Bên bờ hạnh phúc

Nếu như phim về nhà giáo của điện ảnh thế giới có thể kể đến hàng loạt như: Half Nelson, The Hangover, Indians Jones… với hình ảnh người thầy giáo ấn tượng, muôn màu muôn vẻ thì đề tài này vẫn được xem là một dấu lặng của điện ảnh Việt Nam. Tuy vậy thì với một số lượng phim ít ỏi, chân dung người giáo viên vẫn được khắc họa vô cùng sinh động.

Còn nhớ, năm 1982, khi bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” được công chiếu, nhiều người chợt nhận ra, Hữu Mười đóng vai ông giáo rất hợp. Đó là thầy giáo Thứ giản dị, chân thành. Như một tiền định, năm 1984, Hữu Mười vào vai thầy giáo Khang trong “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trung tâm bộ phim là một câu chuyện cảm động: Duyên (Lê Vân đóng) biết tin chồng hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam nhưng âm thầm chịu đựng nỗi đau và cố gắng tạo cho ông bố chồng gần đất xa trời một sự yên ổn. Chị nhờ anh giáo làng (Hữu Mười) – một người yêu văn thơ và say mê viết những bài thơ gửi in báo – viết những bức thư mạo danh chồng chị đang chiến đấu xa để động viên ông cụ. Anh giáo Khang đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng tốt đẹp về một thầy giáo làng hiền lành ít nói lại ẩn chứa một tâm hồn sâu lắng đa cảm. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII, vai diễn thầy giáo Khang đã mang đến cho Nguyễn Hữu Mười giải diễn viên xuất sắc nhất.

 

Cảnh phim Thung lũng hoang vắng

Hình tượng người giáo viên tận tụy còn được khắc họa cảm động trong bộ phim nhựa của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang năm 2002 – “Thung lũng hoang vắng”. Đã có người nói đây là một bài thơ đậm tính nhân văn về sự hy sinh những người thầy, cô giáo trên vùng cao hẻo lánh để đem cái chữ của nền văn minh đến cho bao em thơ. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của hai cô giáo trẻ là Giao và Minh – những người giáo viên dưới xuôi lên xóa mù chữ ở một ngôi trường trên rẻo cao do ông Tành làm Hiệu trưởng. Hai cái bảng, vài bộ bàn ghế đơn sơ, mái trường dột nát, tình yêu thương và tấm lòng hết mình với nghề nghiệp là tất cả những gì họ có được để mang cái chữ đến với các em nhỏ miền núi. Nhưng hoàn cảnh cô đơn và khắc nghiệt của thung lũng đã làm nảy sinh mối tình tay ba đầy oái oăm: thầy Tành yêu cô Giao, nhưng Giao lại yêu anh chàng thăm dò địa chất tên Hùng, còn cô Minh lại thương thầy Tành. Trong một lần ân ái với người yêu bên suối, Giao bị Mị – một học trò của cô bắt gặp, và chuyện này đã làm cho cô hoàn toàn bị suy sụp khi tất cả những học sinh trong lớp của cô đều coi cô là người không tốt và không đến lớp học nữa. Cô giáo Minh tự ái bỏ về xuôi, bỏ lại mình ông Hiệu trưởng với hơn chục học sinh. Ông đã cố gắng hết sức để dạy học trò nhưng lực bất tòng tâm. Ngôi trường đang đứng trước nguy cơ tan rã. Tuy nhiên, với tình yêu nghề nghiệp, Giao và Minh đã quyết định quay trở lại trường để tiếp tục làm tròn bổn phận của những nhà giáo hết lòng vì học sinh.

 

Cảnh trong phim "Trái tim bên phải"

Được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang mời tham gia vào phim “Thung lũng hoang vắng” trong vai cô giáo Giao, Hồng ánh đã phải lên tận Tây Bắc xa xôi để thực hiện những cảnh quay của mình. Thung lũng hoang vắng là bộ phim được đánh giá cao về nội dung, được đem đi công chiếu và “thi thố” khắp các LHP ở Trung Quốc, Singapore, Australia, Hàn Quốc, đồng thời nhận được giải Fipresci dành cho phim châu á tại LHP ở Melbourne, giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam, Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ 13. Hồng ánh – nữ diễn viên chính trong phim, cũng được giới điện ảnh châu á nhận xét là một diễn viên tài năng, đồng thời vai diễn đã mang về cho chị giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam lần thứ XIII.

Năm 2006, nhân dịp 20-11, Hãng phim truyện Việt Nam cũng ra mắt bộ phim 9X “Trái tim bên phải” của đạo diễn Đào Duy Phúc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một cô giáo mới ra trường về làm chủ nhiệm lớp 7, do ca sĩ Hồ Ngọc Hà thủ vai. Trong lớp có nhóm bát quái học giỏi nhưng rất ngổ ngáo. Thế mà khi gặp cô chủ nhiệm mới, cả bọn lại như được cảm hóa và trở nên ngoan ngoãn. Khi bộ phim công chiếu, đã có rất nhiều thầy cô dẫn cả đoàn học sinh đi xem. Điều đó cho thấy những bộ phim về nghề giáo vẫn được những người trong nghề trân trọng và đón nhận.

Cảnh phim "Tuổi thần tiên"

Ngoài ra, hình ảnh cô giáo Mai trong “Tuổi thần tiên” (Cu Tí và cô giáo Mai) do Hiền Mai đóng cũng chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. Với gương mặt hiền hậu, cô giáo Mai đã “trị” được cậu học trò con nhà giàu ngang bướng. Với vai diễn này, Hiền Mai đã xứng đáng đoạt HCV trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 1996.

Tuy vậy thì số lượng phim và diễn viên đóng vai người thầy giáo của điện ảnh Việt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đây lại là một đề tài có số lượng khán giả rất đông: hàng nghìn thầy cô giáo và học sinh trên cả nước – những người luôn quan tâm đến lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.

Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *