Bên bờ hạnh phúc

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ, nối với Quảng Ngãi ở phía Bắc và Phú Yên ở phía Nam bằng đường số 1, với Gia Lai ở phía Tây bằng đường số 19. Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, trên đường 19, địch tổ chức phòng ngự thành từng cụm, từng tuyến từ Phú Phong đến Phú An, trung tâm là cụm căn cứ Lai Nghi. Chúng còn lập hệ thống phòng thủ dọc theo bờ biển từ Diêu Trì đến đèo Cù Mông, đồng thời di chuyển một bộ phận về phía sau xây dựng tuyến phòng ngự mới tại Đèo Cả.

Liên tiếp trong tháng 3-1975, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công các cụm phòng ngự của địch trên đường số 1 cả từ hai phía Bắc, Nam và trên đường 19, loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận Sư đoàn 22 quân ngụy. Quân và dân địa phương tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và bức rút hàng chục chốt điểm, giải phóng phần lớn nông thôn các huyện Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê, Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ.

 

 

Nhân dân Bình Định tham dự lễ mít tinh mừng giải phóng 

 

5 giờ sáng 31-3-1975, Quân Giải phóng đồng loạt tấn công các tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch đánh chiếm Lai Nghi, Phú Phong, núi Trà Lam Sơn, Đập Đá. 20 giờ ngày 31-3, các cánh quân của ta tiến vào thị xã Quy Nhơn. Số quân địch trấn giữ các căn cứ trong nội ô tổ chức kháng cự không thành công, tìm đường tháo chạy. Tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng.

Cũng trong ngày 31-3, Bộ Chính trị chỉ thị cho các mặt trận: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian sớm nhất; tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4-1975, không để chậm”, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”!

Theo SGGP Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *