Bên bờ hạnh phúc

Vĩnh Long có 85% dân số sống ở nông thôn và kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tổng giá trị nông nghiệp chiếm trên 1/2 GDP (chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu). Do vậy, việc phát triển nông nghiệp – nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Do chưa được đầu tư đúng mức nên tình hình phát triển nông nghiệp – nông thôn của Vĩnh Long thời qua còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào việc khai thác tiềm năng sẵn có. Thu nhập của người nông dân còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nguồn nhân lực kém, lao động có trình độ và tay nghề qua đào tạo còn thấp so với mức bình quân cả nước. Điều đáng lo ngại là 90% sản phẩm nông nghiệp làm ra tiêu thụ bấp bênh. Điệp khúc "được mùa, mất giá" cứ đến hẹn lại lên làm cho nông dân lao đao.

Giá trị nông nghiệp chiếm gần 1/2 GDP của Vĩnh Long

Để nông nghiệp – nông thôn phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng đề án thực hiện chương trình nông nghiệp – nông thôn và nông dân nhằm hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân ở nông thôn nâng lên. Theo đó, tỉnh đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương. Hình thành những vùng sản xuất nông sản tập trung, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn, sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng phục vụ phát triển sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong đó, ưu tiên đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông; xây dựng hệ thống điện, trường học, y tế và trạm cấp nước sạch cho nông thôn. Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ dân trí, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất, hiệu quả cao. Thực hiện các chính sách để khai thác các nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện đề án trên, huyện Vũng Liêm đã xây dựng chương trình hành động phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân đến 2020 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp đảm bảo có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, huyện cũng xây dựng nông thôn bền vững với 95 – 100% diện tích nông nghiệp khép kín hệ thống thủy lợi nội đồng, từ 90 – 100 % hệ thống giao thông nông thôn đạt chuẩn, 99% hộ dân sử dụng điện quốc gia… Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ theo qui hoạch, đảm đảm xã hội nông thôn ổn định. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 12 địa phương đạt xã nông thôn mới. Thực hiện chương trình này, huyện chọn xã Trung Hiếu làm điểm và xã Thanh Bình làm diện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ nay đến 2020. Hiện hai xã này đang tiến hành thực hiện các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới theo qui định. Nổi bật là xã Trung Hiếu. Trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, xã đã thi công các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như thủy lợi, giao thông, điện, y tế, trường học, nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 17 tỷ 600 triệu đồng.

Trong điều kiện hiện nay, để vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng phát triển mạnh lên, nhất thiết là phải phát triển nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến để làm tăng giá trị hàng hoá lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây. Ngoài ra, các vấn đề khác như nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cũng phải cần được đẩy mạnh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *