Bên bờ hạnh phúc

Bào ngư là động vật có vỏ, chúng cư trú nhiều ở vùng biển ôn đới, nơi có nhiệt độ nước biển từ 16 đến 23 độ C. Bào ngư ăn thực vật, thức ăn ưa thích của chúng là rong biển, đặc biệt là rong biển đỏ. Bào ngư sinh trưởng tương đối chậm, từ giai đoạn ấu trùng đến lúc trưởng thành phải mất 3 đến 4 năm.

Tại Nhật Bản, người ta có 2 cách đánh bắt bào ngư ngoài tự nhiên. Cách thứ nhất có tên gọi Mizukiyo. Người thu hoạch bào ngư ở trên thuyền, họ dùng một chiếc hộp có gắn kính để nhìn xuống đáy biển. Khi phát hiện có bào ngư, họ sử dụng chiếc móc nhọn tách bào ngư ra khỏi vách đá và móc chúng lên mặt nước.

Bào ngư là một loại hải sản quý

Cách thứ 2 là Tsumomiyo. Người đánh bắt bào ngư phải lặn xuống đáy biển. Ở Nhật, những ngư dân chuyên đánh bắt bào ngư bằng phương pháp này được gọi là ama, phần lớn họ đều là phụ nữ. Không có bình dưỡng khí, chỉ với bộ đồ lặn bó sát người từ đầu đến chân và kính bảo vệ mắt, các ama lặn sâu xuống đáy biển. Mỗi lần lặn của họ kéo dài khoảng 1 phút. Thời gian này đủ để họ tìm bào ngư và bắt chúng đưa lên mặt nước. Bào ngư không tập trung thành cụm nên các ama phải vừa lặn vừa tìm kiếm từng con một.

Bào ngư được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon

Bào ngư thường bám chặt trên các tảng đá, vì vậy, các ama dùng thanh kim loại chuyên dụng thận trọng tách chúng ra khỏi đá. Là động vật biển có giá trị thương phẩm cao nên bào ngư luôn được bảo quản cẩn thận từ công đoạn đánh bắt tới lúc vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thịt bào ngư có hương vị rất ngon, lại bổ dưỡng do chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tại Nhật Bản, từ thời xa xưa, người ta đã xem bào ngư là thực phẩm thuộc hàng cao lương mỹ vị.

 

Những ama phải lặn sâu dưới biển để tìm bào ngư

Bào ngư xuất khẩu của Ofunato, tỉnh Iwate là loại bào ngư khô, người ta ướp bào ngư tươi với muối sau đó phơi khô chúng từ 4 đến 5 tuần. Bào ngư khô bảo quản được lâu mà không bị mất đi chất dinh dưỡng và vị ngọt khi chế biến thành món ăn.

Bào ngư sấy khô

Bào ngư còn có ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng của người Nhật. Tại làng Fusaki ở thành phố Toba thuộc tỉnh Mie, người dân ở đây sơ chế bào ngư để dâng lên Thần cung Ise – một quần thể đền thờ Thần Đạo linh thiêng. 

Bào ngư được dùng để dâng lên thần thánh

Người ta dùng một chiếc dao sắc bén hình lưỡi liềm, cắt bào ngư thành dây theo dạng hình tròn xoắn ốc. Kế đến, phơi những dây bào ngư này dưới nắng. Khi chúng đã khô, người ta dùng một chiếc ống tre cán dây bào ngư ra cho thật thẳng và cắt thành từng đoạn theo kích thước đã được quy định sẵn. Những đoạn bào ngư cắt thừa được cột lại cẩn thận bằng dây rơm thành xâu dài. Những xâu bào ngư như thế được gọi là noshi awabi. Từ thời cổ đại, người Nhật đã quan niệm rằng, noshi awabi có tác dụng trừ khử tà ma, mang lại may mắn. Với ý nghĩa đó, noshi awabi được đính kèm trên những món quà tặng nhân các dịp lễ lộc nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với gia chủ.

Người ta dùng chiếc dao hình lưỡi liềm cắt bào ngư thành dây theo hình xoắn ốc

Dây bào ngư sau khi đã được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời

Những xâu bào ngư noshi awabi được cho là mang lại may mắn

Noshi awabi không chỉ xuất hiện trong văn hóa, tín ngưỡng mà hình ảnh của chúng còn được dùng để làm hoa văn trang trí. Người Nhật sử dụng hoa văn noshi awabi trên những chiếc chén phủ sơn mài hay trên áo kimono với ngụ ý về sự trường thọ.

Vỏ bào ngư không thuộc hàng cao cấp như vỏ ốc xà cừ nhưng chúng cũng là một trong những nguyên liệu ưa chuộng của các nghệ nhân sơn mài Nhật Bản. Người ta mài vỏ bào ngư xù xì bên ngoài để lộ ra phần xà cừ óng ánh nhiều màu. Những mảnh xà cừ ngũ sắc này được dùng để khảm hoa văn trên đồ dùng nội thất. Các nghệ nhân cẩn thận cắt chúng ra thành những miếng nhỏ theo hình dáng mà họ muốn, sau đó ghép từng miếng cắt này lại với nhau để tạo ra hoa văn đẹp mắt. Nghệ thuật khảm vỏ của động vật biển trên đồ sơn mài là nghề thủ công nổi tiếng của Nhật Bản, chúng được biết đến với tên gọi raden.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *