Bên bờ hạnh phúc

Chiến thắng lịch sử của Kathryn Bigelow tại Oscar năm nay minh chứng cho tài năng của các nữ đạo diễn tại Hollywood. Ngoài ra, các đồng nghiệp cùng giới của bà cũng để lại dấu ấn khá đậm nét trong làng điện ảnh thể giới.

Các nữ đạo diễn bắt đầu xuất hiện tại Hollywood từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước. Cùng với thời gian, số lượng đang ngày càng tăng lên. Việc lập ra danh sách 10 nữ đạo diễn hàng đầu ở kinh đô điện ảnh hiện nay là rất khó khăn. Trong top 10 dưới đây, cây bút Marina Zogbi của Moviefone chỉ điểm tên những đạo diễn hiện còn làm phim và từng có hơn 2 bộ phim nói tiếng Anh.

1. Kathryn Bigelow

 

Kathryn Bigelow (áo trắng) chỉ đạo diễn xuất trong "The Hurt Locker". Ảnh: Summit.

“The Hurt Locker” là điểm nhấn đáng nhớ trong sự nghiệp của bà. Năm 1987, cùng với bộ phim kinh dị về ma ca rồng “Near Dark”, Kathryn trình làng một phong cách phim kinh dị thiên về nội tạng thường thấy ở các đạo diễn nam. Sự nhạy bén với thể loại hành động cũng được bà bộc lộ trong “Point Break” năm 1991, với những trường đoạn đuổi bắt hấp dẫn. Trong khi “Strange Days” (1995) thể hiện bà là một đạo diễn táo bạo, sẵn sàng thử sức với những ứng dụng công nghệ tinh vi. Không chỉ đam mê theo đuổi điện ảnh, bà còn lấn sang truyền hình với “The Miraculous Year” (2011), một phim truyền hình gia đình chiếu trên HBO.

2. Nancy Meyers

 

Nancy Meyers tại trường quay "The holiday". Ảnh: Columbia Pictures.

Meyers xuất thân từ nhà biên kịch, với “Private Benjamin” (1980) và “Baby Boom” (1987). Sau khi chuyển sang làm đạo diễn, Meyers gặt hái thành công tại các phòng vé. Năm 1998, bà khởi đầu với phim làm lại “The Parent Trap” trong đó có Lindsay Lohan hồi nhỏ đóng hai vai chính. Tiếp tục với thể loại hài lãng mạn, bà biên kịch và chỉ đạo “Something’s Gotta Give” (2003) và “The Holiday” (2006). Gần đây nhất là thành công của “It’s Complicated”, phim hài lãng mạn đầu tiên của Hollywood có diễn viên nữ chính ở độ tuổi 60 (Meryl Streep). Phim nói về những rắc rối yêu đương và tình dục của những người đã có tuổi.

3. Nora Ephron

Nhà văn, đạo diễn Nora Ephron. Ảnh: The New York Observer.

Giống như nhiều đạo diễn khác, Ephron khởi đầu bằng sự nghiệp biên kịch, với những kịch bản rất ăn khách như ‘When Harry Met Sally,’ ‘Silkwood’. Với tư cách đạo diễn, bà tiếp tục gặt hái thành công với hai phim tình cảm ‘Sleepless in Seattle,’ ‘You’ve Got Mail’ vào những năm 90. Những phim đầu thập niên như “Lucky Numbers” (2000) và “Bewitched”(2005) không gây ấn tượng lắm. Tuy nhiên, với “Julie & Julia” năm 2009 với vai nữ chính của Meryl Streep được đề cử Oscar, Nora chính thức trở lại.

4. Mira Nair

 

Đạo diễn Mina Nair. Ảnh: Cinema Source.

Phim tiểu sử mới đây “Amelia” (2009) của Mina Nair bị quy kết là sai sự thật. Những trước đó, nữ đạo diễn gốc Ấn Độ đã chứng tỏ khả năng của mình với các tác phẩm chuyển thể như “Vanity Fair” (2004) and “The Namesake” (2007), cùng với thành công của “Monsoon Wedding” (2001). Nhiều màu sắc và có ý nghĩa rọi sáng văn hóa, những bộ phim của bà hoàn toàn dễ tiếp cận đối với đông đảo khán giả.

5. Sofia Coppola

 

Đạo diễn Sofia Coppola. Ảnh: Frillr.

Con gái của huyền thoại điện ảnh Francis Ford Coppola, Sofia có thuận lợi rất lớn khi bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, bà là một người tự lập và hoàn toàn nắm giữ vận mệnh của mình, không chỉ phụ thuộc vào may mắn. Bà làm tất cả ngạc nhiên khi ra mắt bộ phim đầu tay "The Virgin Suicides" (2000) đầy tăm tối và huyền ảo. Sau đó thực sự vụt sáng với “Lost in Translation” (2003), với hai vai chính do Scarlett Johansson và Bill Murray thủ diễn. Nhờ phim này bà được đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhưng không chiến thắng.

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều và không thành công tại các giải thưởng, tác phẩm “Marie Antoinette” (2006) của bà vẫn thể hiện phong cách rất riêng biệt.
Tháng 10 năm nay, Sofia sẽ ra phim mới có tên “Somewhere” về một ngôi sao (Stephen Dorff đóng) nhìn lại cuộc đời của mình.

6. Jane Campion

Đạo diễn Jane Campion. Ảnh: Apparition.

Đây là đạo diễn nữ thứ hai được đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc, vào năm 1993 cho “The Piano”, sau Lina Wertmüller năm 1975. Campion được biết đến với phong cách riêng biệt, đề tài yêu thích là những phụ nữ phá cách, không đi theo khuôn mẫu truyền thống. Điều này thể hiện trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Henry James, “Portrait of a Lady” (1996), Nicole Kidman đóng vai chính; “Holy Smoke” (1999) tăm tối và châm biếm với sự xuất hiện của Kate Winslet; và mới đây nhất, một phim tiểu sử được đáng giá rất cao “Bright Star” (2009) do Abbie Cornish thủ vai nhà thơ John Keats.

7. Catherine Hardwicke

 

Đạo diễn Catherine Hardwicke. Ảnh: WireImage.

Hardwicke khởi đầu và gây chú ý bằng những bộ phim về tuổi teen có phong cách sâu sắc hiếm thấy. Tiêu biểu là trong tác phẩm gai góc và có tính đột phá “Thirteen” (2003), đây cũng là phim đầu tay của bà. “Lords of Dogtown” (2005) về những thanh thiếu niên tiên phong trong trào lưu trượt ván ở vùng biển phía Tây nước Mỹ những năm 70. Và tất nhiên, tập đầu tiên trong loạt phim “Twilight” (2008) đạt thành công vang dội về thương mại và danh tiếng.

Sắp tới, bà có kế hoạch chuyển thể “Hamlet” thành một phim kinh dị siêu nhiên thời hiện đại, với sự tham gia của nam diễn viên “Speed Racer” Emile Hirsch.

8. Nicole Holofcener

 

Đạo diễn Nicole Holofcener (bên phải) chỉ đạo diễn viên Catherine Keener. Ảnh: Newser.

Chân thực, hài hước và đôi khi rất đau đớn khi họa nên những bức tranh về phụ nữ và các mối quan hệ của họ, đó là đặc điểm chính của các bộ phim do Holofcener đạo diễn. Một số cái tên tiêu biểu gồm ‘Walking and Talking'(1996), ‘Lovely and Amazing’ (2001) và ‘Friends With Money’ (2006). Tất cả đều do nữ diễn viên tâm đắc của bà, Catherine Keener thủ vai chính. Trái lại, “Friend with money” có Jennifer Aniston tham gia lại là một bức tranh méo mó về tầng lớp thượng lưu Los Angeles, những người giàu nhưng không hạnh phúc trong hôn nhân

Phim sắp tới “Please Give” (2010) của Holofcener chuyển đối tượng sang những người New York ở hoàn cảnh tương tự “Friend with money”.

9. Julie Taymor

 

Đạo diễn Julie Taymor. Ảnh: WireImage.

Taymor là một đạo diễn sân khấu đầy óc sáng tạo, bà từng giành giải Tony cho vở nhạc kịch “The Lion King” diễn tại Broadway. Giải Tony bên sân khấu tương đương với Oscar bên điện ảnh. Về sau, bà chuyển sang chỉ đạo phim và đưa cả phong cách cá tính của mình lên màn ảnh rộng. Tác phẩm chuyển thể từ kịch Shakespeare “Titus” (1999) và bộ phim về cuộc đời Frida Kahlo “Frida” (2002) gây xúc động mạnh trong công chúng bởi hình ảnh, cảnh quay đẹp lung linh. Năm 2007, “Across the Universe”, tác phẩm tưởng niệm ban nhạc huyền thoại Beatles, được ca ngợi vì sự tinh tế trong sử dụng âm nhạc.

Năm 2010 này, Taymor ra mắt phim mới “The Tempest” xoáy vào đề tài gai góc: chuyển đổi giới tính với dàn diễn viên gồm Helen Mirren, Alfred Molina và Chris Cooper.

10. Amy Heckerling

Đạo diễn Amy Heckerling. Ảnh: Paramount Picture.

Nhờ đến cú hích từ bộ phim thứ hai do bà chỉ đạo, “Fast Times at Ridgemont High” (1982), Heckerling đã có được sự công nhận của làng điện ảnh. Đóng vai chính trong phim là Sean Penn và Jennifer Jason Leigh. Sau đó, Heckerling tiếp tục thành công với phim tình cảm hài “Clueless” (1995), một phim làm lại, chuyển thể từ tiểu thuyết của Jane Austen.

Tuy nhiên, sau đó sự nghiệp của bà chững lại trong vài thập niên với những bộ phim không để lại dấu ấn. “I Could Never Be Your Woman” (2007) với vai nữ chính của Michelle Preifer đánh dấu sự trở lại của bà. Hiện, Heckerling chuẩn bị cho “Vamps” ra mắt vào năm 2011. Trong phim này, các ngôi sao của “Clueless” ngày trước cũng xuất hiện, Alicia Silverstone và Krysten Ritter vào vai những con ma cà rồng trong một mối quan hệ yêu đương.

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *