Bên bờ hạnh phúc

Dự kiến sẽ lên sóng vào dịp diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng bộ phim "Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long" vẫn còn phải chờ quyết định cuối cùng từ phía hội đồng duyệt phim.

Bộ phim "Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long" với với nguồn vốn đầu tư sản xuất rất lớn của Công ty Cổ Phần Truyền thông Trường Thành đã hoàn thiện và dự kiến sẽ công chiếu vào dịp diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là bộ phim truyền hình lịch sử được sản xuất với 70% cảnh quay tại Trung Quốc, 30 % cảnh quay tại Việt Nam. Tổng đạo diễn phụ trách là đạo diễn Cận Đức Mậu, đạo diễn Việt Nam – ông Tạ Huy Cường.

Dự kiến lên sóng trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long, tuy nhiên, sau khi bộ phim gửi lên Hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh đã có những cảnh phải cắt bỏ và một vài chi tiết cần chỉnh sửa. Đơn cử, nội dung về nhân vật Lê Long Đĩnh có nhiều chi tiết phải thay đổi. Phim cần phải bám vào chính sử để thể hiện như: việc Lê Hoàn lên ngôi và cuộc kháng chiến chống Tống, sự kiện Lê Hoàn đánh Tống được ghi trong sử như một trong những trận đánh oai hùng tại sông Bạch Ðằng, Tây Kết…

 

Một đại cảnh trong phim

Theo ông Trịnh Văn Sơn – Giám đốc công ty Trường Thành cho biết “Sau khi nghe ý kiến từ hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh, công ty Trường Thành đã thực hiện chỉ đạo, đã cắt bỏ và chỉnh sửa những chi tiết lịch sử theo yêu cầu của hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh. Chúng tôi gửi bản phim chỉnh sửa lên hội đồng duyệt vào ngày 11/9/2010 và đang đợi kết luận cuối cùng từ hội đồng”.

Trước thông tin cho rằng, bộ phim "Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long" chịu nhiều ảnh hưởng từ phim lịch sử Trung Quốc, GS.TS Đinh Xuân Dũng, hiện là Ủy viên thường trực hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, cố vấn nội dung phim cho biết “Từ xưa tới nay, điện ảnh chúng ta còn có một món nợ lớn với lịch sử. Chúng ta thiếu quá nhiều thứ để có thể có được một bộ phim lịch sử hoành tráng, thiếu trường quay, thiếu các nhà làm phim am tường lịch sử, thiếu tư liệu lịch sử… Việc chúng ta thiếu trường quay và phải đi thuê đó cũng là điều bình thường với điều kiện cơ sở kỹ thuật của Việt Nam lúc này. Với tư cách là người trực tiếp đọc kịch bản và xem đầy đủ 19 tập phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, tôi nhận thấy bộ phim đã thể hiện sinh động với một tình cảm sâu sắc, một thái độ trân trọng với lịch sử. Cái thành công là đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để phản ánh trung thực và những nét cơ bản của lịch sử giai đoạn tuy không dài nhưng hết sức quan trọng của dân tộc đó là thời kỳ đầu của nền độc lập tự chủ dân tộc: thời Đinh – thời Tiền Lê – thời Lý, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư tới Đại La, mở ra một thời đại mới, thời kỳ phát triển của đất nước.”

 

Những diễn viên tham gia "Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long"

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết thêm “Tôi đã từng có cuộc trò chuyện với các nhà làm phim Hàn Quốc. Họ nói, phim lịch sử là sự tái hiện lại lịch sử bằng cách nhìn của người đương đại để từ đó, có thể rút ra những bài học từ lịch sử cho hôm nay. Bộ phim này đã cố gắng để làm được điều đó.

Tranh cãi về độ xác thực của lịch sử là vô cùng. Cũng khó có thể có được bộ phim không có khuyết điểm. Quan trọng là, các nhà làm phim 'Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long' đã nỗ lực làm bộ phim tốt nhất trong khả năng có thể”.

Hiện tại, 19 tập phim "Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long" đang chờ xét duyệt cuối cùng từ Hội đồng duyệt phim của Cục Điện ảnh.

Theo dantri

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *