Bên bờ hạnh phúc

Nhưng họ vẫn lao động miệt mài với thu nhập chẳng nhiều nhặn gì và lý giải chỉ bằng hai chữ “đam mê”, họ là những người chuyên đóng vai quân sĩ, những nữ cascadeur và các vũ công múa lân sư rồng. Những câu chuyện nghề nghiệp của họ cho thấy nhiều ngả đường khác nhau của nghệ thuật, nhiều khi rất thầm lặng.

Trên sân khấu, vở tuồng vào cao trào: Võ Tòng đả hổ trên núi Cảnh Dương. Người và hổ vờn nhau rồi lao vào trận kịch chiến. Chiếc gậy trên tay Võ Tòng huơ vun vút điệu nghệ, chúa sơn lâm uốn mình tránh, nhảy lên vồ người thật dũng mãnh… Khán giả vỗ tay rào rào. Cánh màn nhung khép lại, mọi người tấm tắc: “anh chàng đóng vai Võ Tòng hay quá, múa cảnh đánh hổ rất đẹp…” chứ chả mấy ai nhớ đến động tác vờn lượn, lộn người, vồ chụp rất “nhà nghề” của… con hổ.

Quân sĩ (áo xanh), không thể vắng mặt trong chương trình cải lương tuồng cổ

Quân sĩ cũng phải có “nghề”

Mà nếu thiếu một con hổ “chuyên nghiệp” bắt Võ Tòng phải “thi triển” đủ động tác vũ đạo khó và đẹp mắt thay vì chỉ huơ huơ lấy lệ thì chắc gì hình ảnh Võ Tòng đã lung linh như thế. Những người “làm nền” cho các “bậc anh hùng” trên sân khấu mà nhiều người vẫn khinh khỉnh gọi là “quân sĩ” ấy đã quá quen thuộc với sự “bất công” này và luôn bằng lòng với những đóng góp thầm lặng của mình.

Nhiều người quan niệm quân sĩ là dạng vai quần chúng chỉ cần khoác lên người bộ quần áo là ai cũng có thể làm được. Thực tế, nhiều chương trình sân khấu cải lương hiện nay rất phổ biến dạng “quân sĩ nghiệp dư” này (việc làm thêm khá lí tưởng cho các sinh viên hoặc những người làm việc theo thời vụ).

Vì thế việc bắt gặp anh quân sĩ mang kính cận (thậm chí đeo cả khẩu trang), một đội quân xông trận chỉ toàn những bác già da nhăn nheo hoặc nhân vật chính đang đau khổ khóc than mà anh lính hầu lại cười toe toét… trong các chương trình này (đặc biệt trên truyền hình) không còn là chuyện lạ, làm khán giả vừa buồn cười vừa khó chịu.

Nghề quân sĩ thực sự không hời hợt như thế, nó đòi hỏi sự khổ công rèn luyện và cũng lắm công phu. Lên sân khấu, quân sĩ cũng là một phần của tổng thể vở diễn, là một nghệ sĩ nên phải sắm tuồng (hóa trang) đàng hoàng, thể hiện đúng nhân vật dù chỉ là một anh lính theo hầu nhưng lính phe giặc và lính phe ta phải có những sắc thái biểu cảm, cách trang điểm khác nhau.

Ngày trước, chúng tôi rất chú trọng vấn đề này, chỉ cần vẽ mặt không kĩ, trang phục sơ suất chút thôi là có thể bị phạt trừ lương. Sân khấu cải lương ngày nay mất hay cũng một phần là do đã đánh mất sự chuyên nghiệp từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như quân sĩ không biết múa vũ đạo đã đành, nhiều người còn không cần trang điểm khi lên sân khấu”, anh Nguyễn Hữu Lộc, một “quân sĩ chuyên nghiệp”, có thâm niên làm nghề gần 30 năm, được xem là một trong những quân sĩ “cứng nghề” nhất còn lăn lộn với nghề, cho biết.

Để trở thành một quân sĩ chuyên nghiệp, trước khi có thể nhận được đồng lương chính thức, người học việc phải qua một thời gian thử nghề (thường là ba tháng) để chứng tỏ được lòng yêu nghề, tác phong đạo đức cũng như khả năng chuyên môn với việc rèn tập vũ đạo. “Bên cạnh việc được những người lớn chỉ dạy, kèm cặp thì mỗi người phải tự nỗ lực rèn luyện. Hàng ngày, chúng tôi đều say mê xem các cô chú diễn, quan sát những động tác vũ đạo của họ mà nhập tâm học hỏi.

“Nhiễm” được bao nhiêu thì tùy thuộc năng khiếu mỗi người. Nắm bắt nhanh chỉ cần nửa tháng là đã có căn cơ vũ đạo, nhưng có người chậm hơn thì mất cả tháng. Tuy nhiên đấy chỉ là những vũ đạo căn bản nhất bất đắc dĩ phải dùng trong một đêm diễn thì được. Chứ biểu diễn dài hơi trong những lớp vũ đạo tương đối phức tạp đòi hỏi sự phối hợp và ứng phó được tình huống ngoài kịch bản của các nghệ sĩ thì phải lăn lộn sân khấu nhiều và mất ít nhất khoảng 15 năm mới được cho là cứng nghề. Và nghề này không có điểm dừng, phải luôn học hỏi, luôn sáng tạo ra những miếng đánh mới đẹp mắt hơn để sân khấu hấp dẫn hơn. Cũng như người nghệ sĩ nếu tự bằng lòng với bản thân mình là không thể tiến bộ”, Hữu Lộc tâm sự.

Trên sân khấu tuồng cổ, quân sĩ “có nghề” rất được coi trọng, thậm chí không thua kém vị trí của nghệ sĩ, họ có thể cùng đạo diễn, biên đạo múa sáng tạo những màn biểu diễn vũ đạo cho vở tuồng. “Chúng tôi quan niệm mỗi người một vai trò không ai hơn kém ai. Anh là nghệ sĩ, anh ca diễn được nhưng lại không có vũ đạo. Còn tôi không có năng khiếu của người nghệ sĩ như anh nhưng tôi lại có vũ đạo, món không thể thiếu trên sân khấu tuồng cổ. Mỗi người làm tốt vai trò của mình cùng góp sức cho nghệ thuật, có vua chúa thì phải có quân sĩ, đấy mới làm nên tổng thể một vở tuồng. Đáng tiếc đó chỉ là chuyện của những ngày xưa, còn bây giờ ngay trong nội bộ nghệ sĩ cũng đã phân chia “đẳng cấp” nói chi đến quân sĩ như chúng tôi”, Lộc nói.

Hữu Lộc (bìa trái) cùng các "đồng nghiệp quân sĩ" trong một vở diễn

Sống bằng niềm đam mê

Hiện nay, có thể nói nhóm quân sĩ chuyên nghiệp cộng tác thường xuyên với nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) gồm Lộc, Thành, Linh, Sơn, Mẫn là có công việc ổn định nhất, đều đặn mỗi tuần một suất diễn. Những bữa đông khán giả thì anh em được một trăm ngàn đồng/người, những bữa vắng thì mỗi người nhận năm mươi ngàn, tháng nào có Vầng trăng cổ nhạc thì được trăm rưỡi mỗi người một trích đoạn, có quay tuồng thì cũng được cỡ chừng ấy.

Nếu tháng nào mà có tuồng quay đều (cỡ 6 tuồng) thì tổng thu nhập có thể từ 2 triệu trở lên, còn thường thì cùng lắm chỉ bảy, tám trăm ngàn một tháng. Quả thực chỉ có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu thì họ mới có thể gắn bó với cái nghề vốn bạc bẽo mà đồng tiền kiếm được lại nhọc nhằn và ít ỏi chừng ấy.

Năm 13 tuổi, Lộc đã xin vào đoàn Đồng ấu Bạch Long cùng bạn bè đồng trang lứa học nghề mong đeo đuổi nghiệp hát. Do không có giọng, ước mơ làm nghệ sĩ của Lộc không thành nhưng cải lương đã vận vào anh như một cái nghiệp (cả gia đình Lộc làm việc cho đoàn Minh Tơ và ngay từ nhỏ anh đã bị sân khấu, màn nhung cuốn hút hơn là những bài học ở lớp). Lộc chấp nhận một vai trò rất phụ: quân sĩ.

Tuy nhiên để sống được mà “trả nghiệp Tổ” thì dĩ nhiên Lộc không thể trông cậy vào đồng lương quân sĩ. So với các đồng nghiệp, Lộc thuộc hàng có thu nhập cao với khả năng khá toàn diện khi tham gia cả việc hậu đài, thiết kế sân khấu, làm đạo cụ (mũ mão, râu, vũ khí, phục trang sân khấu). Những người khác đều phải có nghề tay trái để sinh sống (đúng ra là nghề tay phải) như bán quần áo, chạy xe ôm, mở quán ăn, cho thuê đạo cụ sân khấu…

A.T là một trường hợp khác khi đang theo học cải lương tại Khoa Kịch hát dân tộc (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và chọn việc học “nghề quân sĩ” để rèn bản lĩnh sân khấu. Trong thời buổi mà các nghệ sĩ trẻ dễ ảo tưởng về chính mình và những học viên cải lương chỉ được đào tạo để đóng kép chính, đào thương thì hiếm lắm người chịu đi lên từ vai quân sĩ.

A.T cho biết: “Nhiều bạn học của tôi và cả những nghệ sĩ mới vào nghề đều quan niệm mình học hành đàng hoàng để đóng vai chính chứ không phải để làm quần chúng, quân sĩ. Họ xem việc đóng quân sĩ là mất mặt, là không xứng đáng. Tôi không nghĩ vậy, đây là môi trường để tôi rèn nghề. Từ khi làm quân sĩ cho nhóm Thắp sáng niềm tin thì bản lĩnh sân khấu, khả năng vũ đạo, diễn xuất… của tôi thực sự tiến bộ mà nếu chỉ học ở trường tôi đã không thể có được”. Và dĩ nhiên đây không phải là một nghề làm thêm lí tưởng vì tiền bồi dưỡng mà A.T nhận được sau mỗi suất hát thường không quá năm mươi ngàn đồng.

Quân sĩ cũng là một “nghề nguy hiểm”. Mỗi lần nhớ lại hai lần gặp tai nạn nghề nghiệp là Lộc lại thấy ớn. Lần ấy, trong vở Tiên đơn núi Vị của đoàn Minh Tơ, Lộc vào vai một con khỉ, khi nhảy băng qua một bức cảnh trí thì bị vướng lại và té gãy tay. Lần khác trong một suất hát chầu (hát cúng đình) có cảnh bay thì anh lại bị đứt dây té xuống. “Hát trên sân khấu mà đánh trúng nhau u đầu chảy máu là chuyện bình thường. Còn những tai nạn gặp phải khi “bay” cũng không hiếm…”, Lộc cười nói.

Có lẽ vì là “chuyện bình thường” nên chế độ bảo hiểm, bồi dưỡng cho quân sĩ khi đóng cảnh nguy hiểm là chuyện xa xỉ. “Thời sân khấu cải lương còn hưng thịnh, quân sĩ cũng ăn lương công nhật nhưng sống khá thoải mái vì ngày nào cũng hát mà hát nhiều suất nữa. Đoàn hát nào cũng có 8 – 10 quân sĩ chuyên nghiệp. Hiện nay, cải lương khó khăn quá, chỉ còn lại khoảng 20 anh em được xem là có nghề nhưng lại tứ tán khắp nơi và cũng không còn mấy người đeo đuổi cải lương. Tôi đã hơn 40 tuổi rồi mà vẫn được xem là “thế hệ trẻ”. Có lẽ sắp tới vũ đạo như một trình thức biểu diễn sân khấu giàu ước lệ và đẹp mắt của thế hệ chúng tôi có lẽ sẽ không còn hợp thời khi hiện nay vũ đạo các em học từ trường lớp lại nghiêng về nghệ thuật múa…”, Lộc trầm ngâm.

Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *