Tham gia gần 30 phim truyền hình, Giám đốc Mạnh của 'Ván cờ tình yêu' hay vị bác sĩ Khoa Nguyên trong 'Lời thề danh dự'… dường như được khán giả nhớ qua những vai diễn phản diện nhiều hơn chính diện.

Mai Sơn Lâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình có công với cách mạng, gắn liền với lịch sử của Người Bình Xuyên. Anh sinh vào mùa hè năm 1972 giữa núi rừng chiến khu D. Tên Mai Sơn Lâm cũng bao hàm ý nghĩa về kỷ niệm tình yêu của cha mẹ anh. Tuổi thơ của Sơn Lâm gắn liền với chuỗi ngày khó khăn thời kỳ bao cấp. Mẹ anh phải nghỉ việc Nhà nước, ra ngoài buôn bán để có thêm thu nhập cho gia đình. Dù còn nhỏ nhưng anh đã ý thức sớm phụ giúp gia đình như xuống ghe mót khoai còn sót để mẹ đem bán. Năm 10 tuổi, vì muốn có thêm tiền phụ giúp gia đình, chàng "giám đốc Mạnh" đẩy xe nước sâm đi bán và bị công an bắt vì tội chiếm lòng lề đường. 

 
Diễn viên Mai Sơn Lâm

 

 Khi còn là cậu học sinh trường Trần Hưng Đạo, Mai Sơn Lâm từng được nghệ sĩ Hữu Châu chọn vào vai chính trong vở kịch nói kể về truyền thống trường diễn nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng Giang 3 lần thắng quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Vương. Cũng trong dịp này, anh còn được diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh (hồi đó là diễn viên đoàn kịch nói Kim Cương) chọn làm người múa lân.

Khi bé, Mai Sơn Lâm từng mơ ước trở thành phi công để được bay lượn tự do hay là một thủy thủ phiêu dạt nơi biển khơi. Do gia đình xảy ra nhiều sự cố buồn, đặc biệt là việc chia tay của bố mẹ, không muốn là gánh nặng của gia đình, Lâm thi vào Đại học Ngoại thương và trường Điện Ảnh Việt Nam (1993). Nhờ nỗ lực bản thân, anh đỗ cả hai trường. Niềm đam mê nhen nhóm từ những kỷ niệm thưở học trò cùng khoản học bổng đã đưa Mai Sơn Lâm đến với trường điện ảnh.

Tốt nghiệp năm 1995, đúng thời điểm dòng phim thị trường bị tẩy chay, nhà sản xuất phim ít, lại không có mối quan hệ và người đỡ đầu, Mai Sơn Lâm không thể tìm được việc đúng ngành. Anh phải làm nhiều công việc khác để mưu sinh như maketing, nghiên cứu thị trường, đi bán hàng dạo, phục vụ bàn, bartender… May mắn nghề nghiệp dường như mỉm cười với Sơn Lâm sau mẩu tin casting diễn viên cho phim Người Bình Xuyên. Tuy nhiên, khi anh gặp được vị đạo diễn thì đoàn phim đã casting xong. Trong lúc thất vọng, qua thầy giáo Văn Thênh, Mai Sơn Lâm gặp anh Nguyễn Hậu, Phó đạo diễn của phim và được xếp một vai nhỏ Tư Hiểu. Đây là vai diễn đánh dấu sự trở lại nghề nghiệp của Lâm vào năm 2003. Từ đó đến nay, Tư Hiểu ngày nào đã tham gia gần 30 phim truyền hình với bác sĩ Lương trong Nữ bác sĩ, Bảy Viễn trong Vó ngựa trời nam, thầy giáo Tự Cường trong Tại tôi… 

 
Mai Sơn Lâm: "Nếu tiếp tục được mời vào vai phản diện, tôi không bao giờ từ chối"

 

Chia sẻ về nghề diễn, Mai Sơn Lâm cho biết khán giả thường nhớ đến anh qua những vai diễn phản diện nhiều hơn vai chính diện. "Tôi mừng khi được diễn vai phản diện, vì thể hiện vai chính diện đã khó nhưng vai phản diện càng khó hơn", bác sĩ Lương tâm sự. Thông thường, nhân vật chính diện được xây dựng một chiều, đẹp, hình tượng tốt, nhưng phản diện lại đa chiều, đa nhân cách. Vai phản diện tạo ra các mối xung đột, kịch tính cho phim. Mỗi nhân vật đều có số phận, sự trăn trở và lý lịch khác nhau. Do đó, người đóng vai ác không nhất thiết phải có dáng hầm hố, râu ria xồm xoàm, mặt bặm trợn và ngược lại. Mai Sơn Lâm tâm sự: "Tôi không sợ nhận vai phản diện, chỉ sợi vai mình diễn đều na ná giống nhau. Nếu tiếp tục được mời vào vai phản diện, tôi không bao giờ từ chối". Người diễn viên có duyên với vai phản diện này cho biết thêm ở mỗi nhân vật, anh lại có cơ hội tìm hiểu các khía cạnh bản chất con người.

Với Vùng đất không yên tĩnh, khán giả lại tiếp tục được gặp một Mai Sơn Lâm "phản diện" trong vai giám đốc người Việt gốc Hoa, Mã Văn. Mã Văn có tính cách lạ, sang Việt Nam đầu tư khu công nghiệp, là tổ chức rửa tiền quốc tế trá hình. Vì lợi nhuận, hắn đã mua chuộc các quan chức, làm ô nhiễm môi trường và dùng thủ đoạn tàn nhẫn để thanh trừng người cản trở. Nhân vật này xảo quyệt, tinh tế, lịch thiệp, giỏi trong các chiến lược kinh doanh và luôn đi trước người khác một bước.

Để có thể diễn tốt vai Mã Văn, Mai Sơn Lâm phải chuẩn bị kiến thức về binh pháp Tôn Tử ứng dụng trong kinh doanh, phục trang giống người Hoa, đọc báo chí để biết thêm thông tin về các vụ vi phạm xử lý chất thải Vedan, hay vụ đất đai ở Hóc Môn… Khó nhất là Lâm phải tập điều tiết cặp mắt để thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật.

Nhắc đến kỷ niệm khi tham gia bộ phim này, Sơn Lâm nhớ mãi đêm quay cảnh nhân vật Mã Văn mơ bơi trên dòng sông ô nhiễm, cá chết đầy sông. Để quay cảnh này, đoàn phim đã phải chuẩn bị cá chết từ 4h sáng. Tuy nhiên đến 1h sáng hôm sau mới quay được. Mai Sơn Lâm kể lại: “Đêm khuya, trời lạnh, nước chảy xiết, khi đạo diễn hô cắt máy cũng là lúc tôi hụt hơi, không còn sức để la, suýt xỉu dưới sông. Tôi thả cho dòng nước cuốn đi, nhưng may mắn có một nhánh rễ cây mọc trồi lên giữa sông nên đạp và đứng lên nó để thở”.

Theo vnexpress
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *