Vụ Hè Thu năm nay có nhiều yếu tố không thuận lợi |
Ngoài ra, dịch bệnh tuy chỉ phát triển ở mức trung bình, nhưng đã xảy ra liên tục, thậm chí trên một thửa ruộng còn có từ 2 – 3 đối tượng xuất hiện cùng lúc, như sâu ăn lá, nhện, rầy nâu và cả bệnh đạo ôn lá… Trên một cánh đồng ở ấp Hậu Thành, xã Long An, huyện Long Hồ, lúa đang ở giai đoạn đòng trổ nhưng vẫn còn xuất hiện nhiều đối tượng dịch hại. Bà con ở đây cho biết, trong vòng hơn một tháng đầu sau khi sạ, cỏ dại và sâu ăn lá đã tấn công và gây hại khá nặng, nhiều hộ phải phun ít nhất là 2 lần thuốc trừ cỏ và 3 lần thuốc trừ sâu. Đến khi lúa trổ đòng thì bị rầy nâu tấn công với mật số cao, sau đó lại mưa liên tục nên bệnh đạo ôn lá đã bộc phát mạnh. Bà con còn phải tiếp tục phun thuốc phòng trị 2 loại dịch hại này ít nhất 2 – 3 lần nữa. Tính chung, trong vụ Hè Thu năm nay, phải phun thuốc bảo vệ thực vật bình quân từ 6 – 7 lần, có nơi lên đến 10 lần. Chi phí phòng ngừa dịch bệnh vụ này tăng bình quân khoảng 200.000 đồng/công.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên gieo sạ lúa chất lượng cao và hạn chế sản xuất lúa chất lượng thấp do các giống lúa này khó tiêu thụ. Song, thực tế hoàn toàn trái ngược. Diện tích gieo trồng lúa chất lượng thấp còn khá nhiều, nhất là giống IR 50404 chiếm từ 30 – 40%, có nơi lên đến hơn 50%. Bởi, theo nông dân, các giống lúa này nhẹ chăm sóc, kháng rầy, cho năng suất cao. Điều quan trọng hơn là ở các vụ trước vẫn bán được giá nên tiếp tục gieo sạ lại. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết với các nước trên thế giới đều là gạo chất lượng cao nên gạo chất lượng thấp như IR 50404 phải chờ nhu cầu của thị trường thời gian tới. Vì vậy, chuyện lúa rớt giá và khó tiêu thụ là điều khó tránh khỏi.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là vào thời kỳ lúa trổ chín thì mùa mưa lại bắt đầu. Mưa nhiều kèm theo gió mạnh đã làm cho nhiều ruộng lúa bị sập và ngập nước. Thông thường, lúa ở giai đoạn trổ gặp mưa nhiều sẽ làm gia tăng tỷ lệ lem lép hạt, nếu kèm theo đổ ngã và ngập úng thì chắc chắn năng suất và chất lượng sẽ giảm sút. Mưa nhiều còn gây không ít khó khăn cho việc thu hoạch và làm khô hạt lúa, khiến bà con nông dân phải tốn nhiều công lao động và chi phí cho phơi sấy lúa. Theo tính toán của nông dân ở một số địa phương, giá thành sản xuất lúa vụ năm nay cao hơn vụ đông xuân từ 200 – 500 đồng/kg và đã xấp xỉ bằng giá sàn qui định. Theo ngành Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, với chi phí đầu tư từ 3.200 đến 3.500 đồng/kg, giá lúa trên thị trường hiện nay chỉ từ 3.500 đến 4.000 đồng/kg thì nông dân không thể lời được 30%. Đó là chưa kể đến những vùng sâu, vùng xa giá lúa còn thấp hơn nữa. Điều này càng gây thiệt thòi nhiều hơn cho bà con.
Hiện thời đang vào đầu vụ thu hoạch lúa Hè Thu, giá lúa đang ở mức từ gần bằng hoặc cao hơn giá sàn qui định chút ít. Điều làm bà con đang lo lắng là khi vào thu hoạch rộ, giá lúa có thể còn xuống thấp hơn, chẳng khác gì những vụ lúa trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn đang chờ nhà nước công bố giá thành chính thức rồi mới tiến hành thu mua lúa Hè Thu. Bà con nông dân rất mong Hiệp hội Lương thực Việt Nam sớm công bố giá sàn thu mua lúa Hè Thu hợp lý để đảm bảo lợi ích chính đáng của người trồng lúa.
Quốc Chiến