Bên bờ hạnh phúc

Kết quả quá trình bền bỉ chuẩn bị các điều kiện cho tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với việc chủ động nắm bắt thời cơ, huy động toàn thể các tầng lớp nhân dân đứng lên dành chính quyền đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ý nghĩa lịch sử của nó đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, dân tộc, mang ý nghĩa thời đại.

Sự đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)

 

 

Đảng lãnh đạo chuẩn bị các điều kiện cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03-2-1930), đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong, trực tiếp nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo để dẫn dắt nhân dân ta tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm1945.

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931

Cao trào cách mạng 1930-1931 không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu của các điều kiện khách quan và chủ quan trong đời sống xã hội của nước ta lúc đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã thúc đẩy thực dân Pháp tăng cường cấu kết với thế lực phong kiến thuộc địa ra sức bóc lột nhân dân Việt Nam và đẩy đời sống của toàn thể nhân dân lâm vào tình trạng cùng cực; buộc nhân dân ta vùng dậy đấu tranh chống bọn thực dân đế quốc và phong kiến thuộc địa. Đảng ra đời là nhân tố quyết định và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam để tiến tới giành chính quyền trên cả nước.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo cao trào dân chủ Đông Dương 1936-1939

Tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì, và nhận định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền (chống đế quốc, chống phong kiến để dành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân) không thay đổi, nhưng lúc này chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp. Yêu cầu cấp thiết trước mắt của nhân dân lúc này là tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Do đó, Đảng phải lãnh đạo thành lập mặt trận dân chủ công khai và rộng rãi, bao gồm các giai cấp, các tôn giáo, các đảng phái, các đoàn thể chính trị,… nhằm tập trung chống kẻ thù cụ thể, trực tiếp trước mắt là chủ nghĩa phát xít và bọn phản động ở thuộc địa Việt Nam để bảo vệ hoà bình, đòi thực hiện tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cho nhân dân. 

Thứ ba, Đảng lãnh đạo cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945

Ngay khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939), Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11-1939) để điều chỉnh chiến lược cách mạng với nội dung: Đặt nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, nhằm thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo và các cá nhân yêu nước để đánh đổ đế quốc và tay sai, dành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương. Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức đảng và quần chúng nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, chuyển hướng hoạt động về nông thôn, tránh sự đàn áp khủng bố của kẻ thù. 

Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), khẳng định chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 là đúng, và cử đồng chí Trường Chinh làm Bí thư Trung ương Đảng lâm thời. Tháng 02-1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã họp tại Pắc Bó (Cao Bằng), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì. Hội nghị này đã cụ thể hóa và hoàn thiện thêm một bước đường lối giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam. Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương và chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi nước. Tại Việt Nam, Hội nghị quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, gồm các đoàn thể cứu quốc trên cả nước. Hội nghị nhấn mạnh công tác chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm và dự kiến một số chủ trương, chính sách khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi. 

Tháng 8-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại diện của Việt Minh sang Trung Quốc để liên hệ với các lực lượng đồng minh quốc tế chống phát xít và vận động những người yêu nước ở nước ngoài tham gia cách mạng. Năm 1943, bản “Đề cương văn hoá Việt Nam” của Đảng được công bố, nhằm lôi cuốn các tầng lớp tri thức, văn nghệ sĩ cùng toàn dân tham gia phong trào cách mạng. Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 6-1944, Đảng Dân Chủ Việt Nam – một chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản tri thức yêu nước, tiến bộ đã ra đời. Đảng Dân chủ Việt Nam tham gia vào Mặt trận Việt Minh đã góp phần thúc đẩy mặt trận dân tộc thống nhất phát triển ngày càng sâu rộng. Đội du kích Bắc Sơn (ra đời từ Khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9-1940); Đội du kích Ba Tơ (ra đời từ Khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3-1945),… đã phát triển đấu tranh vũ trang. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng và cả căn cứ địa cách mạng, đều phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở khu Việt Bắc. Trên khắp cả nước, đâu đâu cũng diễn ra các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Qua các cuộc vận động cách mạng đó, Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm, hình thành các chủ trương, quyết sách, đồng thời đẩy mạnh xây dựng một cách toàn diện các lực lượng cách mạng (Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang, căn cứ cách mạng,…) gấp rút chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. 

Thứ tư, Đảng phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, dự kiến thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền

Từ đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc. Tại khu vực Đông Dương, do lo sợ quân đồng minh sẽ đổ bộ lên Đông Dương, Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương (vào đêm 09-3-1945). Ngay lúc đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), để đánh giá tình hình và ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị vạch rõ: Cuộc đảo chính Nhật – Pháp làm cho các điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Kẻ thù chính, cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật; phải nhanh chóng phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, đồng thời thực hiện khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa. 

Trước tình hình phát xít Nhật thẳng tay vơ vét, bóc lột, gây ra một nạn đói khủng khiếp và làm chết gần hai triệu người, Đảng kịp thời đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc của Nhật để cứu đói”. Khẩu hiệu đó đã lôi cuốn hàng triệu quần chúng, nhất là nông dân, đứng lên chống Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ giữa tháng 3-1945, cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành cao trào. Đến giữa tháng 8-1945, lực lượng cách mạng, bao gồm cả lực lượng chính trị và vũ trang, đã phát triển rộng rãi khắp nông thôn và đô thị. 

Ngày 13-8-1945, Chính phủ Nhật đã đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương lâm vào tình thế bị tê liệt. Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Trước tình hình đó, Đại hội quốc dân đã họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, thống nhất với chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương là nhanh chóng phát động toàn dân kịp thời đứng lên tổng khởi nghĩa, quyết tâm giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đại hội đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch để lãnh đạo tổng khởi nghĩa.

Mệnh lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban dân tộc giải phóng và lời kêu gọi cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Hồ Chủ tịch được các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Từ ngày 14 đến 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Chính quyền từ trung ương đến các địa phương đã thuộc về nhân dân Việt Nam. Ngày 02-9-1945, tại Quảng Trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng tuyên bố với nhân dân trong cả nước và các quốc gia trên thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời, có chủ quyền độc lập như mọi quốc gia khác trên toàn thế giới.

Ý nghĩa lịch sử vượt thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và các giá trị thời đại. 

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là một cuộc cách mạng đã phát huy và làm rạng rỡ truyền thống giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam 

Đây thực sự là một cuộc cách mạng lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử Việt Nam, bởi các yếu tố nội tại của nó, như: sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản với tư cách là đội tiên phong và đại diện tiêu biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân đồng thời của cả dân tộc Việt Nam; chính cương và tính chất dân chủ rộng rãi của các lực lượng tham gia Mặt trận Việt minh; quá trình vận động nội tại với các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1941-1945; sự tiến triển và chín muồi cũng như việc nắm bắt kịp thời thời cơ cách mạng; giành chính quyền bằng một cuộc tổng khởi nghĩa, chủ yếu mang tính chất đấu tranh chính trị, chứ không phải một kiểu bạo lực vũ trang; mục đích giành chính quyền được hoàn tất trong khoảng 15 ngày; bảo vệ được chính quyền và tiến hành xây dựng chế độ xã hội mới.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; trong đó nổi bật tính chất giải phóng dân tộc. Đây là một cuộc cách mạng có tính điển hình về tinh thần chủ động, sáng tạo, biết tranh thủ thời cơ chung, kịp thời tự mình đứng lên giải phóng cho mình, không đợi chờ ỷ lại vào lực lượng bên ngoài đất nước. Nó giành được chính quyền từ tay các thế lực thực dân, phát xít của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến; và quan trọng hơn bảo vệ được chính quyền trong tình thế ”ngàn cân treo sợi tóc” bằng cách “ứng vạn biến” với các thế lực thù địch và bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới do nhân dân là chủ và làm chủ. Thông qua đó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã kết tinh và làm rạng rỡ truyền thống giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, phát huy và làm rạng rỡ truyền thống anh hùng, đoàn kết và sáng tạo của toàn thể nhân dân Việt Nam 

Qua các cao trào cách mạng suốt từ những năm 1930-1931 đến năm 1945, các tầng lớp nhân dân Việt Nam được động viên, bồi dưỡng, phát huy và làm rạng rỡ truyền thống anh hùng, đoàn kết và sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Kết quả tiêu biểu là trong thời khắc phải chớp thời cơ lịch sử, khắp nơi nhân dân thể hiện được tấm lòng vì nước quên thân, nô nức tự vệ vũ trang, hừng hực khí thế sẵn sàng tổng khởi nghĩa và đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền. Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra với ý chí triệu người như một. Sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tại các địa phương gần như diễn ra đồng thời: Đầu tiên Tuyên Quang giành được chính quyền vào ngày 14-8; Hà Nội: ngày 19-8; Huế: ngày 23-8; Sài Gòn: ngày 25-8;…. Hà Tiên, tỉnh cực Nam của Tổ quốc, khởi nghĩa thắng lợi cũng trong thời khắc của tháng tám lịch sử năm 1945 (ngày 28-8-1945). Như vậy cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, được hoàn thành trong khoảng 15 ngày.

Thứ ba, mở ra khả năng thực hiện cuộc cách mạng dân chủ kiểu mới tại một nước thuộc địa – nửa phong kiến ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ dừng lại ở khuôn khổ của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tất cả các yếu tố chủ quan và khách quan của Cách mạng, như sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản, tính chất dân chủ rộng rãi của các lực lượng tham gia cách mạng, quá trình vận động của các cao trào cách mạng trong suốt 15 năm từ những năm 1930-1931 đến năm 1945 – đã tất yếu kết nối tính chất dân tộc với tính chất dân chủ nhân dân. Hơn nữa, những diễn biến lịch sử sau Cách mạng lại càng thúc đẩy và định hình tính chất dân chủ kiểu mới của cách mạng Việt Nam là: không đóng khung trong giới hạn một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, mà dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản, phát triển thành cuộc cách mạng dân chủ kiểu xã hội chủ nghĩa nhằm từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phá vỡ một mảng quan trọng của chủ nghĩa đế quốc tại khâu yếu nhất của nó là chế độ thuộc địa – nửa phong kiến; và mở ra thời kỳ sụp đổ, tan rã không cách gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới./. 

Nguồn: Đức Nguyễn ( Tạp chí Cộng sản )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *