Bên bờ hạnh phúc

Trong tiếng Nhật, tất cả các loại khoai được gọi chung là Imo. Từ xa xưa, khoai đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người dân xứ sở này.

Hầu hết các loại khoai mà người Nhật ăn hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Khoai từ núi là một trong số ít loại khoai trong nước. Khoai từ núi, thu hoạch tại các vùng núi trong tự nhiên, là mặt hàng hiếm, rất có giá trị. Hiện nay, trên thị trường Nhật Bản có 4 loại khoai từ phổ biến là khoai từ núi, khoai dài, khoai từ Yamato imo và Tsukunen imo. Trong số đó, khoai từ núi có độ dẻo nhất, vị của nó cũng ngọt hơn các loại khoai từ khác nên rất được ưa chuộng.

Tất cả các loại khoai ở Nhật được gọi chung là Imo

Bên cạnh khoai từ núi, khoai sọ cũng là loại khoai bản địa. Nó được trồng tại Nhật Bản vào thời cổ đại Jomon, trước khi người dân biết canh tác lúa nước. Điểm đặc biệt của khoai sọ là trong chùm có một củ khoai cái lớn ở chính giữa, xung quanh nó là vô số củ khoai con nhỏ, tròn đeo bám. Người ta rất thích những củ khoai nhỏ này vì chúng dẻo, bùi và ngọt. Một món ăn hấp dẫn từ khoai sọ là món hầm nước tương cùng với đường. Vị mặn ngọt vừa ăn của gia vị hòa quyện cùng độ bùi và dẻo của khoai khiến thực khách khó lòng buông đũa.

Khoai sọ

Vào tháng 9 hàng năm, tại thành phố Yamagata, người ta tổ chức nấu món lẩu khoai sọ thịt bò trong cái nồi khổng lồ. Với đường kính lên đến 6 mét, nồi lẩu ở Yamagata giữ kỷ lục là nồi lẩu khoai sọ thịt bò lớn nhất Nhật Bản. Lẩu khoai sọ thịt bò là món ăn truyền thống của người dân địa phương. Để chế biến nồi lẩu phục vụ cho hàng ngàn người ăn này, các đầu bếp đã sử dụng 3 tấn khoai sọ, 1,2 tấn thịt bò cùng nhiều nguyên liệu phụ khác.

Nồi lẩu thịt bò hầm khoai sọ khổng lồ ở Yamagata

Khoai lang là lương thực có nguồn gốc ngoại lai, được du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ 17. Vùng Satsuma thuộc tỉnh Kagoshima là địa phương từng rất phát đạt nhờ nghề trồng khoai lang.

Khoai lang nướng trên những viên sỏi nóng là món ăn vặt được nhiều người Nhật yêu thích từ xưa cho đến tận ngày nay. Họ bị hấp dẫn bởi củ khoai lang nướng nóng hổi, dậy mùi thơm, vị ngọt lịm lại rất bùi.

Tại Kagoshima, khoai lang còn là nguyên liệu chính dùng để làm rượu sake. Loại rượu này có tên gọi Imo Shochu. Người ta chỉ sử dụng khoai lang trắng có chất lượng tốt nhất để ủ rượu. Rượu Imo Shochu có màu trắng trong, vị ngọt tự nhiên của khoai lang và rất thơm.

Rượu sake làm từ khoai lang trắng

Cùng với khoai lang, khoai tây cũng được du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ 17. Khoai tây có hoa khá đẹp màu trắng, hồng, xanh, hoặc tím. Khoai tây được đưa từ Jakarta của Indonesia đến Nhật Bản nên ngày xưa, người Nhật gọi loại khoai này là Jagatara-imo. Dần dần, cái tên đó được rút ngắn lại thành Jaga-imo cho đến ngày nay.

Khoai tây có nhiều màu sắc khá đẹp

Nikujaga là món khoai tây hầm thịt rất được người Nhật yêu thích. Món này có thể nấu với thịt heo hoặc thịt bò, đặc biệt không thể thiếu nước tương.

Món khoai tây hầm thịt được người Nhật rất yêu thích

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *