Đạo diễn Minh Tuấn bứt phá với vở kịch “Lòng sông dậy sóng” – cảm tác từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ra đời cách đây gần 30 năm. Tác phẩm từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thành phim Lời nguyền của dòng sông và giành được Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong đêm thi thứ 8 của Kịch cùng Bolero phát sóng tối nay trên kênh THVL1, đạo diễn Trần Minh Tuấn đã dựng lại câu chuyện đầy bi kịch của gã thương hồ Sáu Lư (Kiến An), người đàn ông quanh năm sống lênh đênh trên sông.

 

18 năm trước, trong một mùa hè đói kém và bệnh tật, vợ của ông Lư qua đời, bỏ lại cho ông 3 người con, gồm hai người con trai là Cát (Nam Trung), Sỏi (Hoài Sơn) và cô con gái út tên Chinh (Hồ Bích Trâm). Ông Lư tấp ghe vào bờ để xin được chôn cất vợ nhưng không một nơi nào chấp thuận. Họ xua đuổi gia đình ông như xua đuổi một thứ ma quỷ chuyên đi gieo rắc cái chết, thậm chí còn đốt xác vợ ông vì sợ lây bệnh.

Cuối cùng chỉ còn lại dòng sông mở rộng lòng đón nhận mọi số phận. Ông chôn vợ xuống đáy sông ở khúc sông rộng và êm nhất. Và từ đó, ông Lư nguyền rằng tất cả thành viên trong gia đình ông, không một ai được lên bờ, nếu gót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì trái tim sẽ biến thành trái tim quỷ và trở thành những con thú độc ác. 

Vì lời nguyền và sự thù hận của ông Lư mà cuộc đời của 3 người con bị cầm tù trong chiếc ghe chật hẹp cùng sự hà khắc đến nghiệt ngã của cha mình. Người con trai thứ hai của ông là Sỏi đem lòng yêu một cô thôn nữ trên bờ nhưng bị anh trai của cô gái cùng đám trai làng rượt đánh vì khi dễ anh nghèo khó, không có mảnh đất cắm dùi. Sự khinh miệt đó càng làm cho Sỏi phẫn uất và chống đối với cha và anh trai. Nhân ngày giỗ của vợ, ông Sáu sai Sỏi và Cát lặn xuống dòng sông để kiểm tra mộ phần của vợ thì phát hiện phần hài cốt của bà đã không còn. Nghi ngờ Sỏi là người muốn phá hủy lời nguyền, ông Sáu Lư định giết con trai. Là người được cha thương nhất, Chinh đứng ra van xin cho Sỏi. Cát méc với ông Sáu rằng Chinh cũng có liên quan trong việc di dời hài cốt của mẹ. Trong lúc 3 anh em xô xát, hàng cúc áo của Chinh bị đứt, để lộ ra chiếc bụng bầu 5 tháng. Đến lúc này, Chinh thừa nhận chính cô và người yêu đã di dời hài cốt của mẹ lên chôn ở đất liền vì cô không muốn bà phải chịu lạnh lẽo dưới đáy sông tăm tối suốt 18 năm qua và cô muốn xóa bỏ lời nguyền để 3 anh em cô có được cuộc sống bình thường, hạnh phúc như bao người khác, đồng thời giải thoát cho ông Sáu khỏi hận thù.

 

Dù Chinh van xin thế nào, ông Sáu Lư vẫn cương quyết chỉ có cái chết mới có thể hóa giải được lời nguyền mà ông đưa ra. Ông định dùng chiếc lưỡi hái kết thúc cuộc đời mình thì hai người con trai kịp ngăn lại.

Trước tình cảnh đó, Chinh đã chọn lấy cái chết. Cô gieo mình xuống dòng sông cùng với đứa con trong bụng. Sỏi và Cát cũng nhảy xuống để cứu em nhưng vì nước chảy quá xiết nên cả hai cũng đã chôn vùi cuộc đời dưới dòng sông lạnh lẽo.

Vì sự cố chấp, ông Sáu Lư phút chốc đã mất luôn những người thân cuối cùng. Ông gào thét trong đau đớn và ân hận. Đây là cái kết khá bi kịch và khác so với nguyên tác. Thông điệp mà đạo diễn Minh Tuấn muốn thể hiện trong tác phẩm đó là hãy xóa bỏ hận thù và yêu thương nhau nhiều hơn.

 

Giám khảo Trịnh Kim Chi cho biết cách đây 23 năm, chị cũng đã từng đóng vai Chinh trong vở kịch này. Chỉ khác là điều kiện sân khấu ngày xưa không được hoành tráng như ngày nay. Chị cảm thấy may mắn khi được xem lại vở diễn này qua cách dàn dựng của đạo diễn trẻ Minh Tuấn. Chị cũng cho biết điều khiến chị xúc động nhất là cảnh nhân vật 6 Lư nhớ về ngày xưa bị dân làng xua đuổi và cảnh đốt xác vợ được đạo diễn Minh Tuấn thực hiện thật ngay trên sân khấu bằng một loại giấy chuyên dụng. Nữ giám khảo cũng khá tiếc rẻ vì ngày xưa dù cũng muốn xử lý thật để tăng cảm xúc như Minh Tuấn nhưng điều kiện sân khấu lúc đó chưa cho phép.

Giám khảo Đông Đào cũng như giám khảo Công Ninh và Trịnh Kim Chi đều mong muốn cái kết của tác phẩm có hậu hơn. Từ sự gợi ý của giám khảo Công Ninh, đạo diễn Minh Tuấn đã phục dựng lại phần kết của vở diễn với tình tiết hoàn toàn khác. Sau khi Chinh nhảy xuống sông tự vẫn, 2 người anh lao theo để cứu em mình và cuối cùng cả hai cũng đã cứu được Chinh. Hối hận vì suýt chút nữa giết con và cháu ngoại, ông Sáu Lư đã dùng chiếc lưỡi hái chặt đứt cột buồm, từ bỏ cuộc đời sông nước, xóa bỏ lời nguyền và hận thù năm xưa.

Nhận được nhiều lời khen của giám khảo, đạo diễn Minh Tuấn rất xúc động. Anh chia sẻ thêm,  ngoài diễn viên kì cựu Kiến An và nữ diễn viên Hồ Bích Trâm được nhiều khán giả biết đến và yêu thích thì điều làm anh hạnh phúc trong vở diễn này đó là anh đã mời lại được những người bạn học chung trường Sân khấu điện ảnh với mình ngày xưa mà hiện nay vì nhiều lý do, tất cả đều đã phải bỏ nghề. Đó là diễn viên Nam Trung (vai Cát), Hoài Sơn (vai Sỏi) và diễn viên Bá Hưng…. Đạo diễn Minh Tuấn đã rơi nước mắt khi nói về những người bạn đã nỗ lực rất nhiều để anh có được một tác phẩm ăn ý. Với tác phẩm này, đạo diễn Minh Tuấn nhận được số điểm 28,5. Đây là số điểm cao nhất trong chủ đề “Nhà là nơi…”.

Như vậy, đêm thi thứ 8 đã khép lại chủ đề “Nhà là nơi…”.  Dẫn đầu hiện nay là đạo diễn Minh Tuấn (28,5 điểm), đạo diễn Bảo Châu và Thái Kim Tùng cùng được 26,5 điểm và đứng cuối bảng là đạo diễn Minh Nhật với 25,75 điểm.

Tập 9 của chương trình Kịch cùng Bolero 2018 có chủ đề “Em chỉ là người đàn bà thứ 2”, phát sóng vào lúc 21h thứ Hai tuần sau trên kênh THVL1.

Nguồn: Mai Mai ( Sandien24h )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *