Bên bờ hạnh phúc

Cuộc sống có rất nhiều thân phận mà khi thoáng nhìn người ta cứ tưởng họ đang ngập tràn trng màu hồng hạnh phúc, nhưng kỳ thực ở họ luôn có những nỗi niềm riêng.

Nghệ sĩ cũng vậy, họ gọi tên nó là cô đơn và cay đắng mà Công Ninh là một ví dụ điển hình. Anh luôn cảm thấy đằng sau thành công trong sự nghiệp là một cuộc đời với khoảng chơi vơi vô tận.

Đôi khi, cuộc sống không cho bạn chọn lựa điều mình yêu thích…

Hình như đã lâu rồi khán giả không còn được xem một Công Ninh sắc sảo trong vai trò đạo diễn sân khấu, thay vào đó người xem thấy anh xuất hiện trên phim truyền hình nhiều hơn. Phải chăng anh không còn cảm hứng với nghề tay phải của mình?

Như bạn thấy đấy những sân khấu kịch đang ăn nên làm ra, giờ đây, mỗi năm cũng chỉ cho ra mắt một hoặc hai vở diễn mới đủ sức chinh phục khán giả. Nguyên nhân xuất phát từ hai vấn đề lớn, đó là thiếu hụt kịch bản hay và thiếu cả lực lượng diễn viên. Trong bối cảnh “nhà nhà, người người” làm phim truyền hình thì tất cả bị cuốn vào cơn lốc này. Việc một diễn viên, dù không phải là ngôi sao, cùng lúc quay đến 2, 3 phim đang trở thành điều bình thường. Trong cường độ làm việc đó họ lấy đâu ra thời gian và công sức để mà bận tâm đến những việc khác.

Nhưng vì sao họ lại thích làm phim?

Cát – xê mỗi tập phim truyền hình không cao nhưng nhiều tập phim của nhiều phim cộng lại vẫn hấp dẫn hơn nhiều do với làm sân khấu. Hơn nữa, với các diễn viên trẻ, việc xuất hiện trên truyền hình là cơ hội để hình ảnh của họ lan rộng trong công chúng. Cuộc sống đôi khi không cho bạn sự lựa chọn điều mình yêu thích. Tôi không thể ngồi lặng lẽ và hy vọng cơn sốt này qua đi để mình có thể sống với sân khấu. Để tồn tại tôi không thể tự trách mình khỏi xu hướng chung. Tôi đi làm phim vì một nghệ sĩ không thể rời xa nghiệp diễn và cũng vì miếng cơm manh áo.

 

Theo anh, cơn sốt làm phim truyền hình hiện nay mang đến điều gì tích cực cho điện ảnh Việt Nam?

Theo nhận định của cá nhân tôi, nhịp độ làm phim truyền hình hối hả có cả hai mặt tích cực lẫn nhiều điều chưa được. Đã có một thời gian dài giới trẻ xứ mình bị ảnh hưởng quá sâu của truyền hình Hàn Quốc từ phong cách ứng xử đến thời trang. Lượng phim Việt Nam nở rộ phần nào đó kéo các bạn trẻ trở lại với giá trị của dân tộc và dần dần bớt chạy theo phong cách nước ngoài. Tuy nhiên, do nhu cầu diễn viên nhiều nên việc tuyển lựa trở nên dễ dãi. Ngay cả các bạn sinh viên năm nhất trường sân khấu điện ảnh có chút sắc vóc đã được chọn mặt gửi vàng. Vì vậy, nhiều diễn viên không đầu tư nghiêm túc cho nghề nghiệp và đương nhiên nhiều phim không đạt được chất lượng mong muốn.

Môi trường luôn mang tính quyết định đến tính cách con người hay cụ thể hơn là ảnh hưởng đến thái độ sống của mỗi người. Trong bối cảnh làm phim quá vội vã như ngày nay khiến diễn viên quá dễ để trở thành người nổi tiếng. Phải chăng khái niệm lao động nghệ thuật nghiêm túc để đạt được sự thăng hoa trong nghiệp diễn không còn tồn tại?

Ý kiến cá nhân tôi thấy rằng, ngày nay có sự song hành hai dạng diễn biên. Dạng thứ nhất xem nghề diễn là đam mê, là máu thịt. Dạng còn lại chỉ đến với điện ảnh vì mục đích nổi tiếng. Với những diễn viên có đam mê dù họ phải đóng phim liên tục nhưng mỗi vai diễn họ nhận được, đều có sự đầu tư và trăn trở đào sâu vào tính cách nhân vật. Còn lại nhiều diễn viên thích cưỡi ngựa xem hoa, có ưu thế hình thể nhưng quá hời hợt trong diễn xuất. Quy luật đào thải trong nghệ thuật thời nào cũng khắc nghiệt. Người ta chỉ trao anh cơ hội ban đầu, còn trụ được với nghề hay không do anh quyết định. Bằng chứng có nhiều bạn trẻ xuất hiện chóng vánh rồi cũng nhanh chóng mất hút. Suy cho cùng, tôi nghĩ tài năng vẫn là yếu tố cốt lõi để diễn viên có thể đi trên hành trình nghệ thuật dài vô tận.

Theo anh nếu tình trạng làm phim như hiện tại kéo dài, phim truyền hình Việt Nam sẽ rơi vào sự khủng hoảng chất lượng?

Tôi cho rằng đây là thời kỳ quá độ của phim truyền hình Việt Nam trước khi nó thực sự trưởng thành và lớn mạnh. Tự thân các hãng phải biết cách làm sao để đảm bảo sức hấp dẫn cho sản phẩm của mình để cạnh tranh với các hãng khác. Có thể sắp tới đây, các hãng sẽ mở những lớp đào tạo chuyên nghiệp, đầu tư mạnh vào trang thiết bị. Tới lúc đó, nền điện ảnh Việt Nam sẽ tiến lên bước chuyên nghiệp như các quốc gia lân cận. Tôi luôn có niềm tin đến một thời điểm nào đó khán giả Việt Nam sẽ hài lòng hơn với phim Việt.

 

 

 

Tôi mượn tiếng cười để xóa bớt phần nào u uất…

Anh được biết đến là một trong những nghệ sỹ tài năng nhưng nghèo. Dạo gần đây anh đóng phim nhiều, điều này có giúp cho cuộc sống của anh dễ thở hơn?

Thú thật thu nhập của tôi có tốt hơn so với một vài năm trước nên sinh hoạt cũng có phần thoải mái hơn. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc vẫn là được khóc cười với nhân vật.

Nhưng vì sao thi thoảng người ta vẫn bắt gặp anh ngồi đâu đó một mình trong trạng thái suy tư?

Cuộc đời mà bạn, có lúc vui ắt phải có buồn. Có lúc ngẫm lại thấy cuộc đời tôi chẳng khác mấy với những số phận nhân vật bất hạnh mà tôi đảm nhận. Tôi thành công trong công việc nên may mắn được công chúng biết đến, nhưng trong tôi luôn cảm thấy điều gì đó không vững chắc. Tôi thích tìm một góc yên tĩnh để suy niệm về cuộc đời. Tôi thường đặt ra câu hỏi hạnh phúc thực sự trong cuộc đời này là gì? Rồi mỗi đêm trở về căn phòng trống vắng sau giờ diễn một mình tôi tiếp tục ngập sâu trong mớ hỗn độn của sự nghĩ suy. Bạn thử nghĩ xem một gã đàn ông trung niên như tôi mà vẫn không có sự đảm bảo về vật chất, phải chăng là một sự thất bại?

 

Người thân, bạn bè và đồng nghiệp… có ai trong số họ là người tri âm sẵn sàng chia sẻ bớt những ưu phiền cùng anh?

Nếu để ý bạn thấy tôi cũng nhận những vai diễn có chất hài. Tôi muốn mượn tiếng cười của nhân vật để phần nào xóa bớt những u uất, trầm mặc trong đời thật. Có khi tự mình không thể tiêu hóa nỗi buồn tôi rủ các banh diễn ra một quán vỉa hè nào đó ngồi nhâm nhi trò chuyện vào lúc nửa đêm về sáng. Lúc đó, tôi lắng nghe câu chuyện vui của họ để vui lây và cũng nghe nỗi buồn của họ để tìm sự đồng cảm.

Được biết có rất nhiều phụ nữ giàu có sẵn sàng đến với anh vì họ quý trọng tài năng của anh. Nhưng vì sao anh không tận dụng cơ hội cho mình?

Tình yêu không phải là thương vụ bán mua hay đổi chác. Bạn có hạnh phúc không nếu sống với một người mình không yêu dù họ có nhiều tiền. Tôi đoán chắc nhiều người đồng tình với tôi, nếu tôi nói rằng sẽ là một sự sỉ nhục khi một người đàn ông phải lệ thuộc vào sự chở che của phụ nữ. Tôi nghèo nhưng tôi có sĩ diện và lòng tự trọng.

Đã có điều gì khiến anh e sợ tình yêu?

Tôi đã hy vọng rất nhiều trong tình yêu nhưng rồi bỗng chốc mọi thứ vuột mất khỏi tầm tay mình. Điều này giống như bạn đang viết một cuốn sách đến hồi cuối thì nó bị bốc cháy. Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến việc phải ngồi xuống viết lại từ trang đầu của cuốn sách ấy tôi cảm thấy ngán ngẩm vô cùng. Tôi e rằng mình không còn đủ sức.

 

 

 

Điều này có phải là sự thật khi mà bên cạnh anh giờ đây có một người phụ nữ trẻ yêu anh bằng tất cả tấm chân tình?

Có một người con gái đẹp người, đẹp nết đã đến với tôi. Tôi cho đó là một niềm an ủi lớn. Nhưng bạn biết không, trong tôi vẫn mông lung một câu hỏi: Tôi có thực sự mang lại hạnh phúc cho người ấy khi tuổi quá chênh lệch? Tôi sợ rằng rồi đây tôi sẽ làm khổ cô ấy. Mà tôi thì sẽ càng đau khổ hơn nếu phải chứng kiến người phụ nữ của mình đau khổ.

Cứ giả định rằng anh sẽ sống độc thân đến trọn đời. Thế thì 30 năm sau lão nghệ sỹ Công Ninh sẽ tìm sự an lạc trong một ngôi chùa hay an nhiên tự tại vui thú điền viên trong một căn nhà bao quanh bởi một vườn cây rộn tiếng chim hót ở một nơi xa phố thị?

Tôi cho rằng những ai quá tuyệt vọng trong cuộc sống mới đi tìm sự che chở nơi cửa Phật. Tôi có những nỗi buồn âm ỉ nhưng chưa đến mức phải lãng quên cuộc đời. Nếu được lựa chọn tôi sẽ chọn một ngôi nhà yên bình để khi cần bạn bè tôi có thể ghé qua hàn huyên tâm sự để sống lại với những ký ức đẹp của một thời đã qua…

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện.

Theo Mỹ Thuật, 24h

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *