Bên bờ hạnh phúc

Buổi sáng sau ngày trở thành Quán quân Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai, điều đầu tiên Thiện Nhân làm là đi chơi, đến những điểm của thành phố này mà trước đó em muốn đến nhưng chưa đi được.

Nguyễn Thanh Cầm, anh trai Thiện Nhân, nói sáu tháng ở Sài Gòn, muốn thỉnh thoảng đưa em mình đi thăm thú một vài nơi của thành phố này, vậy mà vẫn chưa làm được, phần vì bận tập luyện, phần Thiện Nhân lại hay bệnh vặt. Nhưng, giờ cũng không thể ở lại Sài Gòn thêm vì cô bé đã bị lỡ chương trình học không ít. Chính vì thế, ngay khi chương trình kết thúc, bé được đưa đi chơi để sau đó nhanh chóng quay về quê nhà và đến trường, vì phải “cày” lại cho kịp lời hứa với nhà trường.

 

Thiện Nhân mê hát từ bé, năm tuổi đã nghêu ngao. Xem ti vi, thấy người ta hát là hát theo. Thậm chí, cứ cả nhà hát karaoke thì cô bé út Thiện Nhân nhỏ xíu cũng tranh micro để hát. Chỉ là hát theo nhạc, với lời mình đã thuộc chứ lúc đó nào biết mặt chữ là gì. Thiện Nhân cho biết, khi được vào các vòng trong của Giọng hát Việt nhí, nhiều người gặp em đều thắc mắc để có được cách hát truyền cảm đến thế, em đã học hát ở đâu. Câu trả lời là ở nhà, và thầy em là… chính em.

Nhà không có máy vi tính, “công nghệ” tiên tiến giúp Thiện Nhân trau dồi giọng hát nhiều nhất là chiếc điện thoại của anh trai. Trong khi hầu như các thí sinh khác đều đến từ một “lò” đào tạo nào đó, chinh chiến nhiều cuộc thi ca hát trước đó thì vốn liếng của Thiện Nhân chỉ là những ngày tự mở điện thoại lên rồi hát theo. Kinh nghiệm ca hát duy nhất mà em có là một cuộc thi cùng cô giáo ở địa phương.

Thực tế, trong đêm chung kết, khi Thiện Nhân cất lên những lời đầu tiên của bài hát chầu văn Cô đôi thượng ngàn, nhiều khán giả đã không ngần ngại cả quyết rằng Quán quân là đây, nhưng ít ai biết Thiện Nhân đã khóc nhiều khi tập bài hát đó. Khóc vì bài hát quá khó, khóc vì sợ mình không làm được. Ban đầu, ngay cả huấn luyện viên Cẩm Ly cũng hoang mang, không biết học trò của mình có làm được hay không, bởi chính chị cho rằng nếu đó là chị, chưa chắc chị đã làm được, nhưng chính Thiện Nhân đã thuyết phục huấn luyện viên rằng mọi thứ sẽ ổn. Sai chỗ nào tập lại chỗ đó, mười lần không được thì trăm lần.

Thiện Nhân trong tiết mục hát văn Cô đôi Thượng Ngàn

 

 

Dường như Cẩm Ly chưa bao giờ thấy ý định bỏ cuộc ở Thiện Nhân, điều đó tiếp thêm cho chị lòng tin về tiết mục mà vợ chồng chị gọi là “vũ khí bí mật” này. Ngày thường, Thiện Nhân cũng như bao đứa trẻ khác, tập nhạc đó, nhưng cũng đòi đi chơi đó. Người vỡ nhạc cho các thí sinh của đội Cẩm Ly chính là chồng chị, nhạc sĩ Minh Vy, nhưng cứ hễ đến giờ, những đứa trẻ lại kêu “cho con đi siêu thị với cô rồi con về tập”.

Ở nhà, Thiện Nhân được gọi là bé Út, ở phòng tập, bé được các bạn trong đội gọi là cô bé Đu Đủ, vì Thiện Nhân thích ăn đu đủ và vì nhà em trồng nhiều cây này. Đôi khi, Cẩm Ly lại đùa, bảo có lẽ vì Thiện Nhân ăn đu đủ nhiều quá nên mới hát hay và ngọt ngào đến thế.

Những tháng đầu, Thiện Nhân hay khóc vì nhớ mẹ. Cha mẹ em không thể bỏ công việc đồng áng vốn là phương kế sinh nhai của cả nhà, đành phải để hai anh em tự chăm nhau giữa Sài Gòn. Những đêm thi sau, mẹ không chịu nổi nên phải vào cùng con. Em nói, bài hát Mẹ yêu mà em hát khi có mẹ ngồi dưới khán đài, tự nhiên cũng hay hơn khi tập.

Cứ sau mỗi vòng thi, khi cái tên Thiện Nhân được xướng lên, đêm đó hàng xóm lại nhắn tin, gọi điện chúc mừng rôm rả. Ở làng quê nhỏ của huyện Tuy Phước (Bình Định), những con ngõ cứ sáng ra là râm ran tiếng người nhắc về Thiện Nhân, rồi rủ nhau nhắn tin bình chọn. Thiện Nhân dường như đã không chỉ đang thực hiện ước mơ của riêng mình, mà chuyên chở thay cho ước mơ của những phận đời khác, của những người quanh năm đầu tắt mặt tối với mảnh đất khô cằn.

Khi được hỏi về số tiền thưởng quá lớn mà gia đình có được từ danh hiệu Quán quân của Thiện Nhân, anh trai em cho biết, gia đình đã từng nghĩ đến nó trước đó và nhất trí là sẽ dành một phần tri ân sự yêu thương của những con người thậm chí đến ước mơ cũng là điều không thể, là trẻ em nơi làng SOS quê nhà. Đó cũng là cách gia đình muốn Thiện Nhân biết chia sẻ may mắn của mình với người khác.

Với riêng mình, Thiện Nhân chỉ xin một chiếc xe đạp, để em có thể tự đạp xe đến trường mà không khiến mẹ phải bận bịu vì đưa đón em mỗi ngày. Còn ước mơ xa hơn, Thiện Nhân nói đó vẫn là trở thành cô giáo dạy nhạc, để vừa có một công việc ổn định, kiếm được tiền và được hát.

Trở thành cô giáo dạy nhạc là ước mơ từ lúc biết hát, và bây giờ, Thiện Nhân nói em tin mình sẽ làm được.

 Nguồn: Vũ Minh  Ảnh: Phạm Thành Nhân ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *