Bên bờ hạnh phúc

Sau một thời gian cứ bật tivi lên là thấy diễn viên Trung, Hàn, Nhật, Mỹ… nay thế vào đó, người xem truyền hình lại thấy hình hài Việt nhưng tâm hồn… ngoại lai. Thực trạng này xảy ra khi cả hai kênh chính của Đài THVN dành hẳn khung giờ vàng hằng ngày cho phim Việt.

Tràn sóng giờ vàng phim “làm lại”

Sau thời gian hai bộ phim Việt hóa: Cô gái xấu xí (kịch bản Colombia), Những người độc thân vui vẻ (Trung Quốc) độc chiếm giờ vàng gần hai năm trên kênh VTV3. Gần đây, sóng nhà đài tiếp tục lặp lại hiện trạng nói trên khi cùng lúc chiếu hai phim “làm lại” của nước ngoài là Cô nàng bất đắc dĩ (Argentina) và Ngôi nhà hạnh phúc (Hàn Quốc).

Cảnh trong phim Cô nàng bất đắc dĩ

Trước đó, các Đài Truyền hình đã phát Có lẽ nào ta yêu nhau (Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc),  rồi đến những Mùi ngò gai, Dù gió có thổi (đều của Hàn Quốc). Nếu theo đúng kế hoạch của những nhà sản xuất lớn, thì tới đây sóng truyền hình sẽ có một cơn mưa phim Việt hóa nữa.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam nêu quan điểm, khi một bộ phim Việt được duyệt để lên sóng nó phải đáp ứng hai hai yếu tố: phim do Việt Nam sản xuất và mang hơi thở của người Việt. Vì thế, không nên đặt vấn đề phim Việt hóa hay phim nguyên bản Việt. “Chúng ta chỉ nên đặt vấn đề khi bộ phim chỉ là bản minh họa cho câu chuyện ngoại nhập”.

Thế nhưng, nếu nhìn lại hai bộ phim đang chiếm lĩnh giờ vàng không ít người cảm thấy xa lạ với lối sống nhậu nhẹt tối ngày của những nhân viên Tạp chí Hào hoa trong Cô nàng bất đắc dĩ.

Tương tự, với bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc vừa phát sóng chưa tròn 10 tập, nhiều người nhận thấy, những cảnh cần Việt hóa đạo diễn lại bỏ qua, trong khi nhiều cảnh đáng giữ lại bị loại. Khán giả Vũ Thu Hà ở 90 phố Huế chỉ ra, cảnh Minh Minh làm cơm mang đến cơ quan chồng theo kế hoạch của người quản lý, được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bê nguyên xi món cơm cuốn rong biển của Hàn Quốc.

Trong khi cảnh trở về thăm gia đình sau tuần trăng mật của cặp đôi Minh Minh – Vương Hoàng trong phim Hàn có nghi lễ lạy cha mẹ rất quan trọng lại được đạo diễn họ Vũ cắt phăng và không thay thế vào nghi lễ nào của người Việt. Chưa tính đến hiệu ứng khán giả khi xem lại các bộ phim đã quá thành công của nước bạn, điều ai ai cũng nhận thấy là sự thiếu vắng văn hóa, lối sống của người Việt ở những bộ phim này.

Theo độc giả Nguyễn Viết Xô, Giảng viên Đại học Mở Hà Nội, đời sống người Việt thời hội nhập có rất nhiều vấn đề cần phản ánh, tại sao các nhà làm phim không khai thác. Việc làm lại các bộ phim nước ngoài với tinh thần học hỏi và như một gia vị thêm vào món ăn cho người Việt nên khuyến khích, nhưng tạo thành làn sóng việt hóa phim ngoại như hiện nay thì cần nhìn nhận lại.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở khu Hoàng Cầu, Hà Nội cũng cho rằng, ngay cả khi không muốn động đến những vấn đề đao to búa lớn, chỉ muốn làm phim giải trí thì cũng không thiếu vấn đề người Việt có thể nghĩ ra để làm cho người Việt xem. Tại sao nhà đài lại trình chiếu cùng lúc nhiều phim “Việt hóa” đến thế?

Làm đề tài hay… khó phát sóng

Trên thực tế có phải phim Việt thuần túy bị thiếu? Câu trả lời tìm thấy từ Giám đốc Trung tâm phim truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải là không. “Chúng tôi chỉ thiếu phim có chất lượng”.

Đạo diễn họ Đỗ cũng chỉ ra, đời sống hiện thực của người Việt không thiếu những câu chuyện, những vấn đề có thể làm thành phim, thậm chí làm thành tác phẩm hay. Tuy nhiên, “không phải vấn đề nào, đề tài nào hay làm ra cũng được phát sóng”. Và đó chính là hạn chế khiến các đơn vị sản xuất chọn giải pháp an toàn là làm phim giải trí và làm theo kịch bản ăn khách của nước ngoài.

 

Món cơm cuốn rong biển vẫn được giữ lại trong Ngôi nhà hạnh phúc

Đạo diễn Phước Sang thừa nhận, làm phim Việt hóa là một xu thế ăn chắc (ăn khách kiểu ăn theo sự thành công của phiên bản gốc). Tuy nhiên, nếu mải mê bỏ qua đề tài trong nước cũng là điều không nên.

Theo vị đạo diễn này, có một kịch bản dài hơi của phim Việt cần cả một quá trình. Tuy nhiên, nếu cố gắng hoàn toàn có thể làm thành công. Và kể câu chuyện đất nước mình chính là trách nhiệm của những người làm nghệ thuật.

Mặc dù, nhìn vào thực trạng sản xuất phim Việt, đạo diễn Thanh Hải thừa nhận chúng ta đang bị hổng về công nghệ và làm lại phim nước ngoài chính là cách giúp các nhà làm phim truyền hình trong nước học hỏi và tích lũy dần công nghệ”

Tuy nhiên, việc phát sóng phim trên giờ vàng và trên các khung giờ khác của các đài TH cũng cần tính đến việc xen kẽ các nội dung, vấn đề và phong cách phim, tránh tình trạng cùng lúc phát sóng những bộ phim giống nhau về mặt thể loại, phong cách.

Theo tintuconline

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *