Bên bờ hạnh phúc

Khoai không phải là lương thực chính hàng ngày của người Nhật như gạo, nhưng chúng có đóng góp không hề nhỏ trong việc nuôi sống người dân nước này.

Hiện nay, khoai lang được người Nhật xem là món ăn thời thượng

Năm 1732, thời tiết bất thường đã khiến cho châu chấu và các loài côn trùng khác tàn phá những cánh đồng lúa ở vùng đồng bằng trù phú miền Tây Nhật Bản. Mất mùa nhiều năm, lương thực không đủ cung cấp, người dân rơi vào cảnh đói. Đây được xem là một trong những trận đói tồi tệ nhất dưới thời Edo. Người có công cứu hàng triệu người Nhật khỏi chết đói trong thảm họa này là nhà khoa học lỗi lạc Aoki Konyo.

Konyo là người uyên thâm nhiều lĩnh vực từ y học, dược học đến nông nghiệp. Với quyết tâm không để nhiều người phải chết vì thiếu ăn, ông ngày đêm miệt mài nghiên cứu để tìm ra một loại cây lương thực khác thay thế cây lúa trong trường hợp lúa mất mùa.

Khi đọc các tài liệu về nông nghiệp của Trung Quốc, ông rất chú ý đến loại cây có tên gọi khoai lang. Theo ghi chép thì cây khoai lang có thể phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng. Khoai lang được đưa từ Trung Quốc đến Vương quốc Lưu Cầu vào thế kỷ 16, ngày nay là tỉnh Okinawa của Nhật Bản , sau đó là tới Kyushu. Tuy nhiên, lúc đầu nó không được nhiều người chú ý đến.

Aoki Konyo là người Nhật đầu tiên trồng khoai lang thành công

Khoai lang là loại cây rất dễ trồng, trên củ khoai mọc ra nhiều chồi, người ta chỉ việc cắt ghim xuống đất là chúng có thể phát triển thành những dây khoai mới. Đây là nguồn cung cấp lương thực dồi dào và quan trọng trong lúc đói kém.

Những lợi ích trên được Konyo phát hiện khi nghiên cứu về loại cây ngoại lai này. Ngoài ra, bằng những kiến thức về y học, ông cũng nhận thấy thành phần của củ khoai chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Khi đã hiểu rõ về đặc tính sinh trưởng của khoai lang và nguồn lợi mà nó mang đến. Konyo đề xuất chính quyền Mạc Phủ cho phép trồng khoai lang đại trà. Yêu cầu của ông được chấp thuận.

Năm 1735, Konyo chọn ra 5.500 củ khoai giống chất lượng tốt ở Kyushu để trồng tại Satsuma, vùng đất bạc màu và bị mất mùa lúa nặng nề nhất. Trước khi khuyến khích nông dân chấp nhận loại cây lương thực mới này, Konyo đã tự mình trồng thử nghiệm. Trong lúc này, dư luận có phần bất lợi cho ông khi phát sinh tin đồn củ khoai lang chứa độc tố, có thể khiến con người ngã bệnh và chết. Nông dân phản đối kế hoạch trồng khoai lang của Konyo. Hơn nữa, thời tiết quá lạnh vào mùa đông của vùng Satsuma đã khiến cho 1/3 số lượng khoai giống trong kho bị lên mốc và thối.

Những khó khăn đó không làm Konyo nản lòng, trái lại ông càng bỏ nhiều công sức hơn để chăm sóc cho cánh đồng khoai lang . Ngày nào ông cũng ra thăm các luống khoai. Đến một ngày của tháng 11/1735, Konyo mừng rỡ khi phát hiện những củ khoai no tròn bên dưới lớp đất.

Khoai lang đã nhiều lần giúp Nhật Bàn vượt qua những giai đoạn khó khăn

Konyo là người đầu tiên trồng khoai lang thành công tại Nhật Bản. Nguồn lương thực mới này nhanh chóng được chứng minh là an toàn và hiệu quả để chống lại cái đói. Từ đó, khoai lang được gọi là Satsuma-imo và được trồng phổ biến trên khắp cả nước.

Đến thế kỷ 20, khoai lang một lần nữa giúp nước Nhật vượt qua giai đoạn khó khăn. Đó là thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Nhật là nước bại trận, cùng với cơ sở hạ tầng và công nghiệp thì lĩnh vực nông nghiệp cũng bị chiến tranh tàn phá. Gạo không đủ cung cấp cho nhu cầu cả nước.

Lúc này, những luống khoai lang mọc lên ở mọi nơi, từ trên cánh đồng, trong vườn nhà, công viên đến sân trường. Món cơm độn khoai lang hay khoai lang nướng, hấp là khẩu phần ăn hàng ngày của nhiều người.

Khoai lang trở thành mặt hàng nông sản được mua bán nhộn nhịp và được vận chuyển trên những chuyến xe lửa đến nhiều nơi. Những vùng đất nông nghiệp trước đây chưa từng trồng khoai lang cũng bắt đầu đẩy mạnh canh tác loại cây này từ những năm 1950.

Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử phát triển của cây khoai lang ở Nhật Bản. Và hiện nay, tình yêu dành cho khoai lang của người dân nước này vẫn nguyên vẹn.

Từng là thực phẩm phổ thông dùng để cứu đói trong quá khứ, giờ đây, khi cuộc sống vật chất trở nên dư dả thì khoai lang lại được người Nhật xem là món ăn chơi thượng hạng. Đó cũng là sự tôn trọng mà họ dành cho loại lương thực này.

Củ konnyaku

Cùng với khoai sọ, củ konnyaku đã được người Nhật biết đến và dùng làm lương thực từ thời cổ đại Jomon. Nhưng konnyaku là loại lương thực đặc biệt, vì nó hầu như không có dinh dưỡng và hàm lượng calorie lại rất thấp. Vì vậy, món rau câu làm từ bột konnyaku là món ăn giảm cân rất được chị em phụ nữ ưa chuộng.

Củ konnyaku chứa khoảng 97% nước, 3% còn lại là chất xơ glucomannan hòa tan trong nước. Chất glucomannan khiến người ăn có cảm giác no rất lâu, do đó, những thực phẩm được chế biến từ konnyaku rất thích hợp cho những người ăn kiêng.

Ăn kiêng là lợi ích của konnyaku vào thời hiện đại, khi con người không muốn nạp quá nhiều chất bổ béo vào cơ thể. Cũng nhờ tính chất no lâu này, mà vào thời Edo, konnyaku đã giúp dân chúng chống đói. Ngày nay, bột konnyaku không chỉ được dùng để làm rau câu hay bánh mà còn được ứng dụng cả trong lĩnh vực dược phẩm.

Rau câu làm từ bột konnayaku

Konnyaku cũng có thể được dùng làm thực phẩm khô dự trữ trong một thời gian dài. Người ta cắt bột dẻo konnyaku thành những lát mỏng, phơi chúng cả ngày lẫn đêm trên cánh đồng rơm. Ánh nắng ban ngày làm cho những miếng konnyaku khô lại, đến đêm chúng hấp thụ hơi nước và nở ra. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi miếng konnyaku khô cứng. Khi dùng để chế biến món ăn, người ta ngâm konnyaku vào nước. Vì có tính hút nước cao nên konnyaku rất nhanh mềm.

Bột konnyaku là món ăn giảm béo hiệu quả

Là một quốc gia châu Á dùng gạo làm lương thực chính, nhưng với Nhật Bản, khoai đã giúp người dân vượt qua những giai đoạn khó khăn, cứu hàng triệu người khỏi chết vì đói. Và khoai cũng góp phần làm giàu thêm nền văn hóa ẩm thực vốn đã rất tinh tế và đa dạng của đất nước này.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *