Bên bờ hạnh phúc

Thực tế hiện nay, ca khúc cho phim truyền hình Việt mới chỉ thiên về lượng và đạt được sự phổ biến nhờ các phương tiện thông tin. Còn về chất, hầu hết các ca khúc mới mang tính chất "minh họa" cho phim là chính, nhàn nhạt, không để lại nhiều dấu ấn.

Đã khá lâu, khán giả truyền hình và những người yêu nhạc không được đón nhận những ca khúc trong phim thật đặc sắc, có thể tách hẳn bộ phim để nhập vào đời sống âm nhạc cả nước. Một Chị tôi khiến người không còn nhớ nội dung phim Người Hà Nội vẫn còn hát mãi, đâu rồi Những nẻo đường phù sa, bài hát được đánh giá là "nối được bước của dòng nhạc cách mạng"? Đất phương Nam lai láng chất dân ca Nam Bộ của Lư Nhất Vũ đã làm nên tên tuổi người hát Tô Thanh Phương? Hay như những ca khúc viết cho phim truyền hình của nhạc sĩ Xuân Phương được giới trẻ yêu thích từ bấy đến giờ như Mong ước kỷ niệm xưa (phim Xin hãy tin em), Lời chưa nói (phim Phía trước là bầu trời), Lời ru cho con (phim Của để dành). Rồi đến những bản nhạc trẻ như Giã từ dĩ vãng trong phim cùng tên đã góp phần gây dựng hình ảnh ca sĩ Phương Thanh, Cô Tấm ngày nay (phim Chuyện nhà Mộc)….

 

Mỹ Linh – ca sĩ thể hiện ca khúc Chị tôi trong phim Người Hà Nội.

Dường như, phong cách sáng tác ca khúc cho phim truyền hình của các nhạc sĩ đã đổi khác. Nếu như trước đây, các nhạc sĩ được đặt hàng sáng tác nhạc phim, tự lấy một ca khúc của mình làm nhạc chủ đề cho phim, có thể ca khúc không liên quan lắm đến nội dung phim, nhưng lại có thể tách ra đứng độc lập, thậm chí ăn khách. Bây giờ, các ca khúc trong phim đều được đặt hàng theo kiểu "ăn xổi", có phim đến vài bài, bài nào nghe cũng thấy liên quan đến phim, nhưng khi phim kết thúc thì ca khúc cũng đi vào quên lãng.

Nhạc cho phim truyền hình hiện nay theo ý kiến chung là ít ấn tượng, mục đích không rõ ràng, dàn trải. Người xem lắm khi có cảm tưởng nhạc xuất hiện trong phim chỉ là một sự "trang trí" cho đủ thành phần. Có thể thấy nhạc xuất hiện quá nhiều, lấn lướt cả lời thoại khiến người xem cảm thấy khó chịu vì không nghe rõ lời thoại của nhân vật. Mặt khác, nhạc phim truyền hình hiện giờ không rõ ý đồ của người làm nhạc, minh họa không ra minh họa, khắc họa tính cách nhân vật cũng không hẳn, gợi ý cho người xem sự liên tưởng lại càng không… như thể chỉ "làm cho có". Những đoạn nhạc vụn vặt, mờ nhạt về ý đồ, loãng về màu sắc và dễ dãi về ngôn ngữ xuất hiện khá tùy tiện.

 

 Nhạc sĩ Bảo Phúc – Tác giả của Những nẻo đường phù sa. Ảnh: sưu tầm

Âm nhạc cho phim chỉ có giá trị khi nó hài hòa, nhuần nhuyễn với tác phẩm điện ảnh, phục vụ đắc lực nhất cho khả năng cảm thụ của người xem đối với phim, chứ không phải chỉ để nghe cho vui tai. Chính vì vậy, bài hát trong phim cần phải góp phần gợi mở thêm cảm xúc, khả năng liên tưởng cho người xem. Khi màn ảnh khép lại, cùng với nội dung bộ phim, âm điệu bài hát vẫn du dương trong tâm trí khán giả.

Theo ý kiến của các nhạc sĩ viết nhạc cho phim có tên tuổi thì nhạc phim nên định hướng vào tình huống và tính cách. Nhạc tình huống là nhạc gây không khí, gợi ý người xem lĩnh hội đầy đủ nội dung của những tình huống bằng âm nhạc. Lâu nay, chúng ta vẫn thiên về lối làm nhạc tình huống, nhưng lại quên mất nguyên tắc: Chỉ để âm nhạc xuất hiện khi bản thân ngôn ngữ hình ảnh chưa nói hết được. Rất nhiều khi nhạc sĩ đã cho âm nhạc hiện diện ở những tình huống mà bản thân hình ảnh đã diễn ra thấu đáo.

 

 Đất phương Nam lai láng chất dân ca Nam Bộ của Lư Nhất Vũ đã làm nên tên tuổi người hát Tô Thanh Phương. Ảnh: sưu tầm

Ca khúc cho phim truyền hình để ghi được dấu ấn trong lòng khán giả không phải dễ, nhất là có được ca khúc hay, có thể đứng riêng tách ra khỏi bộ phim thì càng khó. Mặc dù thế, người yêu truyền hình, yêu âm nhạc Việt Nam vẫn lạc quan chờ đợi ở sức sáng tạo, niềm đam mê chân chính của các nhạc sĩ…

Giã từ dĩ vãng trong phim cùng tên đã góp phần gây dựng hình ảnh ca sĩ Phương Thanh. Ảnh: sưu tầm

Theo suckhoedoisong

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *