Bên bờ hạnh phúc

Nhân mùa “Bông sen” sắp về, trong các cuộc nói chuyện bàn nước, tôi cũng bẻ lái sang đề tài điện ảnh một chút…và tôi thấy các khán giả nhà ta có những cách nhìn nhận thật “đặc biệt” đối với phim nội.

1. Phim Việt trước đây thoại hay, nhưng bị cứng, không cho người ta cảm giác “sống thật”, xem phim mà cứ như đang xem diễn viên đọc tuyên ngôn giùm tác giả. Vấn đề đó hiện nay, đạo diễn trẻ, những người từng là khán giả, lớn lên với điện ảnh Việt Nam đã chịu khó khắc phục. Nhưng điện ảnh, nhất là truyền hình bây giờ, lại nảy sinh một vấn đề mới, còn khó chịu hơn: thoại nhảm. Phim 40 phút một tập, diễn viên cứ đấu qua đấu lại với nhau kiểu chửi lộn, tán tỉnh hay tranh luận chuyện trời mây gì đó chừng 5 phút, mỗi tập có đến 3- 4 lần như thế. Cái kiểu đang được tung hô là sinh động, tự nhiên, đầy chất liệu sống này có đúng một chức năng là… “câu giơ”̀, làm giàu cho nhà sản xuất”.

Bạn bè nói lại với tôi: “Phim giải trí mà, câu nệ làm gì?”. Tôi hơi buồn, “thế giải trí thì được quyền bá láp, được quyền vô nghĩa à?" Họ cũng cười xòa thôi, “thì, đó là… phim Việt Nam mà”.

 

Phim Chơi vơi

2. Chuyện xảy ra với Chơi vơi tuần rồi. Một nhóm bạn đi xem về gọi ngay cho tôi, mắng: “có thấy đồng tính gì đâu”. Tôi nhớ là mình chưa bao giờ đề cập đến hai chữ “đồng tính” khi nói về phim này. Thôi thì do báo, báo thì cần bán, phim thì cần PR, gặp nhau đúng cái chỗ ngứa “đồng tính”, cứ “gãi” mãi trước mắt khán giả, dù đạo diễn đã khẳng định răp rắp, rằng: “đây không phải là phim đề tài đồng tính”. Mình cũng là dân viết báo, coi như mình đã “quảng cáo” dỏm vậy, nhận lỗi, và tôi hỏi tiếp: “Thế có thích những cái còn lại của phim không?”. “Chả thích cái gì cả”. “Cái nào chả thích nhất?”. “Chả biết”. “Thế vì sao chả thích?”. “Thấy sao sao?”. “Sao sao là sao?”. “Nói chung là… không biết”.

Không thích thì chỉ là không thích “nói chung” thế thôi. Nếu đòi hỏi họ phải phân tích cho tường tận thì suy cho cùng cũng không đúng chức năng. Nhưng, ở mức thấp nhất thì khán giả cũng phải là những người có chính kiến, có nhận thức rõ ràng về cái mình tiếp nhận, trước khi anh nhà phê bình kia gõ vào đầu bằng những cơ sở lý luận, kiến thức điện ảnh… Cứ câu “phim Việt Nam mà” phang tới không lý do, thì cũng… oải cho phim nước mình quá.

3. Nói về điện ảnh truyền hình, thời đầu những năm 2000, trong những cuộc bàn luận về phim Việt, người ta tụ lại, nói đầy bức xúc, đề tài cũ, tình huống giả, thoại giả, diễn viên diễn dở… Họ khen phim Hàn. Biết được điều này, các đạo diễn nhà mình cũng cố tình làm theo kiểu lâm ly, hay tình huống của mấy anh chị đã thành công trong Anh em nhà bác sĩ, Cảm xúc, Hoa hướng dương… Lúc đó thì thì tiếp tục bị khán giả ý kiến (trên báo), bảo là… “lai căng”.

Đến khi các nhà sản xuất đi kiếm phim Mỹ, Tây Ban Nha, Ý ăn khách trên toàn thế giới, mua bản quyền về Việt hóa hẳn hoi, sản xuất để làm thỏa lòng mê điện ảnh của khán giả nhà mình (tôi nghĩ cũng là chiều hết cỡ rồi). Hỏi là hay không? Khen thì họ cũng có khen, nhưng vẫn phàn nàn là “sao mà chỉ biết mua của người khác mà không biết tự viết của mình”… Cứ cho là nghệ sĩ nhà mình tài mọn hơn nghệ sĩ nhà người ta đi, trong thời gian họ tiến bộ hơn, thì tôi xin các anh khán giả (đã xem phim Tây, phim Tàu, phim Hàn nhiều) thì bây giờ xem lại xem mình đã thực sự công tâm với công sức bỏ ra của người làm phim của “nhà mình” chưa?

LHP Việt Nam lần thứ 16 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 12-12-2009 tại TP.HCM. Tham dự có 99 phim gồm các thể loại: truyện nhựa, hoạt hình, tài liệu… của 29 hãng phim.

Các anh nói là Bùi Thạc Chuyên làm Chơi vơi là đi sau hàng loạt đạo diễn danh tiếng khác, đi sau Trần Anh Hùng, nhưng thật sự, nghĩ lại, tôi vẫn thấy phim có lợi thế cạnh tranh của nó trong cùng một dòng phim ở Việt Nam. Đó là tác phẩm của tác giả, đạo diễn người Việt thể hiện, diễn viên Việt Nam diễn xuất… gì thì không cần biết, nhưng trước hết, nó gần gũi với mình, nói câu chuyện của mình, tâm hồn của mình, tiếng nói của mình… thì cũng có cái đáng giá của nó chứ.

Mình có thể bỏ cả ngày Chủ nhật để ngồi cà phê nói chuyện chơi, mình có thể bỏ cả ngàn đô để mua một cái túi xách… thì tiếc làm gì 50.000 và 2 tiếng đồng hồ để xem một sản phẩm của người đồng hương? Tôi nghĩ tới rạp coi thử, để biết trình độ làm phim của người Việt Nam tới đâu rồi mà “người Tây” khen vậy? Xem xong, hoặc là mình sẽ được dịp bĩu môi, sao mà “gu” của Tây này kém quá, mình chê mà họ thì khen nức nở. Hoặc may mắn, nếu đồng cảm được thì mình sẽ thấy yêu nước mình, con người Việt Nam mình hơn qua một tác phẩm điện ảnh hay. Biết đâu đấy.

Đỗ Duy – Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *