Bên bờ hạnh phúc

Ngay khi vừa kết thúc Duyên kiếp, khán giả màn ảnh nhỏ lại tiếp tục thưởng thức một bộ phim truyền hình cũng được làm lại từ vở cải lương nổi tiếng Rồi 30 năm sau.

Các phim truyền hình gần đây chuyển thể từ kịch bản cải lương Tiếng sét trong mưa, Duyên kiếp và Rồi 30 năm sau

Rồi 30 năm sau (phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần trên kênh THVL1) do Vũ Thị Thanh Hương viết kịch bản phóng tác từ vở cải lương cùng tên của Hà Triều – Hoa Phượng, có sự tham gia của các diễn viên Trương Minh Quốc Thái, Thanh Trúc, Quang Tuấn, Ngọc Thảo, Yeye Nhật Hạ…

Sức hấp dẫn từ vở cũ

Đạo diễn Minh Múm (Nguyễn Quang Minh) thực hiện phim cho biết: “Bộ phim cũng giữ phần hồn của câu chuyện cũ. Từ một vụ án tưởng đã chìm vào quên lãng thì 30 năm sau, người con quyết tâm đi tìm sự thật… Từ đó câu chuyện về số phận những nhân vật, những mối quan hệ rối rắm trong gia đình dần được hé lộ…”.

Trước khi phát sóng Rồi 30 năm sau, bộ phim Duyên kiếp chuyển thể từ vở cải lương cùng tên nổi tiếng của soạn giả Hoàng Song Việt liên tục đứng đầu top 10 phim, chương trình có lượng người xem cao nhất, nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả.

Trước đó, phim Tiếng sét trong mưa phóng tác từ Lôi vũ cũng từng một thời khiến khán giả miền Nam mê mệt với chuyện tình của cậu Ba và cô hầu Thị Bình…

Các phim như Sông dài, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng, Tần Nương Thất… cũng đều được chuyển thể từ sân khấu cải lương.

Biên kịch Hạ Thu phóng tác kịch bản Duyên kiếp và nhiều phim khác nhận định: “Sự thành công của Duyên kiếp nói riêng và phim chuyển thể từ sân khấu nói chung đến từ nhiều khâu và điều đầu tiên là kịch bản gốc quá hay, đậm tính nhân văn, từng đi vào lòng khán giả”.

Một hướng đi trong tình hình thiếu kịch bản

Bà Bích Liên – giám đốc Công ty Mega GS, đơn vị sản xuất khá nhiều phim chuyển thể từ sân khấu – cho biết hiện công ty đã hoàn tất hai kịch bản phim chuyển thể từ cải lương và lên kế hoạch sản xuất.

“Vấn đề chỉ nằm ở cốt truyện thôi. Những vở kịch, cải lương xưa vốn dĩ đã có cốt truyện hay, hấp dẫn rồi nên chuyển thể sẽ thuận lợi hơn và đây sẽ là một hướng đi của hãng phim chúng tôi: mua bản quyền các vở sân khấu, văn học… để chuyển thể thành phim truyền hình”.

Theo biên kịch Hạ Thu, “cái khó khăn lớn nhất khi chuyển thể từ kịch bản sân khấu là cái bóng kịch bản quá lớn, đã đi vào lòng khán giả nên nếu mình chuyển không hay, hoặc có sự sáng tạo thêm so với kịch bản gốc sẽ làm khán giả không vừa ý. Vì cảm xúc đầu tiên với kịch bản gốc lúc nào cũng sâu đậm.

Mặt khác, kịch bản ba tiếng biểu diễn trên sân khấu chuyển thành phim nhiều tập đòi hỏi biên kịch phải sáng tạo nhiều. Ngôn ngữ đặc trưng của loại hình nghệ thuật khác biệt cũng là điểm khó”.

Áp lực về việc sản xuất phim chuyển thể từ cải lương được đạo diễn Minh Múm kể: “Việc tìm kiếm bối cảnh, đạo cụ xưa bây giờ khó lắm. Muốn quay phim phải đi xa, vì nông thôn giờ thành thị hóa nhiều lắm rồi.

Việc dựng cảnh nội, ngoại, trang phục… rất mất nhiều công sức. Nhưng điều tôi lo nhất là phải truyền tải được phần hồn của vở kịch, cải lương xưa. Điều này không hề đơn giản. Cái hay của vở cải lương, kịch xưa đó là chất sâu sắc và mang đậm tình cảm gia đình, thời cuộc”.

Đổi lại với những áp lực đó là niềm vui của một bộ phim chuyển thể sân khấu thành công, như kỳ vọng của biên kịch Hạ Thu: “Chuyển thể từ kịch bản sân khấu nếu hay, khêu gợi được sự tò mò, thu hút được các bạn trẻ thì các bạn sẽ quay về xem kịch bản gốc. Từ đó sẽ nhận ra những cái hay của sân khấu cải lương mà kịch bản phim không thể thay thế được. Khán giả vì vậy sẽ thêm yêu sân khấu, yêu cải lương nhiều hơn”.

Theo vietgiaitri

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *