Bên bờ hạnh phúc

Thông qua những tác phẩm, vai diễn, các nghệ sĩ luôn là người truyền cảm xúc mạnh mẽ đến cho công chúng, khơi dậy lòng yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong hai cuộc chiến trường chinh bảo vệ Tổ quốc. Cũng như nhiều người dân, những ngày này các nghệ sĩ đang hướng về biển đảo với tất cả sự quan tâm. Với họ, không có vinh dự nào bằng được thăng hoa trong nghệ thuật khi hướng về quê hương đất nước.

NSND Bạch Tuyết: Tuồng lịch sử Việt Nam – bài học cho kẻ xâm lược

 

Trong rất nhiều vai diễn của NSND Bạch Tuyết trên sân khấu, Thái hậu Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga) được xem là vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng khán giả. Không chỉ xây dựng được một hình ảnh tuyệt đẹp cho Thái hậu Dương Vân Nga – người đã luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia tộc, từng lời thoại của NSND Bạch Tuyết trong vai diễn còn ăm ắp cảm xúc và nội lực để truyền ngọn lửa tự hào dân tộc cho hàng triệu con tim của khán giả. Khi nhận vai Thái hậu Dương Vân Nga (ảnh), NSND Bạch Tuyết đã tìm về đền thờ của Thái hậu tại Hoa Lư để tìm hiểu những chi tiết lịch sử liên quan đến Thái hậu; lên Đền Hùng để chắt chiu cảm xúc cho nhân vật. Bao nhiêu năm trôi qua, giờ NSND Bạch Tuyết vẫn thuộc lòng từng câu thoại của Thái hậu Dương Vân Nga: “Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc, trong tim, trong trang sử Tiên Rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái…”. “Hãy nói với kẻ thù rằng kẻ vay xương máu cần phải trả bằng máu xương. Ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo”…

NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Thái hậu Dương Vân Nga đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc không thể nào quên. Tôi vẫn nhớ buổi biểu diễn phục vụ lãnh sự quán các nước tại Hà Nội và hơn 100 chiến sĩ vừa trở về từ biên giới phía Bắc. Tôi đã khóc ngay trên sân khấu khi nhìn những người chiến sĩ chân trần nhưng tràn trề khí phách, quả cảm. Mới đây thôi, cũng trong chuyến lưu diễn phục vụ khán giả tại Hà Nội, lớp diễn chưa đầy 20 phút của trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga đã được khán giả vỗ tay đến sáu lần. Tôi cảm nhận khán giả vỗ tay không chỉ cho nghệ sĩ chúng tôi mà vì từng lời thoại của nhân vật cũng chính là tâm can của người dân muốn gửi đến những kẻ đang lăm le, hung hãn dòm ngó nước ta. Điều rất đặc biệt của những vở tuồng lịch sử Việt Nam là không chỉ giúp nhiều thế hệ người Việt hiểu và tự hào về lịch sử của dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, mà những câu chuyện của tuồng lịch sử còn là bài học cho những kẻ xâm lược đã từng thất bại trong quá khứ. Trong cơn nguy cấp của đất nước, Thái hậu Dương Vân Nga đã dõng dạc khẳng định: nước Nam là của người dân Nam. Giặc đến ta sẽ đuổi chứ không đánh. Nhưng, nếu giặc vẫn quyết tâm xâm chiếm bờ cõi nước Nam thì người dân nước Nam sẽ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bờ cõi. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam là vậy, bao đời vẫn hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, nhưng một khi phải đối mặt với kẻ thù thì một gốc cây, ngọn cỏ cũng sẽ hóa thành chiến sĩ”.

NSƯT Tạ Minh Tâm: Dâng trào xúc cảm khi hát "Tổ quốc gọi tên mình"

NSƯT Tạ Minh Tâm biểu diễn cùng cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông (5/2011)

 

"Cách đây hơn hai năm, trong một chương trình ca nhạc về hải đảo, tôi đã hát bài Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Tôi không phải là người đầu tiên hát bài hát này và đó cũng không phải là bài hát đầu tiên tôi hát về đất nước, hải đảo của ta, nhưng bài hát lại mang đến cho tôi quá nhiều cảm xúc. Bài hát đó, không chỉ lời thơ hay, giai điệu đẹp, phối âm tốt mà còn mang đến một cảm xúc rất khó tả: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau…”. Đó là một cảm xúc tự hào về cha ông, tự hào về những người đang ngày đêm giữ từng tấc đất của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, khi tôi hát bài hát này tại Trường Sa, sự tự hào ấy dâng lên mà chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ấy bảo ông đã xúc động đến “rợn người”. Người ta nói tôi là người thể hiện ca khúc này rất thành công, tạo ra được sự lan tỏa. Tôi nghĩ, đó là vì cảm xúc dâng trào của tôi đã quyện được vào bài hát. Ngoài cảm nhận về một giai điệu đẹp, cảm xúc của tôi còn là cảm xúc của một con dân nước Việt. Có thể bài hát này, trong một hoàn cảnh khác hay thời điểm khác, sẽ không mang cho tôi cảm xúc đó, nhưng tại đó và trong những ngày chúng ta ra sức giữ gìn biển đảo, nó khiến tôi xúc động mạnh mẽ.

Những ngày này tôi cũng đang theo dõi tình hình, bức xúc và lo lắng. Tôi – cũng như bao văn nghệ sĩ khác, sẽ chuyển tải tình cảm của mình vào các bài hát. Tôi đã ba lần được hát ở Trường Sa. Sau mỗi lần hát, cảm xúc lại dâng lên gấp nhiều lần. Tôi ngưỡng mộ các chiến sĩ, tôi hiểu được nhiệm vụ nguy hiểm và cảm nhận được sự trung kiên của họ. Các chiến sĩ đã cho chúng tôi thấy là họ, những người trẻ, sẵn sàng hy sinh khi đất nước có sự cố. Hãy yên tâm, biển đảo Việt Nam đang có họ!

Chúng ta thường thấy ở nhiều nước trên thế giới, khi đất nước có sự cố, văn nghệ sĩ luôn trở thành một lực lượng thống nhất. Việt Nam cũng vậy. Điều quan trọng là cần phải có nhiều chuyến đi đến Trường Sa hơn nữa, để những gì mà ngày đêm các chiến sĩ đang làm được mọi người hiểu đúng. Khi ấy, họ – nhất là những người trẻ nói chung và ca sĩ trẻ nói riêng, sẽ thấy niềm tự hào trào dâng mỗi khi hát về đất nước, biển đảo như tôi".

Diễn viên Thiên Bảo: Tự hào được truyền cảm xúc cho mọi người

 

"Những ngày này, đi đâu tôi cũng nghe anh em nghệ sĩ, bạn bè sục sôi vấn đề biển đảo. Nhiều người đã nói quyết liệt, nếu Tổ quốc lâm nguy, họ sẵn sàng lên đường đến đầu sóng ngọn gió. Nhiều khi chúng ta lầm tưởng giới trẻ ngày nay sống vội, nghĩ vội. Đối với tôi, đã từng thể hiện những vai người lính trong những bộ phim về chiến tranh như Huyền thoại 1C và mới đây là Cao hơn bầu trời, được gặp gỡ nhiều nhân chứng sống, tôi thấm thía thế nào là tinh thần, sức mạnh, ý chí quật cường của những người lính. Họ cũng là những sinh viên, công nhân, nông dân bình thường, nhưng khi đất nước cần là chung sức chung lòng xung phong ra trận; chấp nhận hy sinh bản thân, hạnh phúc gia đình để được quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những gian khổ tái hiện trong phim chỉ là phần rất nhỏ, không thấm vào đâu so với sự thật khốc liệt. Điều khiến tôi tự hào là đã góp được phần nào đó trong việc truyền cảm xúc cho mọi người; được tái hiện những hình ảnh, chiến công của những người anh hùng dân tộc.

Càng hóa thân nhiều, viếng thăm nhiều những trận địa pháo, những di tích lịch sử, tôi càng nể phục hơn những điều phi thường mà cha ông ta đã làm. Những cảm xúc đẹp, tình yêu lớn dành cho Tổ quốc có thể ngủ yên đâu đó trong những năm tháng chúng ta sống thanh bình, nhưng sẽ bùng cháy mạnh mẽ và hóa thành ngọn lửa bừng bừng khí thế chiến đấu khi cần thiết. Thế hệ trẻ vẫn đang đồng sức đồng lòng hướng về Tổ quốc".

Nhạc sĩ – NSƯT Thế Hiển: Tôi viết Vỏ ốc biển vì Trường Sa

 

Có lẽ hiếm nhạc sĩ nào có “cái chân đi” như nhạc sĩ Thế Hiển. Lăn xả đến nơi nào ông cũng “cháy hết mình” cho những bài hát truyền cảm xúc. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông ngồi trầm ngâm ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Không quên được cảm giác xúc động thiêng liêng khi nghe ông ôm đàn hát ca khúc Hát về anh bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), lắng lòng rưng rưng trước những giai điệu bừng cháy, hào hùng ở Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập (tỉnh Điện Biên)…

Năm 1983, khi đến thăm đặc khu Quảng Ninh, ông đã sáng tác ca khúc Hát về anh. Khi thăm lại mặt trận 479 tại Siem Reap (Campuchia), ông đã viết ca khúc Nhánh lan rừng. Lịch sử và chiến tranh đã đi qua, nhưng ký ức và cảm xúc như không bao giờ cũ trong sâu thẳm tâm hồn của người sáng tác. Để rồi gần 20 năm sau bài hát Nhánh lan rừng, nhạc sĩ Thế Hiển đã viết tiếp Ký ức nhánh lan rừng sau chuyến về thăm Khu di tích Trung ương Cục miền Nam. “Bất cứ chuyến đi nào cũng cho tôi những kỷ niệm và cảm xúc thấm đẫm trong tâm tư và suy nghĩ của một người sáng tác”. Và, những cảm xúc đó ông chuyển tải lại cho đời, cho người đều rất đẹp.

Mới đây, ông cũng đã cho ra đời ca khúc Vỏ ốc biển, sau chuyến thăm Trường Sa. "Tôi vẫn nhớ mãi những buổi lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma và nhà giàn DK, khi vòng hoa tưởng niệm được thả xuống cùng những đóa hoa cúc, khi ba hồi còi tiễn biệt vang lên và con tàu tiếp tục hải trình, vòng hoa và chuỗi dài những đóa hoa cứ quyện vào thân tàu như không muốn rời xa đã cho tôi một rung động sâu sắc. Rồi lần đoàn công tác đến thăm đảo Đá Tây, một chiến sĩ hải quân đã tặng tôi bộ ốc biển rất đẹp làm kỷ niệm. Tôi rất xúc động và khi trở về tàu HQ936, tôi đã hình thành chủ đề ca khúc mới Vỏ ốc biển. Sau một tuần trở về đất liền, tôi hoàn thành ca khúc này và mới đây là ca khúc Biên cương biển đảo biên phòng” – nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ. Ông bảo, đây cũng là tình cảm, sự cảm phục của ông trước nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc đã giao phó cho các anh chiến sĩ bộ đội cụ Hồ. Đó là nhiệm vụ của chính ông và các nghệ sĩ khác: làm chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Diễn viên Trung Dũng: Vai diễn cho tôi hiểu thêm về sự hy sinh

DV Trung Dũng trong phim Chuyện tình biển xa

 

"Khi nghe thông tin về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, về chuyện Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép, tôi nhớ nhiều về quãng thời gian đóng phim trên giàn mỏ Bạch Hổ trong bộ phim truyền hình Chuyện tình biển xa (TFS sản xuất năm 2001, Lê Đức Tiến đạo diễn). Bộ phim này tính đến giờ có lẽ là phim truyện duy nhất ghi hình ở khu vực đặc biệt này. Phim quay mất bốn-năm tháng, trong đó có một tuần cả đoàn phim làm việc trên những giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ. Từng đóng phim trong nhiều điều kiện địa hình đặc biệt, nhưng cảm giác ở giữa trời biển bao la như thế khác hơn hẳn. Ở đây, mỗi công trình có độ cao cách mặt biển 50m. Dù đã được các nhân viên, kỹ sư cảnh báo nhưng trong một cảnh quay, suýt chút nữa tôi đã bị rớt xuống biển vì sức gió của cánh quạt máy bay quá mạnh, tôi vừa đặt chân xuống đất đã bị gió thổi hất ra xa.

Trong phim, tôi còn nhớ có cảnh nhân vật Hải phải chui vào hầm lọc dầu để kiểm tra. Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ đặc biệt, đeo thêm mặt nạ dưỡng khí, chỉ là đóng phim thôi mà đã thấy nguy hiểm, vất vả, nên tôi càng phục những kỹ sư làm việc nơi đây. Sống và làm việc giữa hàng vạn tấn dầu, hàng triệu tấn khí dễ cháy nổ, xa đất liền, là một sự hy sinh không nhỏ. Ban ngày hóa thân thành nhân vật, ban đêm được trở về là chính mình nhưng vẫn trong cùng khung cảnh, bối cảnh đó quả là hai cảm xúc khác hẳn. Một bên là cảm giác tự hào vì qua vai diễn, phần nào chúng tôi giúp người xem hiểu thêm về một ngành nghề đặc biệt gắn với việc khẳng định chủ quyền quốc gia và một bên là cảm giác cô độc, bé nhỏ của con người khi đứng giữa biển trời bao la.

Cuối tháng Năm này, khi quay phim Lạc giới, đoàn chúng tôi đã lên kế hoạch và liên hệ xin phép để đi thăm quần đảo Trường Sa. Được đặt chân đến Trường Sa là một trong những niềm ao ước từ lâu của tôi".

Nguồn: Vân Hà – Giang Nhu ( Phunuonline )

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *