Bên bờ hạnh phúc

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tin tưởng như thế. Anh cho rằng: “Nghệ thuật phải có đủ 3 yếu tố: Người nghệ sĩ, tác phẩm và khán giả. Nếu không quảng bá cho hấp dẫn thì làm sao lôi kéo được khán giả đến với bộ phim?”

Poster phim Chơi vơi

* Ít phim Việt Nam nhận được nhiều lời ngợi khen tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế như Chơi vơi. Theo anh, đâu là nguyên nhân của những thắng lợi này? Kịch bản hay, đạo diễn tốt hay là chính từ dàn diễn viên với những ngôi sao quốc tế? 

–  Tất cả. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã nói là có hàng triệu điểm trong bộ phim mà anh giẫm vào đó sẽ làm hỏng bộ phim. Tất cả mọi thành phần sáng tạo trong phim đều quan trọng. Đạo diễn chính là người phải chịu trách nhiệm phối hợp và quyết định lựa chọn cho chính xác.

* Sau 7 năm theo đuổi, 3 lần sửa tên, kịch bản sửa 7 lần, anh có thấy những gì mình nhận được thực sự xứng đáng với tâm huyết mình bỏ ra?

– Không phải 7 lần sửa kịch bản mà là 13 lần. Tôi không biết như thế nào là xứng đáng. Vì tôi cùng với những thành phần sáng tạo trong phim xác định làm Chơi vơi vì thích. Vậy thôi. Chơi vơi được sự chú ý của nhiều LHP trên thế giới và có thể với cả khán giả Việt Nam khi chúng tôi công chiếu ở Hà Nội và TPHCM. Điều đó với chúng tôi là ngoài sự mong đợi.

* Giải thưởng hay việc bán phim ra thị trường quốc tế là mục đích của anh khi tham dự những LHP quốc tế vừa qua?

– Giải thưởng thì cũng nhằm mục đích là bán phim mà thôi. Với tôi, bán được phim có nghĩa là Chơi vơi đến được với đông đảo khán giả chứ không phải chuyện tiền. Khi bắt tay vào dự án này, tôi chỉ nghĩ đủ tiền làm được phim là tốt rồi. Tôi không có hợp đồng nào với nhà sản xuất và phát hành để có thể kiếm tiền từ việc bán phim. Đó chính là một trong những điểm còn thiếu hụt trong hệ thống sản xuất phim ở Việt Nam. Chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp ở nhiều khâu lắm.

* Anh từng nói đã tự cởi bỏ những áp lực tâm lý khi làm Chơi vơi, những áp lực đó là gì?

– Thứ nhất là áp lực phải thu hồi lại tiền vốn cho nhà sản xuất. Đó là áp lực lớn nhất mà tôi cởi bỏ được. Nhà nước đã tài trợ một phần cho phim, còn lại tài chính từ một số quỹ tài trợ, một số công ty. Tài trợ chứ không phải đầu tư nên tôi nhẹ đầu. Tôi được làm những gì mình thích. Thứ hai là áp lực từ danh tiếng. Tôi chẳng cần phải đạt danh hiệu nào cả. Tôi làm phim này cho mình, thế thôi.

* Phim anh có những cảnh nóng, poster phim cũng cực kỳ nóng bỏng. Đó có phải là những yếu tố câu khách?

– Thì đúng là tôi câu khách mà (cười). Trong những bộ phim của tôi, tôi quay những cảnh nhạy cảm vì cần phải như thế. Sống trong sợ hãi có nhiều cảnh mà người ta nói nó mạnh bạo quá nhưng họ phải đồng ý là nó cần thiết. Chơi vơi cũng vậy. Tôi không làm quá những gì cần thiết. Mà nói cho cùng, nghệ thuật phải có đủ 3 yếu tố: Người nghệ sĩ, tác phẩm và khán giả. Nếu không quảng bá cho hấp dẫn thì làm sao lôi kéo được khán giả đến với bộ phim?

* Có nghệ sĩ đã tuyên bố thẳng thắn sáng tác của họ là cho khán giả chứ không phải đồng nghiệp. Riêng anh thì sao?

– Tôi đã cảm thấy nực cười khi có những người làm phim tuyên ngôn đề cao yếu tố phục vụ khán giả mà coi thường sự thể nghiệm sáng tạo. Cũng nực cười không kém khi có người làm phim khác coi phim dành cho khán giả là thấp kém. Với tôi, thứ nhất là phải làm phim cho mình. Một bộ phim mà chỉ phục vụ khán giả nhưng bản thân người sáng tạo không cảm thấy thích thú thì cũng khó mà thành công. Nói cho cùng, người làm phim nào mà chẳng làm phim cho khán giả! Làm phim cho đông đảo khán giả hài lòng thực sự là thách thức. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì nếu tôi chỉ làm phim cho một diện hẹp những khán giả sành sỏi hài lòng. Có thể khán giả ở ta còn hơi khác với khán giả ở các nước có nền điện ảnh phát triển nên còn có sự tranh cãi về nghệ thuật hay bình dân.

* Ít ngày nữa, Chơi vơi sẽ ra mắt khán giả Việt nhờ một công ty phát hành phim chuyên nghiệp. Anh có tin phim mình sẽ đến được với đông đảo khán giả mà không như nhiều bộ phim Việt Nam khác giành giải ở các LHP khu vực nhưng lại gặp phải sự lạnh nhạt của khán giả quê nhà?

– Tôi đã nói là tôi giải tỏa được áp lực khi làm phim và cũng giải tỏa mọi áp lực khi hoàn thành bộ phim và đưa vào phát hành. Tôi rất mừng khi Thiên Ngân là nhà phát hành của Chơi vơi trong nước. Tôi tin vào năng lực của họ và tin bộ phim của tôi sẽ có được sự đồng cảm của khán giả trẻ nhiều hiểu biết.

* Sau Chơi vơi, khán giả rất muốn biết Bùi Thạc Chuyên sẽ có những dự án gì?

– Tôi có 2 dự án phim đang theo đuổi. Tôi đang mong có thể quên Chơi vơi càng sớm càng tốt và hy vọng dự án mới sẽ nhanh chóng bắt đầu.

* Phạm Linh Đan từng phát biểu đại ý, nếu anh Chuyên còn làm phim, cô ấy sẽ tiếp tục tình nguyện tham gia mà không tính đến cát sê?

– Sau buổi chiếu phim ra mắt ở Venice, Linh Đan nói với tôi cô ấy sẵn sàng tham gia những bộ phim tiếp theo của tôi. Tôi nghĩ trước tiên đó là sự hài lòng của cô ấy với Chơi vơi. Đó cũng là một lời khen ngợi rất tế nhị của Linh Đan dành cho tôi. Tôi hạnh phúc vì điều đó. Tôi nghĩ Chơi vơi là trường hợp đặc biệt của Linh Đan, cô ấy chỉ nhận thù lao khi phim có lãi.

Theo nld

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *