Bên bờ hạnh phúc

Ca sĩ Hoài Phương

Hoài Phương bắt đầu con đường ca hát từ năm 16 tuổi, cô thuộc lớp thanh nhạc đầu tiên do Nhà hát Tuổi Trẻ đào tạo. Sau 3 năm, cô trở thành diễn viên chính của nhà hát. “Đêm nằm mơ phố” của Việt Anh, “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải đã mang về cho Phương tấm huy chương Bạc ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1989. Ngày đó, tụ điểm ca nhạc nào cũng thấy Phương xinh đẹp và hồn nhiên hát song ca cùng Hải Yến. Nhưng hát mãi, chương trình nào cũng có mặt không đẩy được tên tuổi Hoài Phương lên hàng sao như Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Phương bắt đầu cảm thấy nản. Cô bảo rằng: “Tôi đã cố gắng hết sức và rất muốn làm tốt công việc mình đã lựa chọn, nhưng hóa ra không phải cứ làm tốt là sẽ đạt được mọi thứ mình muốn. Không phải tôi quá ham hố vinh hoa danh vọng. Chẳng qua ngày hai mươi tuổi ảo tưởng về bản thân vẫn còn cao lắm nên tôi vẫn quá say những giấc mơ hão huyền…”.

“Hai mươi tuổi ta không quan tâm đến ta có thực tài không, ta là ai… Chỉ biết ta sao mà xinh đẹp và lộng lẫy lúc đứng trên sân khấu. Bao nhiêu chàng trai vây quanh, bao nhiêu lời mời mọc hấp dẫn từ những Mạnh thường quân sẵn sàng vung tiền ra “tút” cho thành công chúa… Tôi đã may mắn không bị sa ngã vào chuyện đổi chác ấy. Tôi chọn một người đàn ông bình thường nhất để làm chỗ dựa”, Phương tâm sự.

Thế rồi tuổi hai mươi qua đi Hoài Phương nhận ra rằng sự thành bại trong cuộc sống và sự nghiệp cũng còn do số phận quyết định. Con đường hát nhạc nhẹ mà cô chọn không đưa được tên cô trở thành diva nhưng cũng rèn luyện cho Phương có một cách nhìn điềm đạm hơn vào cuộc sống. Chỉ đến khi cô gặp Lê Tâm và Việt Khôi, họ quyết định thành lập ban nhạc Đồng hồ báo thức với những ca khúc do chính họ sáng tác mới thực sự là đỉnh cao trong con đường nghệ thuật mà Phương đã đi.

Năm 1997, tình cờ Hoài Phương gặp Lê Tâm lúc bấy giờ đang là họa sỹ thiết kế Báo Văn Nghệ. Lê Tâm có rất nhiều ca khúc mà vừa nghe anh đệm đàn ghitar nghêu ngao, Hoài Phương đã cảm nhận ngay rằng đó chính là những bài hát mà Lê Tâm viết riêng cho cô. Hai người mời Việt Khôi là một người bạn thân thành lập nên ban nhạc Đồng Hồ Báo Thức có đầy đủ cả dàn nhạc. Hoài Phương trở thành nữ ca sỹ hát chính và cô đã thể hiện rất thành công các ca khúc “đinh” của nhóm.

Lo cho gia đình thiết thực hơn là người nổi tiếng

 

Ban nhạc "Đồng hồ báo thức"

“Thời gian vun vút quá nhanh, quá nhanh…”, câu hát trong bài “Chiếc đồng hồ đáng ghét” cũng ứng nghiệm ngay chính vào tuổi thọ của Đồng hồ báo thức. Mười năm trôi qua chẳng thấy họ một lần tái ngộ như lời Lê Tâm ngày xưa đã hứa với các fan của mình. Thời gian khắc nghiệt đã thay thế những thành viên ban nhạc ngày hai mươi tuổi ấy là những ông bố, bà mẹ với hàng trăm nỗi lo toan cơm áo đời thường. Cơm áo gạo tiền và nghề nghiệp chính đã làm tan vỡ giấc mơ của 3 người về một ban nhạc đình đám. Hoài Phương cũng bỏ nghề hát solo từ đó.

Ba mươi tuổi, Hoài Phương thấy cuộc sống thật mệt mỏi vì miếng cơm manh áo. Hai đứa con gái với một người chồng làm viên chức bình thường khiến cô chẳng còn bụng dạ nào mà đi hát. Nhưng để chuyển hẳn sang một việc khác thì cô lại không biết làm gì. Thế rồi nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Hoài Phương thành lập công ty tổ chức biểu diễn. Công ty của Phương ban đầu chỉ có một mình cô vừa là nhân viên vừa là giám đốc. Nhưng rồi các đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Công ty của cô bây giờ đã có nhiều người tham gia và đã có của ăn của để.

Hoài Phương bảo: Nghề ca sỹ cần phải có một niềm đam mê kinh khủng mà tôi lại chẳng có được điều ấy. Tôi không thể hy sinh hết mình cho nghệ thuật có lẽ vì thế mà tôi không thể đi trên con đường ấy mãi.

Hỏi có lúc nào Phương cảm thấy chạnh lòng khi mà bạn bè nổi tiếng hơn mình? Phương cười: "Tôi không có tính đố kỵ, niềm hạnh phúc lớn của tôi là những đứa con và gia đình. Có tiền tôi có thể lo được cho gia đình mình một cuộc sống tốt hơn, điều đó thiết thực hơn làm một người nổi tiếng."

Biết lựa chọn cho mình một lối rẽ đúng đắn cũng là một người thông minh. Nghề ca sỹ là một nghề không dễ thành công bởi nghệ thuật là sự vận động và sáng tạo không ngừng, không cho phép người nghệ sỹ chùng lại hay chán nản. Đến với nghề đã khó mà giữ được nghề còn khó khăn gấp bội. Tôi biết Hoài Phương bao nhiêu năm nay và thấy từng bước đi của cô rất chắc chắn và chậm rãi. Tôi thấy cô đang hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi bình dị mà tất cả những người đàn bà khác đều vươn tới. Và tôi tin, dù cô có dừng lại không hát nữa thì cô cũng đã có một tuổi hai mươi thật đẹp và đáng trân trọng…

Theo giadinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *