thời Nara, thế kỷ thứ 6. Khi chơi đàn biwa, người ta sử dụng miếng gẩy đàn có kích thước rất lớn. Sau đó, miếng gẩy đàn này đã được thu nhỏ lại để dùng cho đàn shamisen.

Đến thế kỷ 17, Nhật Bản bước vào thời Edo, đất nước thái bình sau thời gian dài chìm trong nội chiến Sengoku. Hoạt động thương mại được đẩy mạnh, kinh tế hưng thịnh, người dân bắt đầu nghĩ đến việc hưởng thụ. Các loại hình giải trí, tiêu khiển phát triển mạnh mẽ, trong số đó, nổi bật nhất là hình thức trình diễn nghệ thuật. Kịch rối bunraku và tuồng kabuki rất được dân chúng ưa chuộng. Đây cũng là giai đoạn vàng son của chiếc đàn shamisen. Tiếng đàn là âm thanh quen thuộc nhất trên sân khấu bunraku và kabuki lúc bấy giờ.

Mặt của thân đàn được làm từ da trăn

Về mặt cấu tạo, chiếc đàn shamisen có điểm rất độc đáo so với nhiều loại nhạc cụ khác là chúng ta có thể tháo rời từng bộ phận của chiếc đàn 1 cách dễ dàng và xếp chúng gọn gàng vào trong thùng đàn. Bằng cách này, chủ nhân của chiếc đàn shamisen có thể mang chúng đi đến bất kỳ nơi đâu. Sự tiện lợi khi vận chuyển và những kỹ thuật đánh đàn cơ bản dễ học của đàn shamisen đã giúp loại nhạc cụ này phổ biến trong dân chúng. Vào thời Minh Trị, các lớp dạy đàn shamisen được mở ra trên khắp cả nước. Mọi người, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có thể học đàn.

Những năm gần đây, tiếng đàn shamisen đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống để hòa mình vào thế giới của âm nhạc hiện đại. Nhiều ca sĩ đã dùng đàn shamisen trong các buổi biểu diễn nhạc rock. Ca sĩ nhạc rock người Mỹ Kevin Kmetz là một trong số đó.

Kmetz hiện đang sinh sống tại thành phố Misawa, tỉnh Aomori, miền Bắc Nhật Bản. Tuy là mang quốc tịch Mỹ nhưng Kmetz rất gắn bó với nước Nhật vì mẹ anh là người Nhật.
Ngay từ khi còn nhỏ, Kmetz đã được làm quen với âm nhạc, đặc biệt là đàn guitar. Đến những năm 20 tuổi, Kmetz bắt đầu trình diễn nhạc rock tại Mỹ. Cách đây 9 năm, Kmetz làm quen với đàn shamisen, anh nhanh chóng bị loại nhạc cụ này mê hoặc. Với mong muốn đưa tiếng đàn shamisen vào thế giới sôi động của nhạc rock, Kmetz quyết định nghiên cứu sâu về nó.

Kmetz (bìa trái) là người có công đưa Shamisen lên sân khấu nhạc rock

Sau thời gian theo học với các bậc thầy về đàn shamisen truyền thống, Kmetz tiếp tục lĩnh hội sự biến tấu của nhạc cụ này qua các bạn trẻ. Thời gian đầu làm quen với hình thức chơi đàn shamisen theo phong cách âm nhạc cải tiến là giai đoạn rất khó khăn đối với Kmetz. Anh gần như phải học lại từ đầu, ngay cả cách gẩy đàn. Đến nay thì Kmetz đã có thể chơi thành thạo đàn shamisen theo phong cách của nhạc rock. Tiếng đàn shamisen của anh giờ đây mang sắc thái mới, mạnh mẽ và sôi động.

Năm 2008, Kmetz đưa đàn shamisen lên sân khấu trình diễn nhạc rock tại Mỹ. Sau đó là hàng loạt buổi biểu diễn khác ở nhiều nơi trên thế giới. Kmetz đã góp phần đưa âm nhạc Nhật Bản hội nhập với nền âm nhạc quốc tế.

Hiện nay, ở nhiều địa phương của Nhật Bản, đàn shamisen được đưa vào chương trình học. Với những lớp học như thế, tiếng đàn shamisen đi vào đời sống của các thế hệ trẻ Nhật Bản một cách tự nhiên, trở nên gần gũi và thân quen. Đây là điều rất đáng mừng khi mà ở nhiều nước trên thế giới âm nhạc dân tộc đang dần bị mai một bởi sự bành trướng của âm nhạc hiện đại phương Tây.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *