Thế chấp nhà, đặt cược gia sản của mình vào bộ phim lịch sử Anh hùng Nguyễn Trung Trực, dường như đạo diễn Phan Hoàng đang chơi một cuộc chơi đầy thử thách bên cạnh sự tôn kính của người hậu thế dành cho một chính nhân lịch sử và trách nhiệm đối với khán giả.

Bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực bấm máy từ ngày 6-4. những thử thách làm phim về đề tài lịch sử đối với đạo diễn Phan Hoàng cùng hãng phim Cửu Long do ông làm giám đốc đã thực sự bắt đầu. Theo chân đoàn làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực mới thấy được phần nào của sự khó khăn đó.   

Cả buổi sáng quay ở Dinh 3 – TP Vũng Tàu, đoàn làm phim chỉ quay được 2 phân cảnh ngắn, vì “diễn viên” Tây không diễn được như ý muốn

  

 Gian nan vì bối cảnh

Bối cảnh quay là một trong những khó khăn lớn của những người làm phim lịch sử. Và dù là phim có bối cảnh cách đây cả ngàn năm hay là vài trăm năm thì bài toán về bối cảnh quay vẫn là một thách đố.

Để né những dấu vết của cuộc sống hiện đại, đoàn làm phim đã phải bỏ ra nhiều tháng đi khắp nơi để khảo sát, chọn địa điểm. Thời gian quay chỉ giới hạn trong 2 tháng, do vậy bài toán về địa điểm không những phải bảo đảm về độ lùi lịch sử mà còn phải tiết kiệm thời gian di chuyển của các thành phần đoàn làm phim.

Đoạn bờ biển còn hoang sơ của huyện Phước Hải – TP Vũng Tàu được chọn làm điểm quay, nhưng đường đi thì rất khó khăn, ô tô không thể vào tận nơi.

Cả đoàn làm phim đã phải cuốc bộ vài cây số mới đến nơi tập kết. Còn đạo cụ, đoàn phim phải thuê xe máy cày chở tới. Trong cái nắng nóng của những ngày giữa tháng 4, dọc bờ biển không một bóng cây, không quán xá, nhà cửa, đoàn phim không chỉ đối mặt với cái nóng, cái mệt mà còn phải chịu đựng những cơn đói hành hạ. So với những phim đề tài hiện đại, chọn bối cảnh quay nơi đô thị, làm phim lịch sử quả là nhọc nhằn!

Đã khó lại gặp eo

Phim lịch sử cận đại thì không thể thiếu lính Tây. Tìm những người nước ngoài để vào các vai tướng lĩnh của quân đội Pháp cũng là một thách thức đối với đoàn làm phim. Làm sao để cho các diễn viên nghiệp dư này hiểu và diễn xuất đúng ý mình là điều không đơn giản. Mặc dù trong đoàn có người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nhưng khả năng diễn xuất của mỗi diễn viên thì có hạn. Do vậy, không phải lúc nào đoàn phim cũng gặp suôn sẻ.

Nếu những bộ phim đề tài hiện đại quay bình quân 2 ngày xong 1 tập thì phim lịch sử có khi cả ngày chỉ quay được một vài phân cảnh. Cả buổi sáng đầu tiên quay ở Dinh 3, TP Vũng Tàu, cảnh diễn của viên tướng người Pháp, đoàn chỉ quay được hai phân cảnh ngắn, vì diễn viên không chuyên nghiệp…

Sau những ngày mệt nhọc trên phim trường, cả đoàn rã rời vùi đầu vào một giấc ngủ sâu. Sáng ra, khi tỉnh dậy, mọi người tá hỏa vì chiếc xe chở đạo cụ đã bị trộm viếng thăm. Kẻ trộm đã lấy đi một máy phát điện, một máy nổ bom, hai máy bơm nước tạo mưa, một bình gas lớn… với tổng trị giá vài chục triệu đồng. Công an đã vào cuộc điều tra vụ mất trộm, nhưng chưa biết khi nào mới có kết quả.

Khốn khổ cho đoàn làm phim là ngày quay hôm sau, do máy phát điện chưa kịp bổ sung, khi quay nội cảnh, mấy tên giặc Pháp lục soát nhà dân, các nhân viên đạo cụ đã phải leo lên dỡ mái nhà ra cho ánh sáng lọt vào để quay cho đủ sáng.

Đóng tàu chiến 1 tỉ đồng để quay phim

Nếu những bộ phim lịch sử về những triều đại cách đây cả ngàn năm (Huyền sử thiên đô, Khát vọng Thăng Long…) gặp khó khăn do thiếu tư liệu thì cái khó của đoàn phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực là phải thể hiện làm sao cho giống như thật vì thời kỳ lịch sử này cách đây chỉ gần 200 năm.

Để làm giống như thật chiến hạm Espérence (Hy vọng) của thực dân Pháp, đạo diễn Phan Hoàng cho biết đoàn phim đã phải sang tận Bảo tàng Paris để nghiên cứu. Kinh phí đóng riêng một chiếc tàu này đã ngốn hết hơn 1 tỉ đồng.

Có những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho cảnh quay dân làng trải chiếu hoa tiễn đưa linh cữu người anh hùng Nguyễn Trung Trực, đoàn phim phải tìm đến làng chiếu Tà Niêng (Rạch Giá, Kiên Giang) – ngôi làng năm xưa đã dệt loại chiếu hoa này để đặt hàng.

Cái khó chung của các đoàn phim lịch sử ở Việt Nam là hiện nay vẫn chưa có những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về đạo cụ, trang phục làm phim lịch sử cổ trang như các nước trong khu vực. Do vậy, vấn đề đạo cụ vẫn là vấn đề riêng của mỗi đoàn phim.

Đoàn làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã tốn không ít tiền cho việc mua sắm đạo cụ là vũ khí, trang phục của cả nghĩa quân lẫn binh lính và sĩ quan quân Pháp, đúng với thời điểm lịch sử lúc đó. Thế nhưng, khi kết thúc các cảnh quay, hầu hết những đạo cụ coi như xếp xó trong kho vì chưa biết khi nào mới được sử dụng lại.

Diễn viên Lý Anh Tuấn: "Tôi rất tôn thờ thánh Nguyễn"

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, lần đầu tiên vào vai một anh hùng miền Tây Nam Bộ là một thử thách đối với diễn viên Lý Anh Tuấn, trước đó hầu hết các vai diễn của anh đều là những vai phản diện. Để vào vai anh hùng Nguyễn Trung Trực, trước khi bấm máy, suốt 2 tháng, anh miệt mài học võ, chèo thuyền, quăng chài lưới…

Anh cho biết: “Tôi rất tôn thờ thánh Nguyễn, tôi thuộc lòng kịch bản và gần như tôi đang sống với nhân vật chứ không phải đang diễn”. Tuấn cho biết anh chia cuộc đời Nguyễn Trung Trực ra làm 4 giai đoạn để nhập vai: Nguyễn Trung Trực thời trẻ, chỉ là một người thanh niên làm nghề chài lưới, yêu thích võ thuật, tính tình tươi vui, cởi mở, thấy chuyện bất bình sẵn sàng ra tay cứu giúp; ông được phong chức đội trưởng đội nông binh ở Tân An. Giai đoạn này, những tố chất của một người chỉ huy phát triển: quả quyết, cương trực.

Sau khi ông đánh đắm tàu giặc, ông được triều đình phong chức thành thủ úy, từ đó phong thái của ông thể hiện vẻ oai nghiêm của một quan võ, một vị tướng của triều đình.

Giai đoạn Nguyễn Trung Trực trả lại ấn kiếm cho triều đình để dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc Pháp cho đến khi ông nộp mình cho giặc rồi bị chém đầu. Giai đoạn này rất gian nan, khổ cực nhưng thật oanh liệt, một tinh thần sắt đá, lòng căm thù giặc tột đỉnh.

 

 

Theo nld

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *