Bên bờ hạnh phúc

Câu chuyện bên lề về người nhạc sĩ Lê Hựu Hà và ca sĩ Nhã Phương được hé mở qua lời kể của danh ca Thái Châu và Nguyên Vũ trong Hãy nghe tôi hát – Nhạc sĩ chủ đề.

Ca sĩ Nguyên Vũ được sinh vào thời điểm đất nước vừa thống nhất. Tuổi thơ của anh gắn liền với giai đoạn khó khăn của thành phố những năm đầu sau giải phóng. Năm 1992, sau khi đạt giải A cuộc thi Tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc, Nguyên Vũ bắt đầu bước chân vào nghệ thuật. Mỗi lần đi hát, nam ca sĩ lén bỏ quần áo diễn vào trong cặp và nói dối sang nhà bạn học thêm. Thời điểm đó, anh cũng chỉ hát lót trong lúc chờ ca sĩ nổi tiếng đến. Nhờ năng lực và sự kiên trì, Nguyên Vũ nhanh chóng trở thành ca sĩ có lượng khán giả hùng hậu trong những năm 1990 và đặc biệt là những năm 2000.

Làm giám khảo khách mời của Hãy nghe tôi hát, đặc biệt là chủ đề về nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nam ca sĩ thổ lộ: “Nghe các bạn trình diễn những ca khúc cách đây chục năm khiến tôi nhớ về thời điểm khó khăn, chạy show đến từng sân khấu. Mỗi lần hát xong nhận được bao thư thù lao là 5.000 – 10.000 đồng, tôi thấy hạnh phúc”.

Khi được hỏi những kỷ niệm với âm nhạc của Lê Hựu Hà, Nguyên Vũ xúc động kể lại: “Ở tất cả các sân khấu ngày trước như Bách Tùng Diệp, Đồi hoa vàng, sân khấu Phương Nam, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên… tôi từng được hát chung với chị Nhã Phương, nữ hoàng âm nhạc thập niên 1980. Từng lời hát, giai điệu, nốt nhạc trong những ca khúc chị Nhã Phương thấm vào tim tôi. Tôi được biết cuộc hôn nhân với ca sĩ Nhã Phương, anh Lê Hựu Hà viết 3 ca khúc nổi tiếng là Vào hạ, Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Ngỡ đâu tình đã quên mình. Chị ấy hát rất nhiều những bài này. Hình ảnh tôi nhớ nhất là khi chị Nhã Phương vừa hát xong, anh Lê Hựu Hà chạy đến khoác áo cho chị. Một mối tình thật đẹp của làng nhạc Việt thời đó, khiến tôi nhớ mãi”.

Nhắc đến nhạc sĩ Lê Hựu Hà và ca sĩ Nhã Phương, danh ca Thái Châu cũng tiết lộ về lý do khiến hôn nhân của cặp đôi tan vỡ: “Anh Hà là người hiền lành, nhẹ nhàng, trong âm nhạc thì anh lại trái ngược: luôn trẻ trung, yêu đời, bùng cháy, sôi nổi. Tuy nhiên, trong tình yêu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, anh và chị Nhã Phương cùng là người nổi tiếng. Đặc biệt, chị Nhã Phương còn là ngôi sao hàng đầu thời đó, ai cũng có cái tôi riêng. Khi người vợ có chồng là ngôi sao đã lo lắng thì khi người chồng mà có vợ là ngôi sao được săn đón hàng đầu, mức độ lo lắng ấy lại tăng lên nhiều lần”.

Cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà

Nam danh ca từng làm việc cùng nhạc sĩ Lê Hựu Hà những năm 1980, thổn thức khi nhắc tính cách người bạn, người anh hoạt động cùng thời: “Anh ấy lớn tuổi hơn tôi, ấm áp, chân thành. Tôi có nhiều kỷ niệm với Lê Hựu Hà như đợt ở sân khấu Phú Nhuận, tôi và anh phụ trách phần văn nghệ ở đó. Hai anh em chia nhau phối bài. Anh ấy nhỏ nhẹ, xã giao giỏi với mọi người, với các bạn nữ càng ngọt ngào, vì thế Vị ngọt đôi môi mới ra đời. Tôi khẳng định ai mà gặp anh ấy sẽ có cảm tình ngay bởi sự lịch lãm, lịch sự, dịu dàng, gây được thiện cảm. Lời nhạc, ca từ cũng đủ biết anh ấy như thế nào”.

Cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà (1946 – 2003), là một trường hợp đặc biệt của tân nhạc Việt Nam nói chung và nhạc trẻ Sài Gòn nói riêng. Ông từng tham gia nhiều ban nhạc, nhưng lại nổi tiếng với vai trò nhạc sĩ. Lê Hựu Hà được cho là người đã làm thay đổi môi trường âm nhạc vốn sùng ngoại của giới trẻ thời bấy giờ. Các sáng tác nổi tiếng của ông hiện nay vẫn được người trẻ yêu thích và thuộc lòng như: Vào hạ, Vị ngọt đôi môi, Tôi muốn, Yêu người yêu đời… Ngoài ra, Lê Hựu Hà cũng là người viết lời Việt khoảng gần 100 ca khúc, nổi tiếng như: Đồng xanh, Những lời dối gian…

Đầu thập niên 1970, hầu hết các ban nhạc trẻ tại Sài Gòn đều tham gia vào trào lưu “Việt hóa” các ca khúc nhạc ngoại để trình diễn. Lê Hựu Hà có cơ duyên gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và gặp được giọng ca đầy nội lực, nam tính và trẻ trung của Elvis Phương. Sau khi Elvis Phương thu thanh ca khúc Yêu em và khiến ca khúc trở thành bản hit trong giới trẻ, Lê Hựu Hà quyết định mời Elvis Phương tham gia vào ban nhạc Phượng Hoàng. Từ đây, ban Phượng Hoàng bắt đầu hành trình chinh phục giới trẻ Sài Gòn bằng những nhạc phẩm thuần Việt và được giới trẻ Sài Thành thời đó đặc biệt yêu thích. Sau 4 năm hoạt động, ban Phượng Hoàng tan rã.

Cuối thập niên 1970, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Hy vọng. Đây cũng là một trong những ban nhạc nổi tiếng, có nhiều hoạt động nổi bật hơn cả ở giai đoạn này. Sau khi ban nhóm tan rã, Lê Hựu Hà tiếp tục ra mắt ban nhạc Phiêu Bồng trình bày nhiều ca khúc khúc nổi tiếng của chính mình như: Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Vị ngọt đôi môi, Ngỡ đâu tình đã quên mình… Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Lê Hựu Hà còn viết lời Việt cho khoảng 100 ca khúc nhạc ngoại, nổi tiếng nhất trong số đó là Người đến từ Triều Châu, Đồng xanh, Tình bạn, Những lời dối gian…

Giám khảo Hồng Hạnh

Vòng thi tiếp theo của Hãy nghe tôi hát – Nhạc sĩ chủ đề sẽ được dành để tôn vinh một nhạc sĩ nổi tiếng, người đã tạo ra một chùm nhạc mới mẻ từ hơn 4 thập niên trước và kéo dài thành công của ông suốt nhiều năm tháng qua 3 tiết mục Vị ngọt đôi môi, Huyền thoại người con gái, Hãy yêu như chưa yêu lần nào, được 3 thí sinh Lý Thu Thảo, Dương Minh Ngọc, Lê Thu Uyên tranh tài. Ngoài giám khảo chính là danh ca Thái Châu, còn có giám khảo khách mời là ca sĩ Hồng Hạnh, Nguyên Vũ.

Tập 3 Hãy nghe tôi hát – Nhạc sĩ chủ đề nhạc sĩ Lê Hựu Hà sẽ phát sóng lúc 21h00 thứ năm ngày 31/3 trên kênh THVL1.

Theo thegioidienanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *